Hương nhài

Đêm nay lại là một đêm khó ngủ. Thời tiết chuyển mùa làm vết thương bên vai trái của ông Tuần đau nhức. Hồi chiều, ông đã nói dối bà là ông không đau, chỉ mệt một chút thôi. Nhưng ông Tuần khó ngủ còn vì một lý do khác nữa. Đêm nay trăng sáng quá!. Vầng trăng thượng tuần cao vời vợi. Ông Tuần tập tễnh lần ra chiếc chõng tre đầu hè. Cũng vầng trăng này đây...

Ngày ấy, cách đây đã mấy chục năm rồi, cũng vầng trăng này đây, trăng thượng tuần cao vời vợi. Đêm cuối thu mờ sương, bên dòng suối nhỏ, Tuần chia tay người con gái anh yêu để sớm mai theo đơn vị nhập vào đoàn quân Nam tiến. Người con gái có dáng gầy như mai, đôi mắt mở to nhìn anh không chớp. Mái tóc dài của em lúc nào cũng thoang thoảng hương nhài. Không biết em gội đầu bằng nước ướp hoa nhài hay em giấu bông nhài sau tóc...

- Vân có đợi tôi không?

- Đợi... Đợi chứ! Dù thế nào, Vân cũng đợi anh...

Người con gái nói líu ríu, phả vào mặt anh làn hơi nóng hổi.

Thế là xa nhau. Ở nơi chiến trường đạn bom khốc liệt, mùi hương hoa nhài lúc nào cũng thoang thoảng bên Tuần, còn đôi mắt mở to không chớp thì lúc nào cũng in hằn trong tâm trí anh. Có lần cả tiểu đội rơi vào ổ phục kích của địch, tình thế gay go, anh đã nghĩ “chắc là chết!”, nhưng rồi hình như có mùi hương hoa nhài thoáng qua. Anh bừng tỉnh, bình tĩnh ôm chắc khẩu tiểu liên, dẫn đầu tiểu đội phá vòng vây địch. Lần ấy, cả tiểu đội thoát hiểm.

Hòa bình lập lại, Tuần từ giã chiến trường trở về làng quê cũ với một vết thương bên vai trái và một bàn chân bằng gỗ. Trong đoàn cán bộ và nhân dân ra đón bộ đội và thương binh về làng hôm ấy, người anh khát khao được nhìn thấy nhất là Vân nhưng em lại đứng lẻ loi ở một góc xa. Vẫn dáng gầy như mai, mái tóc dài nhưng đôi mắt thì u buồn hơn. Anh rẽ đám đông, tập tễnh chen về phía ấy, nhưng Vân bỗng nhiên biến mất. Hương nhài như còn thơm thoảng mà đã không còn thấy bóng dáng người đâu.

Chiều hôm đó, anh ra giếng nước sau nhà tắm một trận thỏa thuê rồi mặc bộ quân phục mới chỉnh tề. Dường như đoán được ý anh, bà mẹ ướm hỏi:

- Anh mới về, đã định đi đâu đấy?

- Dạ... con sang nhà Vân. Bác nhà bên vẫn khỏe chứ mẹ?

- Bà cụ vẫn khỏe, nhưng cái Vân thì...

- Vân thì sao hả mẹ?

- Cái Vân nó lấy chồng rồi!

Tuần ngồi phịch xuống giường, mặt anh nóng bừng, vết thương trên vai giật lên từng hồi. Bà mẹ nhìn con đau đớn.

- Dạo nghe tin con hy sinh, nó vật vã mãi, rồi nó xin đi làm giáo viên trường làng. Nó nói, nó sẽ không lấy chồng nhưng mẹ nó dọa chết. Chồng nó... cũng là thương binh nặng.
Tuần chết lặng. Năm đó, anh tròn ba mươi tuổi.

 Rồi sau đó, anh cũng có lần gặp riêng Vân. Hai người chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Chao ôi, chiến tranh, kinh hoàng và nghiệt ngã. Rồi lại đến lượt Tuần nhất định không chịu lấy vợ. Lần này lại đến lượt mẹ anh khóc lóc van xin. Anh chỉ một mực “Con không lấy vợ. Thân con thế này chỉ làm khổ người ta thôi. Với lại con già rồi, ai lấy”. Bà mẹ anh khuyên can không được, bèn nhờ Vân giúp đỡ. Vân cũng suy nghĩ, đắn đo, chọn lựa mãi. Một buổi, Vân sang chơi dẫn theo một cô gái tên là Ngần. Ngần mồ côi cha mẹ, ngày nhỏ đi ở gọi tên là Côi. Cho đến tuổi dậy thì, Côi ngày càng xinh đẹp, da cứ trắng ngần trắng ngọc, nên người làng mới gọi là Ngần. Bây giờ Ngần ở nhà bà cô họ xa, buổi sáng tráng bánh cuốn bán, chiều phụ giúp bà cô làm ruộng.

Từ buổi đến nhà Tuần cùng Vân, những lần sau, Ngần đến một mình. Ngày lễ lạt thì giúp mẹ Tuần gói bánh, thổi xôi. Ngày thường thì hộ vun luống rau, làm cỏ lúa. Bà mẹ Tuần thương Ngần lắm mà Ngần cũng quyến luyến mẹ con anh, muốn nương nhờ thân côi cút vào cái gia đình bé xíu nhưng ăm ắp thân tình của mẹ con anh. Nhưng còn Tuần, nhìn Ngần trẻ đẹp, phơi phới non tơ, anh chỉ thấy xót xa. Ngày tháng qua lại, lửa vẫn chẳng bén rơm. Mà còn bởi một lý do nữa là anh vẫn chẳng thể nào quên Vân được. Bố Tuần mất sớm, bà mẹ chỉ có mỗi Tuần là con. Bà mong có cháu đích tôn đến đỏ con mắt mà anh thì chẳng chịu cưới vợ, thế là bà đổ bệnh nằm liệt giường. Bao nhiêu việc nhà, một tay Ngần lo lắng cả.

Thương mẹ, lại chẳng thể làm ngơ mãi được trước ân tình của người ta, cuối năm đó, Tuần quyết định cưới Ngần. Vậy là căn nhà ngói ba gian có dáng vào ra của người vợ trẻ. Ngoài hiên, quán “Bánh cuốn nóng” lúc nào cũng đông khách. Cưới Ngần làm vợ rồi, Tuần mới vỡ lẽ ra một điều mà chính anh cảm thấy có lỗi vì mình đã không nhận ra sớm hơn, đó là tình yêu của Ngần dành cho anh, nó ngọt ngào và mạnh mẽ chẳng kém gì người con gái năm xưa. Mà có lẽ nào họ lại gửi gắm cho nhau được nhỉ? Chẳng phải chính Vân là người “dắt mối” hay sao?

Một năm sau, Ngần sinh con gái, năm đó anh tròn ba mươi tám tuổi. Ngần đặt tên cho con là Nguyễn Hoàng Mây. Nhiều lúc anh tự ngẫm, Nguyễn là họ anh, Hoàng là họ của Ngần, còn Mây? Mây có phải là Vân đấy không?

 Minh họa: Bích Ngọc

Sau đó, Ngần sinh thêm cho anh lần lượt hai đứa con trai nữa mà đều không nuôi được, có lẽ là do anh đã nhiễm chất độc ở chiến trường. Ngần thương chồng, giấu nước mắt vào lòng mà bảo “Trời cho vợ chồng mình bé Mây là hạnh phúc rồi, anh ạ”.

Mới đó mà đã bao năm, bé Mây bây giờ cũng đã là bà mẹ. Ngày nó sinh con gái, chồng nó bảo “Sinh con gái, vợ chồng con nhờ ông bà ngoại đặt tên”. Bà Ngần nhìn ông cười “Cái tên Mây của con là do tôi đặt, giờ nhường phần ông đặt tên cho cháu”. Sao mà bà vẫn cứ mãi dịu dàng như thế? Có phải tình yêu của cô Vân năm xưa đã hóa thành ân tình mà bà Ngần dành mãi cho ông? Ông nhìn bà, cười tủm tỉm “Ông đặt tên cho cháu là Hương Nhài”.

Nhờ có bà Ngần đảm đang, tháo vát mà ông Tuần rểnh rang tham gia công tác xã hội. Ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cũng đã được mấy năm nay. Năm nào Hội Cựu chiến binh xã ông cũng được bình bầu là Hội cơ sở tiên tiến xuất sắc. Năm ngoái, hội còn vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Ông Tuần thường bộc bạch “Thành tích này là có công lớn của bà”. Nói thế cũng không ngoa vì bà Ngần cũng góp nhiều công, của. Bà bỏ cả tiền túi ra mua mấy cái máy cày tay phục vụ sản xuất cho các gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh của ông. Quả là bà Vân đã không chọn nhầm người. Đã từ lâu lắm rồi, ông Tuần không còn so sánh Ngần với Vân nữa. Tình sâu sắc, dáng yêu kiều, nết ăn ở thuần hậu của hai người đàn bà ông yêu đều hội tụ ở Mây, cô con gái duy nhất của ông, khúc ruột của ông.

Mây đó!. Hôm nay nó đem con về thăm bà, thăm ông. Nó đang ngồi bên song cửa chải đầu cho mình và cho con gái. Mây có thói quen giống mẹ, trước khi đi ngủ, thường chải tóc cho mượt. Nhìn con chải đầu cho cháu, ông lại nhớ khi ở chiến trường, hì hục làm lược hình con cá từ xác máy bay này là để tặng Vân. Vân lấy chồng rồi, ông cất kỹ chiếc lược trong ba lô như một kỷ niệm buồn. Sau này ông đem chiếc lược tặng con khi nó lên mười, nó cứ hỏi ông “Sao bố tài thế? Bố biết là bố sẽ có con gái, phải không?” Lúc ấy, ông chỉ cười. Cuối cùng thì chiếc lược cũng đã được chải vào mái đầu mà ông yêu quý. Mới đó mà bây giờ ông đã lại có thêm cô cháu gái thật xinh...

Càng về khuya, trăng càng sáng lạnh, hương nhài thoang thoảng đâu đây, thơm quá... 

Truyện ngắn: Vũ Thị Thu Đạm

Tin cùng chuyên mục