Tiếng sáo Đức Liên

- Có người viết trên mạng xã hội: “Tiếng sáo quá hay, không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Nghe nhạc sỹ, Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên biểu diễn tôi như bị tan chảy, thôi miên, hút hồn, tưởng như mình đang lạc vào khu rừng tràn đầy tiếng gió, tiếng vọng của núi rừng, tiếng hót của các loài chim, tiếng gọi bầy của các loại thú, tiếng thác nước và tiếng suối chảy”.

Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên.

Nhạc sỹ Đức Liên được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người sưu tầm, thổi được nhiều loại sáo nhất Việt Nam. Ông đã biểu diễn ở hơn 60 quốc gia, sở hữu bộ sưu tập hơn 100 cây sáo của hơn 30 dân tộc và cũng có thể coi là người đầu tiên đưa chùm sáo dân tộc lên sân khấu một cách bài bản.

Nhạc sỹ, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Đức Liên, bút danh Đức Liên, sinh năm 1956, quê ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), nơi bạt ngàn rừng tre, nứa, trúc. Ngày bé, ông đã bị mê mẩn bởi tiếng sáo của những người ngồi thuyền lướt trên dòng sông Gâm giữa không gian núi rừng, sông nước mênh mông. Thấy con thích sáo, vào dịp hè khi nhạc sỹ Đức Liên mới 10 tuổi, cha của ông đã mạnh dạn lặn lội về Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam gặp Nghệ sỹ ưu tú Đinh Thìn để xin thầy nhận con trai mình làm học trò. Và cứ thế trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài tháng hè, nhạc sỹ Đức Liên đã được tiếp thêm tình yêu, sự đam mê và tràn đầy niềm tin tưởng vào con đường nghệ thuật phía trước.

Từ năm 1973 đến 1990, nhạc sỹ Đức Liên công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2, làm Đội trưởng Đội Nhạc, nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ dân tộc. Đến năm 1990  nhạc sỹ chuyển về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trong thời gian này, ông tiếp tục học và tốt nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội. Ông từng giữ chức Trưởng đoàn Nghệ thuật, Trưởng ban Quản lý Trung tâm Đào tạo thực hành kỹ năng nghệ thuật biểu diễn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Là một nghệ sỹ ông luôn đem hết tài năng của mình đi phục vụ biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Đến mỗi vùng đất, đặc biệt là các bản làng vùng sâu, vùng xa, ông luôn cố gắng sưu tầm các loại sáo của địa phương để rồi bằng chuyên môn nghiệp vụ của mình, ông đã cải biến, nâng cao, chỉnh lý về cao độ, âm thanh, phương pháp diễn tấu và đưa vào sử dụng cho nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ông đã sáng tác và thu thanh nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Bình minh quê hương”, “Gặp em đêm hội mùa” (độc tấu sáo trúc); “Mùa trăng” (độc tấu sáo Mông), “Trăng núi” (song tấu sáo Mông), “Hội xuân Tây Bắc” (hòa tấu sáo). Có một công việc luôn lôi cuốn Nghệ sĩ ưu tú Đức Liên, đó là sáng tác. Bên cạnh những tác phẩm phối khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc, ông còn sáng tác nhiều ca khúc được sử dụng trong các chương trình nghệ thuật. Không ít nghệ sĩ vẫn còn nhắc nhớ đến ca khúc “Sóng đàn Thăng Long” (thơ Trần Chính) của ông. Ca khúc đã được ca sĩ Huyền Trang biểu diễn trong Chung kết Sao Mai 2013, ca sĩ Dương Linh Tuyết biểu diễn trong Chung kết Sao Mai 2017.

Nhạc sỹ, Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên và nhóm nghệ sỹ ở Hà Nội, thành phố Tuyên Quang giao lưu với người dân xã Tân An, Chiêm Hóa.

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001, hai Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba. Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Giải Nhì năm 2000 với tác phẩm Hòa tấu dàn sáo dân tộc, Hội xuân Tây Bắc, một Huy chương Vàng Liên hoan quốc tế Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) năm 1989, 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc trong các kỳ hội diễn trong nước và nhiều giải thưởng cao quý khác…

Nếu ai có dịp đến nhà Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên ở khu tập thể Phương Mai (Hà Nội) sẽ thấy rất ấn tượng với bộ sưu tập sáo của ông. Cây sáo to nhất dài 1m50, đường kính sáo 7cm, cây sáo nhỏ nhất dài 12cm, đường kính 0,4cm. Ông đã sưu tầm được những loại sáo khá độc đáo, như  8 loại sáo Mông, 8 loại sáo Thái và 16 loại sáo Việt; 10 loại khèn Thái và khèn Mông. Những năm gần đây, khi đã về hưu theo chế độ nhưng ngày ngày ông vẫn tham gia bồi dưỡng kiến thức tại nhà cho những thí sinh chuẩn bị thi vào các trường nghệ thuật cũng như những người theo học nghiệp dư.

Với ông, cứ có học sinh đến học là có thêm niềm vui, vì khi ấy ông biết rằng ở đâu đó vẫn có những người rất đam mê, nhiệt huyết với cây sáo trúc. Trong tâm tưởng, ông rất muốn âm nhạc dân tộc nói chung và sáo trúc nói riêng trở thành môn học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Và có thể thấy ông vẫn còn nhiều lắm những dự định, tâm huyết với cây sáo trúc nước nhà. Để tiếng sáo lan tỏa, ông lập kênh Youtube Tiếng sáo Đức Liên với mong muốn tiếng sáo ngày càng bay xa…

Dù xa quê hơn 40 năm, nhạc sỹ, Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên vẫn nặng lòng với quê hương Chiêm Hóa, quê hương Tuyên Quang. Ngoài nghệ sỹ sáo, nhạc sỹ Đức Liên còn chăm sáng tác, phổ nhạc các ca khúc về quê hương như: Về Tuyên Quang đi em, Đất mẹ Chiêm Hóa, Bên dòng sông Gâm, Mùa hoa phách tím, Câu hát Then quê mình, Tìm em trong lá. Trong bài Về Tuyên Quang đi em có đoạn: “Về Tuyên Quang đi em/Dòng Lô xanh vẫn hát/Dệt đẹp bao kỷ niệm/Ngàn đời vẫn còn ghi/Về Tuyên Quang đi em/ Dòng Lô xanh êm trôi/Tiếng sáo chiều, tiếng đàn gọi người thương/Ngọt ngào trong câu hát/Mùa xuân quê hương em”.

Đầu tháng 8-2023 mới đây, Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên cùng mấy người bạn nghệ sỹ ở Hà Nội, thành phố Tuyên Quang phối hợp với  UBND xã Tân An (Chiêm Hóa) tổ chức đêm Giao lưu văn nghệ “Giai điệu quê hương”. Nghệ sỹ Đức Liên cho biết “Về Chiêm Hóa, về Tuyên Quang là tôi về nhà mình. Mọi thứ đều gần gũi, giản dị, thân thương như chính tiếng sáo quê hương vậy”.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục