Quán lưng đèo...

- Đèo có cái tên kỳ lạ: đèo - Bình - Thảo! Chẳng hiểu danh xưng mĩ miều kia từ đâu ra, chỉ biết nó không ăn nhập chi với cái địa hình hiểm trở.

1.

“Bình” đương nhiên là không (dốc lên dốc xuống chập chùng, bình làm sao?), còn “thảo” cũng không nốt. Hai bên đường cây thấp cây cao lừng lững, rợp bóng mát rượi vệ đường. Đi xe máy ngang đèo, dừng chân nghỉ dưới bóng cây, ngắm cảnh rừng núi hoang sơ rất thú. Nhưng đó là ban ngày. Ban đêm, bóng tối mịt mùng, con đường đèo xuyên sơn hóa âm u, thập phần nguy hiểm! Địa hình khúc khuỷu dễ gây tai nạn là một chuyện; nhưng còn cả mối nguy từ những kẻ bất lương. Đã có nhiều vụ chặn xe qua đèo xin đểu, thậm chí cướp giật.

Vậy nhưng mọi sự đã đổi thay kể từ lúc lưng đèo mọc lên cái quán nước.

Minh họa: Bích Ngọc

2.

Quán được đặt tên Quán Ông Sáu. Bởi chủ nhân của quán là ông Sáu Gầm, thương binh. Tuổi cao; chân hơi khập khiễng nhưng được cái vóc vạc rắn rỏi, to con nên trông ông Sáu còn đầy phong độ. Nghe bảo dân dưới xuôi. Chẳng hiểu buồn tình chuyện gì lại bỏ quê kiểng, cửa nhà lên đây dựng quán. Buồn gì đâu, ông Sáu cãi, là tôi thích sống… tự do thiên nhiên, yêu núi rừng! Quán dựng dưới gốc cây cầy (kơ nia) cao to lừng lững bên đường chủ yếu bán các loại nước: nước chè, nước suối, nước ngọt đóng chai…; thêm dăm bì bánh kẹo, thuốc lá, bật lửa và vân vân. Quán cũng bán cả mỳ tôm cho dân làm rẫy ngại dỡ cơm trưa có thứ mà ăn qua bữa đợi làm chiều.

Coi đơn sơ vậy mà bán đắt.

Đường đèo quanh co vất vả, lái xe nào lên tới đỉnh cũng muốn dừng xe vào quán thư giãn, làm ly nước mát. Ấy là khách vãng lai. Còn “bạn hàng” thường xuyên với ông Sáu là dân làm rẫy hai bên đường đèo: vào quán nghỉ trưa, ăn uống trước buổi làm chiều. Ông Sáu mua trăm mét ống nhựa, hì hục đặt, kéo từ con suối nhỏ trên núi xuống sau lưng quán thành cái vòi nước tự nhiên hầu “chư thượng đế” có nhu cầu rửa mặt mũi chân tay. Nước suối trong vắt, mát lạnh khiến người đi đường, người làm rẫy giữa trưa hè nắng lửa nghĩ tới không ai không thèm. Vậy nhưng, cái quyến rũ khách nhất vẫn là… chủ nhân. Vui tính xởi lởi, hàng bán giá cả phải chăng, sẵn sàng cho nợ với những khách hàng đã được “kiểm tra tư cách”. Và còn những câu chuyện của thời quân ngũ. Ông Sáu có biệt tài kể chuyện: ngay những khách hàng xuất thân mười mươi lính tráng nghe ông kể chuyện lính vẫn cứ mê như thường!

3.

- Chú Sáu…
- Gì vậy?
- Chúng nó bắn tin hăm chú…
- Đứa nào? Mà hăm cái gì??
- Thì nhóm… thằng Tâm “mãi lộ”… Mà thôi, cháu không tiện nói nhiều. Chúng nó nói cái quán chú trấn trên lưng đèo cản trở chuyện làm ăn. Bảo chú dỡ quán rời đi. Nếu không sẽ…
- “Sẽ” cái gì, mày nói luôn đi. Gì ấp úng mãi??
- Dạ, sẽ… sẽ… đốt!
Thằng Tí “chuột”, dân làm rẫy, hình dung ông Sáu chắc phải lo lắng lắm khi nhận được “hung tin” kia. Chẳng ngờ ông tỉnh bơ:
- Thôi kệ, nó có đốt thì mình… cất lại thôi. Tao già, đi đâu được nữa mà đi?

4.

Tôi quyết định rời bỏ phố thị, lánh xa những náo hoạt ồn ào, đoạt lợi tranh danh để tìm một chốn bình yên. Chốn ấy có rừng hoang sơ, có mây ngàn gió núi, có những người bạn mưu sinh bằng công việc rẫy rừng lam lũ nhưng chân chất hiền hòa. Chốn ấy tôi có thể sẻ chia - hào hứng sẻ chia - cùng những người bạn mới quen mảng màu ký ức một thời lửa binh. Gian khổ thật; nhưng cũng đầy nhạc, đầy thơ, đầy hùng khí lãng mạn dệt nên bởi một thời trai trẻ. Chúng tôi, những chàng lính tuổi hai mươi nói với nhau: làm trai phụng sự Tổ quốc là lẽ đương nhiên.

Tôi từng là một người lính như vậy. Lính đúng nghĩa. Tôi tự hào về điều đó.

Chiến tranh chấm dứt. Tôi, người lính may mắn còn sống sót (cho dù đầy mình thương tật) được xuất ngũ về với gia đình. Vinh quang; nhưng cũng có cái gì đó hơi hụt hẫng. Thú thật, tôi yêu gia đình nhưng tôi không muốn rời quân đội. Tay tôi quen cầm súng hơn cầm cày. Trời sinh tôi ra để làm lính. Chỉ trong môi trường lính tráng tôi mới có thể phát huy hết các tố chất ưu việt của mình. Vậy nhưng hội đồng giám định y khoa đã khám, kết luận; tôi không đủ sức khỏe để phục vụ dài lâu trong quân ngũ.

Thì về. Đương nhiên tôi cũng được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, chế độ khi xuất ngũ, kể cả trợ cấp thương tật. Nhưng khói bụi, xe cộ, nhà tầng và những náo nhiệt chốn phồn hoa chưa bao giờ có trong danh mục chọn lựa cho cuộc đời tôi. Cứ nhắm mắt tôi lại mơ về tuổi thanh xuân. Tôi thấy nhớ núi rừng, nhớ cái màu xanh bạt ngàn từng nuôi nấng, vỗ về những giấc mộng thanh xuân. Màu xanh áo lính…

5.

Tiếng la hét. Tiếng đấm đá. Tiếng chạy huỳnh huỵch trước xa sau gần, hướng về phía quán. Tiếp đó tiếng dộng cửa bồm bộp. Chú Sáu, chú Sáu… Ông Sáu Gầm bật dậy. Sắp nửa đêm rồi, chuyện gì đây??

Quờ tay chụp cây rựa bén dựng sẵn cạnh giường, ông Sáu thận trọng tiến ra, mở cửa. Thằng Thanh, tài xế xe tải đường dài cùng chú lơ xe ập vào như cơn lốc. Chú Sáu cứu con. Tiền “mãi lộ” tháng này con đóng rồi mà tụi nó còn đòi thêm; con không chịu nên… nên…. Hiểu rồi. Được, tụi mày trốn vào trong đi, để tao…

Ông Sáu giấu rựa sau cửa, vặn nhỏ ngọn đèn trên khám xong tay không bước ra ngoài. Trăng mười sáu vằng vặc, soi rõ đám “anh Hai” lố nhố trước quán. Con mắt nghề nghiệp của ông Sáu liếc nhanh, ước lượng. Một, hai, ba… Năm thằng cả thảy. Mã tấu loáng ánh thép.

- Chuyện gì vậy mấy chú?
- Này, ông già, đừng có giả bộ. Hai cái thằng vừa chạy vào nhà ông đâu, giao ra đây!
- Thằng nào, mấy chú nhầm chăng, làm gì có ai?
Thằng “đại ca” nhất đám hất mặt, cười nhạt:
- Ông tưởng qua mắt được tụi này sao? Này, cái quán của ông lù lù lâu nay ngứa mắt tụi này lắm rồi; bảo xéo đi không xéo giờ còn muốn phá bĩnh! Ông có tin tụi này… đốt quán ông ngay bây giờ không?

Ông Sáu vẫn một mực mềm mỏng:

- Tội nghiệp tôi mà mấy chú. Tôi cũng là cùng đường lên đây kiếm miếng cơm…
- Không nói lôi thôi, tụi bay đâu, lục soát nhà lão…

Hai thằng cảnh giới bên ngoài; hai thằng còn lại vác “mã” theo đại ca xồng xộc vào quán. Ông Sáu cũng theo sau, bén gót.

Bên trong quán mờ tối. Ba anh “thảo khấu” còn đang nhướng mắt, cố nhận dạng địa hình đã nghe cửa quán sau lưng đóng sập. Thằng đi sau chưa kịp quay lại đã bị cánh tay lực lưỡng của ông Sáu kẹp cổ. Một cú vặn nghiêng khiến xương cổ kêu đánh “rắc”. Ngón đòn ruột của lính đặc công, ông Sáu chỉ dùng nửa phần sức - đủ để vô hiệu hóa đối phương mà không đến mức lấy mạng! Bất ngờ với cảnh tượng ấy, hai “chiến hữu” đờ người ra mất mấy giây, sau đó nhất tề xông vào cứu nguy. Hự, cú đá gót xoay người trúng mặt giúp ông Sáu loại thêm thằng đàn em thứ hai. Phần gã “đại ca” được ông quăng trọn tấm thân tên đàn em bị kẹp cổ - giờ đã rũ ra, mềm nhũn - vào người. Chạy đâu? Cửa trước cửa sau đều đóng. Hắn luống cuống xô phải bàn thờ khiến ngọn đèn dầu đổ nghiêng, tắt ngấm. Giao tranh trong bóng tối đương nhiên ai thông thuộc địa hình người ấy thắng. Chỉ nghe thanh âm bàn ghế đổ, thanh âm bình bịch hừ hự, rồi tiếng “đại ca” nấc nghẹn:
- Tụi mày đâu, cứu tao…

Hai tên đồng bọn bên ngoài chắc đã nghe. Mở cửa, mở cửa… Ông Sáu buông tên “đại ca” vừa bị đánh ngất, lạng lại gần cửa, bất thần giật chốt. Cửa bật mở. Thằng co chân đạp suýt chút nhào luôn vô trong; may gượng lại được. Giọng ông Sáu bình tĩnh, lạnh băng:

- Ba thằng trong này tao cho đi… chầu ông vải hết rồi. Tụi mày có muốn theo thì vào đây luôn, tao tiễn…

Hai ông “thảo khấu” khựng người như xe thắng gấp, nhìn nhau. Không ai bảo ai, bốn cái chân đồng loạt thụt lùi, thụt lùi; rồi nhất tề… quay lưng chạy! Chờ chúng khuất bóng ông Sáu mới quay người tập tễnh bước vào trong, mò mẫm châm lại ngọn đèn. Ánh sáng bùng lên soi rõ cảnh đổ bể ngổn ngang cùng một bên chân ông máu chảy loang từ vết chém bằng mã tấu. Ông ngồi thụp xuống, xé áo tự băng vết thương cho cầm máu.

6.

Tòa xử tên Tâm “mãi lộ” cùng đám đàn em các tội danh: cướp đường có tổ chức, xâm nhập gia cư bất hợp pháp còn mang theo hung khí, cố ý gây thương tích và v.v… Nhân chứng vật chứng đầy đủ. Ông Sáu đã vận động được đám lái xe từng bị Tâm thu “mãi lộ” đồng ra tòa làm nhân chứng. Kết cục cả đám chia nhau gần ba mươi năm tù; riêng “đại ca” Tâm lãnh phần mười lăm năm. Đám đàn em trốn thoát bị phát lệnh truy nã, chờ bắt được xử sau. 
***
Đêm. Cột võng nằm giữa lưng đèo.  Ông Sáu yên tâm nhắm mắt thiếp đi trong tiếng lá rừng xao xác, khi trên đầu từng đợt gió Nam khuya đang lũ lượt tràn về…

Truyện ngắn: Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục