Đại đồng phong cảnh phú của Nguyễn Hàng

- Nguyễn Hàng, tên hiệu Nại Hiên là bậc danh bút thời cuối Lê, đầu Mạc. Ông thi đỗ kỳ thi hương khoảng niên hiệu Hồng Thuận (1509 -1516). Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông bỏ không thi hội, đi ở ẩn ở làng Đại Đồng, phủ Yên Bình (Tuyên Quang). Cùng với Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Bạch Vân am (Hải Dương), Nguyễn Dữ ở xứ lâm tuyền Thanh Hóa, Nguyễn Hàng ở trấn Đại Đồng (Tuyên Quang) là những danh nho tạo nên “thế chân vạc” trên văn đàn văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVI. bài phú đại đồng phong cảnh được xem như "thiên bút có một không hai" dưới gầm trời nam lúc sinh thời.

Đền thờ Nguyễn Hàng tại quê ông Lâm Thao (Phú Thọ). 

Chuyện rằng khi ấy Đại Đồng thuộc phủ Yên Bình, Tuyên Quang. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật chiếm giữ đất đó chống nhà Mạc. Họ Vũ một mặt giúp binh lương cho Lê Trang Tông (khởi sự ở Thanh Hóa), một mặt củng cố nội bộ, cho nên khi ấy Đại Đồng là một vùng nổi tiếng phồn vinh. Nhân dân tụ họp đông đúc, buôn bán thịnh vượng.

Gia quốc công trấn thủ Tuyên Quang là Vũ Văn Mật mời Nguyễn Hàng cùng nhiều văn sĩ đến làm thơ phú ca ngợi phong cảnh Đại Đồng. Nguyễn Hàng cầm bút làm xong ngay bài phú “Đại Đồng phong cảnh” theo thể quốc âm. Đọc bài phú, Văn Mật mừng lắm, tặng Nguyễn Hàng một cái thúng đựng 2.000 bạc.

Hãy cùng tìm hiểu về bài phú có “nhuận bút” cao nhất trong lịch sử văn chương nước ta.

 Trong Đại Đồng phong cảnh phú, ta thấy cảnh tượng kỳ vĩ của vùng đất Đại Đồng, Tuyên Quang thuở ấy. Đó là vùng sơn dã có cây cỏ, hoa lá tốt tươi, có cuộc sống phồn vinh sầm uất:

“Xem chưng: Được khí thiêng liêng; nhiều nơi thanh lạ. Non Xuân Sơn cao thấp chầu tây; sông Lôi Thủy quanh co nhiễu tả. Ngàn tây che cánh phượng, dựng thưở hư không; thành nước uốn đầu rồng, dài cùng là đá. Đùn đùn non Yên Ngựa, mấy trượng cao khoe thế kim thang; tho thó thác Con Voi, chín khúc uốn bền hình quan tỏa.

Đó là tả toàn cảnh rộng lớn của xứ Đại Đồng. Còn tả cảnh dinh thự của Vũ Mật cũng vô cùng lôi cuốn:

Thêm có: Lâu đài kề nước; hoa cỏ hướng dương. Thược dược khéo mười phần tươi tốt; mẫu đơn khoe hết tấc giàu sang. Hây hây ngõ mận, tường đào, quanh nhà thái tổ; thay thảy đường hòe, dặm liễu, bóng gió thiều quang.

Di tích lịch sử quốc gia Thành nhà Bầu (xã An Khang, TP Tuyên Quang) nơi Nguyễn Hàng sáng tác bài phú Đại Đồng phong cảnh.

Tất cả đều quy củ, lộng lẫy, gợi cho người ta tâm thái yên bình, ngưỡng mộ.

Trong bài phú có những câu miêu tả vẻ đẹp người con gái Tuyên Quang ví như quốc sắc thiên hương:

Má hồng điểm thức yên chi, đầy vườn hạnh xem bằng quốc sắc; quần lục đượm mùi long não, dãy thềm lan nức những thiên hương.

Đặc biệt, giới nghiên cứu cho rằng Nguyễn Hàng là người đầu tiên đưa hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số vào văn chương, với “tán đầu khăn” - chiếc khăn xếp đội đầu của đồng bào Dao:

Lại có nơi: Tiện nẻo vãng lai, là nơi thành thị. Tán đầu khăn họp khách bốn phương; xe dù ngựa dong đường thiên lý. Đủng đỉnh túi thơ bầu rượu, nặng cổ thằng hề; dập dìu quần sả, áo nghê, dầu lòng con tí.

Diên đại mại châu châu, ngọc ngọc, nhiều chốn phồn hoa; viện thu thiên ỷ ỷ là là, mười phần phú quý.

Xem phong cảnh chỉn đã khác thường; gẫm tạo hóa thật đà có ý.

Xứ Đại Đồng được hiện lên trong bài phú với cảnh, với người, với không khí dập dìu tấp nập - như trung tâm của cả vùng thời ấy.

Dẫu viết theo yêu cầu của Vũ Mật, bài phú ít nhiều có ngụ ý ca tụng uy thế Gia quốc công Vũ Văn Mật; nhưng bài phú vẫn cho thấy

Đại Đồng, Tuyên Quang là vùng đất đẹp, người đẹp, với niềm yêu mến thiết tha và lòng tự hào về xứ Tuyên sơn kỳ thủy tú. Thậm chí, ông còn ca ngợi Đại Đồng là vùng đất của bậc vương giả, hội đủ những điều thiết yếu của thánh thư truyền dậy:

Thửa mặc: Trời sinh chúa thánh; đất có tôi lành. Bói quẻ Kiền đòi thời mở vận; phép hào Sư lấy luật dùng binh.

Đất ba phần có thừa hai, chốn chốn đều về thanh giáo; nhà bốn bể vây làm một, đâu đâu ca xướng thái bình.

Chín lần nhật nguyệt làu làu, cao đường hoàng đạo; ngàn dặm san hà chăm chắm, khỏe thế vương thành.

Hình thế ấy khen nào còn xiết; phong cảnh này thực đã nên danh.

Nguyễn Hàng từ góc nhìn của kinh dịch soi chiếu vào vị thế địa linh xứ Đại Đồng để rút ra triết lý đối ứng và nhân quả vì thế vận của Vũ Vương. Theo đó, “Kiền” thuộc tượng trời có nghĩa là ngôi thiên tử, “Sư” là một quẻ từ hệ dịch nghĩa là xuất quân lệnh phải nghiêm.

Ý muốn nói Vũ Mật hội đủ những điều thiết yếu của thánh thư truyền dậy; có thiên thời địa lợi nhân hòa tạo nên thanh thế vững vàng.

Đến đây có thể hiểu vì sao Vũ Văn Mật lại ưng bài phú đến thế mà rút 2.000 lạng bạc tặng Nguyễn Hàng.

Ngoài Đại Đồng phong cảnh phú, Nguyễn Hàng còn có Tịch cư ninh thể phú (Ở nơi vắng vẻ để yên thân) - thiên tự truyện về cuộc đời của tác giả, nhà văn sống ẩn dật chốn lâm tuyền xứ Tuyên.

Phú vốn là thể loại văn chương bác học. Nhưng phú của Nguyễn Hàng thể hiện sự kết hợp linh hoạt, phong phú giữa từ gốc Hán với từ gốc Việt, gần với khẩu ngữ, giàu sắc thái trữ tình, tả thực và trào lộng tạo nên màu sắc mới cuốn hút. Biệt tài về phú Nôm của ông đã đem đến cho thể phú một thành tựu mới, chứng minh khả năng to lớn của ngôn ngữ văn học dân tộc trong cấu trúc văn biển ngẫu để miêu tả cảnh sắc, con người.

Đọc Đại Đồng phong cảnh phú, ta vừa khâm phục tài văn chương của bậc danh bút, vừa tự hào vì quê hương Tuyên Quang chính là nguồn cảm hứng, là chất liệu tạo nên một kiệt tác văn chương - cũng là nơi đã tạo nên tên tuổi của một nhà văn lớn.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục