Một cảnh trong bộ phim Cô ba Sài Gòn được lấy chất liệu từ văn hóa truyền thống, tôn vinh nét đẹp tà áo dài Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, âm nhạc Việt Nam đang cởi mở, tiếp cận nhiều xu hướng, trào lưu âm nhạc thế giới. Bên cạnh những sản phẩm âm nhạc chạy theo thị trường, nhiều nghệ sĩ đã lựa chọn đưa yếu tố văn hóa dân tộc vào sản phẩm của mình, cho thấy sức sống mãnh liệt của âm nhạc dân tộc vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ Việt.
Đại diện tiêu biểu cho nghệ sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X cũng lựa chọn đi theo con đường kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại là ca sĩ trẻ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà). Nhắc đến Hà Myo, công chúng sẽ nhớ đến “Xẩm Hà Nội”, một MV âm nhạc thể hiện nghệ thuật hát xẩm kết hợp một cách đầy ăn ý với rap và nhạc điện tử cùng vũ đạo hiện đại. Từ “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”, Hà Myo tiếp tục gây chú ý với MV “Đập nàng Khọt” kết hợp dân ca Mường với rap bằng tiếng Mường và nhạc điện tử ra mắt hồi tháng 3.
Mới đây, chàng trai xứ Tuyên Bùi Xuân Trường đã làm mưa làm gió với ca khúc “À lôi”, “Thanh âm miền núi” với chất liệu văn hóa miền núi. Ca khúc liên tục đứng vị trí Top 1 tại các bảng xếp hạng âm nhạc. Lời Rap có ý nghĩa sâu sắc, hướng người trẻ: “Ta mang thanh âm miền núi đến từng tai người nghe/Tự hào đến từ bản làng không sợ ai cười chê/Đi khắp Năm châu bốn bể không quên đường về/Mang bản sắc dân tộc vào Rap Việt là cách anh muốn được khoe”. (Thanh âm miền núi).
Tại các Hội thảo bàn về phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định, thời gian qua có thêm nhiều sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc khai thác những yếu tố dân gian, truyền thống, vừa là cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của nghệ sĩ, vừa dễ tạo được cảm xúc với khán giả. Phát hành những sản phẩm này là góp phần truyền bá giá trị truyền thống dân tộc đến với giới trẻ. Còn nhiều tác phẩm âm nhạc tạo được hiệu ứng tích cực như ca khúc “Bống Bống Bang Bang”, “Để Mỵ nói cho mà nghe”, “Bánh trôi nước”…
Độc giả trẻ thích thú tìm đọc những cuốn sách được làm mới từ những tác phẩm xưa cũ.
Không chỉ lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh cũng lĩnh vực tạo nhiều dấu ấn với nhiều tác phẩm lấy từ chất liệu xưa cũ. Năm 2018, đánh dấu tròn 100 năm nghệ thuật cải lương ra mắt người nghe trên sân khấu chuyên nghiệp. Khán giả cũng có cơ hội thưởng thức một bộ phim về cải lương mang tên “Song Lang”. Bộ phim đã khéo léo chuyển tải nhiều nội dung ý tưởng, nhắn nhủ người trẻ trân trọng giá trị văn hóa truyền thống. Phim tái hiện góc nhìn cải lương dưới nhiều cảm nhận, đối tượng nhân vật, từ người nghệ sĩ đến khán giả, hay từ cả kẻ bàng quan. Không lý tưởng hóa, không khuôn mẫu với những chi tiết khô khan, bộ phim đưa khán giả trở lại không gian của nghệ thuật truyền thống.
Tiếp theo đó “hiệu ứng” từ sự thành công vang dội về doanh thu của bộ phim điện ảnh “Tấm Cám, Chuyện chưa kể” đã mở hướng làm phim khai thác các câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, thần thoại. Để rồi những bộ phim như “Trạng Quỳnh”, “Trạng Tí phiêu lưu ký” tạo “cơn sốt” trong một thời gian dài.
Đa phần khán giả Việt rất ủng hộ với những dự án phim Việt sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc. Chị Phạm Lê Hương, công tác tại trường Đại học Tân Trào chia sẻ, những người trẻ như chị đều thích thú và háo hức khi xem những bộ phim được xây dựng từ nét văn hóa truyền thống. Chị cảm nhận được không gian và sự quen thuộc, gần gũi, nét hoài cổ trong mỗi bộ phim.
Thị trường sách cũng sôi động khi nhiều ấn phẩm xuất bản được sáng tạo trên nền vốn cổ mang lại góc nhìn mới cho độc giả. Làm mới tác phẩm bằng tranh minh họa, đặc biệt là minh họa mang “chất” dân gian, đã trở thành một xu hướng được yêu thích.
Những năm gần đây, phong trào làm sách, tặng sách Tết đang dần sống lại. Trên các kệ sách những ngày đầu năm mới luôn có sự xuất hiện của những cuốn sách đẹp, màu sắc bắt mắt mang theo hình ảnh biểu trưng của từng con giáp, đó là sách Tết…
Tác giả Lê Ngọc, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, với cuốn sách Tết mang đến cho độc giả cảm xúc, suy tư giữa Tết xưa và Tết nay. Tết của các miền, tết của cái nghèo và tết no đủ. Người đọc được sống lại những truyền thống xa xưa với hình minh họa về sắc đào chấm phá trong sương, với những cô gái làng đào quần lụa xòa kín gót, áo nâu thắt eo. Đặc biệt độc giả chìm đắm trong những trang văn thơ hoài cổ, với những hình họa cảnh quê thuở nào, bản nhạc ngày ấy…
Trong thời đại công nghệ 4.0, văn hóa dân gian truyền thống không chỉ để lưu giữ mà đó chính là kho tàng, chất liệu quý để người trẻ tiếp tục sáng tạo. Đó là cách gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong vốn cổ, để văn hóa dân gian được sống trong đời sống đương đại đầy tươi mới và cuốn hút.
Gửi phản hồi
In bài viết