Hành trình đến với dòng thơ trẻ

- Âm hưởng chính trong thơ Vương Huyền Nhung là những giai điệu trầm, nhẹ nhàng mà thấm đẫm sự từng trải thế nhưng không thiếu đi vẻ đẹp trong trẻo, ngọt ngào. Đó chính là nét riêng và làm nên phong cách thơ của chị.

Quyết liệt đến cùng với thơ

Bạn bè thường đánh giá về Vương Huyền Nhung là một người phụ nữ thông minh, cá tính. Câu chuyện chị bước vào làng văn khiến bao người suy ngẫm về sự quyết liệt, dám hy sinh trong việc theo đuổi một niềm đam mê của một cây viết trẻ.

Vương Huyền Nhung sinh năm 1983, ở Thái Nguyên, chị tốt nghiệp Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Cách đây gần 10 năm, theo sự dẫn lối của đàn chị, Vương Huyền Nhung bước vào con đường văn chương. Những ngày ban đầu ấy khi còn chấp chới chưa định hình rõ việc viết lách và niềm đam mê, nhiệt huyết thôi thúc chị tìm tòi, học hỏi. Và cô chủ tiệm áo cưới đã phải “dứt ruột” thanh lý vài ba bộ váy cưới để có kinh phí xuống Hà Nội tham gia một khóa Bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Quyết định táo bạo và đầy bất ngờ khi dám bỏ đi “cần câu cơm” để đi học viết văn khiến bao người ngạc nhiên và trách khéo sự “lẩn thẩn”, vụng dại.

Thế nhưng, Vương Huyền Nhung đã thực sự hài lòng với cái lựa chọn của mình. Sau hơn một tuần được tiếp xúc những lão làng văn chương Việt Nam, được đắm chìm trong bài giảng hay, hấp dẫn, chị nhận thấy đây là ngã rẽ bình yên của cuộc đời. Ở đó chị tìm thấy được chính mình, soi rọi được bản ngã, thỏa mãn khát khao bày tỏ cảm xúc trên từng trang giấy. Vừa nhẹ nhàng vừa táo bạo đúng như tính cách, chị đã bước vào làng văn xứ Tuyên trong sự đón chào, yêu quý của các bạn văn. Đó là động lực và là điểm tựa để sau bao lần số phận quăng quật chị vẫn kiên cường với nụ cười kiêu hãnh, vẫn mạnh mẽ tràn đầy khát vọng trong từng trang viết.

Nhà thơ Vương Huyền Nhung.

Gặp gỡ Vương Huyền Nhung, nhiều người luôn ngạc nhiên với con người chị. Đó là một người đàn bà chân thành, hiểu chuyện phải chăng vì thế mà nhiều tác phẩm cũng thủ thỉ, nhẹ nhàng đầy mê hoặc. Không chỉ sáng tác văn chương, chị còn chinh phục khán giả bằng con đường âm nhạc. Chị hát hay và hát được cả những làn điệu Then Tày, chơi đàn Tính thành thục điêu luyện. Nhiều người ngạc nhiên sao người dân tộc Kinh mà hiểu và yêu văn hóa Tày đến thế. 

Chỉ sau vài giờ ngẫu hứng, thăng hoa cảm xúc Vương Huyền Nhung có thể sáng tác được những lời ca Then Tày ý nghĩa để có thể biểu diễn ngay trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang hay một chương trình liên hoan văn nghệ nào đó.

Là người có năng khiếu nghệ thuật nhưng chị luôn khiêm tốn, dè dặt khi một ai đó xuýt xoa khen ngợi mình. Chị từng tự sự rằng: “Mỗi thứ biết một ít để cho cuộc sống đầy sắc màu, tươi sáng hơn và đó là động lực để mình phải say mê, đắm đuối, cống hiến khi còn được sống. Dẫu cuộc đời còn lắm chông gai và trắc trở, ta tin và yêu điều gì đó chân thành, hết lòng thì bình yên, hạnh phúc sẽ đến...”.

Hòa vào dòng thơ trẻ

Trên thi đàn hôm nay, các tác giả trẻ tìm tòi mang lại cho thơ Việt hơi thở hiện đại, tươi mới. Bao năm qua, một dòng chảy đầy sinh khí từ thơ trẻ đã mang đến cho độc giả nhiều dư âm, xúc cảm mới lạ. Bắt nhịp với phong cách sáng tác đó, các cây viết trẻ xứ Tuyên cũng có nhiều tác phẩm mang hơi thở đương đại từ dòng thơ này.

Dòng thơ trẻ của Huyền Nhung viết về tình yêu lứa đôi, về quê hương, cảm quan cuộc đời và cả những mến thương dành cho mảnh đất đã đi qua... Tình yêu trong thơ chị mang màu sắc lạ. Chị như bóc tách từng lớp cảm xúc của một người đang yêu và đã từng yêu. Khi viết về sự chia ly, câu chữ thật nhẹ nhàng, buông lơi: “Và rồi anh đã đi/Và rồi bàn tay lạnh ngắt/Và rồi mùa đông lại tới/Chút hanh hao chẳng hiếm muộn cuối trời/Ngày không tên/Cành xoan xòe những tán gân gầy guộc/Níu giữ mặt trời đang trôi về trái núi/Bất lực buông mình vào khoảng trống thinh không” (Ngày không tên).

Nhà thơ Phạm Thuyết từng nói, có lúc tôi trộm so sánh giữa thơ và cuộc sống đâu mới là con người thực của tác giả trẻ này. Cách nói chuyện gần gũi, nhẹ nhàng pha chút dí dỏm. Nhưng với thơ cô dường như trở thành một con người hoàn toàn khác. Chững chạc, sâu lắng mà thấm đẫm tình đời, tình người. Thật khó hình dung một cô gái trẻ lại có cái nhìn đa chiều mà không phiến diện.

Trong bộn bề của thành phố, giữa những ồn ào và khói bụi, chị vẫn bị hấp dẫn, mê hoặc bởi tiếng chim hót “chúng cất lên từ đâu nhỉ?” sự tò mò ấy được tác giả khám phá ra tại một căn hộ có chiếc cửa sổ. Và một sự bất ngờ hơn là tiếng chim trong trẻo chị tìm kiếm ấy lại được phát ra từ chiếc điện thoại chứ không phải như suy đoán ban đầu. “Từ chiếc smartphone tiếng chim vẫn cất lên trong trẻo” (Tiếng chim hót trong thành phố). Một lối dẫn ý rất mới mẻ táo bạo, tạo cho độc giả tò mò đến vỡ òa.

Hay độc giả dễ dàng bắt gặp một Vương Huyền Nhung với triết lý nhân sinh: “Ta buôn giữa chốn chợ đời/Đong năm đếm tháng kiếm lời lộc chi/Quẩy từ thơ dại quẩy đi/Đầy mưa hụt nắng lại khi gió mòn”. (Nửa đời). Chắc phải cảm thấu những nỗi day dứt cuộc đời mới, dứt ruột nói lên câu chữ như thế.

Chị từng nói, phụ nữ là những con người nhạy cảm theo một cách kỳ lạ. Và với thi sỹ thì khi đối diện với nỗi đau trong tình cảm, thì cảm xúc, dư âm trong tâm hồn lại càng nhức nhối, day dứt hơn. Chị sử dụng thành công cách ngắt dòng tạo khoảng trống cảm xúc. Những câu thơ tinh tế, nhạy bén: “Ngày em về xứ người/Có kẻ chôn chân bên thung bạch đàn tiếc nuối/Câu hát “tìm lá diêu bông” nhức nhối/Vụng về lời từ biệt bỏ quên” (Mùa hoa bạch đàn).

Đọc thơ Huyền Nhung, độc giả cảm nhận tác giả đã cố gắng tạo ra điểm nhấn để thoát khỏi cái bóng dòng thơ truyền thống. Chị có lối dùng từ rất tình mà không kém phần nghệ thuật, khiến cho người đọc luôn cảm thấy mới mẻ không bị nhàm: “Qua Nà Ka buộc vía mùa mận trắng/Vuông thổ cẩm gói bùa yêu” hình ảnh “vía, vuông thổ cẩm, bùa yêu” là nói tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tác giả đã nhập thân để hiểu cách cảm, cách nghĩ, cách yêu của một cô gái miền núi.

Có thể gặp khá nhiều trong tập thơ lối diễn đạt tưởng như gây ra “nhảy cóc” trong tiếp nhận của người đọc nhưng lại kích thích sự liên tưởng. Từ đó, tạo ra cách cảm thụ thơ thật thú vị ở mỗi người: “Tháng tư rụng trên tay/Một nụ cười đã cũ/Mùa đi bằng giấc ngủ/Ngắn như ngày hôm qua” (Tháng tư).

Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét: “Sự kết hợp hài hòa khiến cho nhiều bài thơ thật hay, hay về câu từ, hay về vần điệu. Rất nhịp nhàng, bài bản. Hầu như bài nào cũng được nâng niu, gọt giũa chỉn chu, sáng láng, không vấp váp, không bị lỗi...”.

Những năm gần đây chị gặt hái khá nhiều “lộc” văn chương. Đặc biệt mới đây, cuộc thi “Thơ Tuyên Quang năm 2021”, chị đã giành được giải nhất. Năm 2019, tập thơ “Ngày không tên” của chị đoạt giải C do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số trao tặng.

Nhà thơ trẻ Huyền Nhung từng chia sẻ: “đặt bút viết, tôi viết vì cảm xúc chứ không viết vì mục đích được đăng bài, được xuất bản. Dần dần, nghề viết với tôi như một người “bạn thân” trung thành, dễ chia sẻ. Tôi viết vì có những điều tôi không thể nói được. Tôi viết để chính tôi hiểu được nội tâm của tôi. Tôi viết để không bị lãng quên những điều đã diễn ra trong thế giới tôi đang sống”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục