Miền chè cổ tích

Tôi chỉ nhớ đó là một ngày trời mưa rất lớn. Nước mưa từ trên cao như cái chậu khổng lồ cứ thế trút xuống. Mái nhà tranh của hai bà cháu như đôi cánh của một con gà mái nâu đang dang rộng, mỏi rã rời trong sự lo lắng và sợ hãi của một đứa trẻ. Tôi cảm tưởng như cái dây cuống tim của mình lúc này mỏng manh như một ngọn mồng tơi mùa hạ, chỉ cần một tiếng sét cấu nhẹ là đứt lìa. Bà tôi chắp tay, mắt nhắm, miệng lầm rầm khấn bái. Mưa vẫn không chịu ngớt, rồi như nhớ ra điều gì, bà vội bảo tôi:

- Lấy, cháu lấy xuống đây mau.

Theo hướng tay bà chỉ, tôi vội vã vớ lấy cái hộp gỗ nhỏ trên bàn thờ. Nó là vật duy nhất trong ngôi nhà này mà dù rất tò mò nhưng tôi không được động đến. Cũng vì sung sướng được chạm vào nó mà tôi đánh rơi nó xuống nền nhà, nắp hộp văng ra, vương vãi một thứ gì đó màu đen đen.

Bà tôi vội cúi xuống, lấy hai tay vơ lấy, vơ để. Nhon được non lòng bàn tay, bà cầm lên trước mặt, mắt rưng rưng. Tôi ngó xem, tưởng gì, hóa ra là vụn trà. Quên cả nỗi sợ hãi cơn thịnh nộ của đất trời, tôi phá lên cười. Bà bực bội nhìn tôi nhưng vì đang có việc hệ trọng nên nén cơn giận.

- Cháu lấy cái hộp úp xuống đi... sẽ che chở cho hai bà cháu mình.

Tôi làm theo lời bà trong khi miệng vẫn khúc khích cười. Nhưng kỳ lạ, nhìn ra cửa mưa đã tạnh từ lúc nào, vài giọt nước trong veo treo đầu mái gianh, sân lấp, lát sau mặt trời ló lên. Quá sợ hãi, tôi lấy tay bịt miệng không dám nói gì.

Cái đám vụn chè ấy lấy từ quê của ông. Năm nào cũng thế, cứ vào ngày giỗ ông bà lại bỏ vào đó ít chè mới để người bạn đời dưới suối vàng khỏi nhớ quê. Từ nhỏ, tôi đã được nghe bà hay đọc bốn câu ca dao như thế này:

Ai lên chợ Thái buôn chè
Để tôi buôn ấm ngồi kề một bên
Chè ngon nấu với ấm bền,
Chè ngon được ấm, ấm bền được lâu.

Nghe bảo, ông tôi là dân trồng chè chính hiệu nên sao và pha chè ngon lắm. Ngày xưa, ông tham gia kháng chiến đi đánh thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ rồi bị thương. Khi vết thương đã bình phục, ông về qua đây nhìn thấy những cô gái trên nông trường chè mới thành lập, ông xin phép vào thu hoạch chè cùng họ. Thế rồi ông gặp một cô gái có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to tròn lấp lánh, ông đánh bạo hỏi tên. Cô ấy lặng im không nói gì chỉ khẽ nhìn ông rồi bỏ sang một hàng chè khác. Không hiểu sao ông cứ thế đi theo cô rồi hai người trở nên thân thiết lúc nào không hay.

Bà từng kể với mẹ tôi rằng không hiểu sao khi nhìn vào mắt bà, ông không thể nào rời xa nơi đây được. Anh vệ quốc quân thấy lo lắng cho những đồi chè mới mẻ, cho những mẻ chè mới sao và nhất là cô gái có đôi mắt to tròn và hai bím tóc hồn nhiên.

Bố tôi và các chú được sinh ra trên nông trường này, bà địu từng đứa con trên lưng đi hái chè, trong giấc mơ tuổi thơ là sắc chè xanh mát. Bố tôi và các chú biết bò, biết chạy lon ton, chơi trốn tìm giữa những hàng chè xanh mà ông bà tôi đã giao duyên ngày nào. Khi mặt trận phía Nam vào giai đoạn quyết liệt nhất, họ đều lần lượt xin ông bà nhập ngũ. Lần nào ông bà cũng thương vì mấy anh em đều gan lỳ. Lần lượt từ bố tôi đến chú Nông, chú Trường, khi chưa thấy ông bà trả lời, ai đứng tựa mãi ở cái cửa gỗ giận dỗi không chịu vào ăn cơm. Ông bà thấy các con đã quyết cũng vững lòng. Bà lần lượt gói những nắm chè nhét trong ba lô. Có lần biên thư về, bố tôi bảo: "Ở chiến trường làm gì có nước sôi, nhớ nhà quá lâu lâu lấy một vài cánh ra nhấp nháp lúc hành quân. Mùa mưa rừng, chè ẩm dai và nhạt, thương mẹ ngoài đấy đội nón lội bùn trên con đường đồi đất đỏ…

Minh họa: Bích Ngọc

Ba anh em khoác ba lô lên đường khuất bóng sau đồi chè. Ngày toàn thắng họ trở về trong khung ảnh có khói hương dẫn nẻo về nhà cũ, vườn xưa trong niềm tiếc thương của mọi người. Tôi lớn lên chỉ  biết chạy theo mẹ. Mẹ luôn tay làm việc, không bao giờ thơ thẩn suy tư. Hình như nếu bà dừng lại nước mắt sẽ rơi, rơi đến khi cạn kiệt sức sống trong một con người.

Hài cốt của chú hai, chú ba đã được đưa về nghĩa trang liệt sỹ còn sự hy sinh của bố tôi vẫn là một dấu hỏi câm lặng. Những người đồng đội hiếm hoi còn sống sót trong trận đánh đều không tìm thấy thi thể ông. Mọi cuộc tìm kiếm, dò hỏi về danh sách tù binh đều vô vọng.

Tôi nhớ những buổi chiều, mẹ thường băm rau lợn ở ngoài sân. Bao giờ mẹ cũng ngồi hướng mặt ra phía con đường mòn trước mặt. Ngày xưa, một lần bà nội bị rắn cắn, có cô công nhân trẻ của nông trường đưa bà về từ trạm xá. Khi ấy ông tôi đang vắng nhà, nhìn thấy mấy bó rau lang đang vứt ở sân, tiện có con dao, cái thớt, cô ấy ngồi xuống cái ghế nhỏ mà bố tôi đóng tranh thủ băm giúp bà. Khi ngẩng lên, cô ấy bắt gặp một chàng trai đang đứng tần ngần trước mặt. Bố mẹ ngỡ ngàng trong phút gặp mặt rồi đem lòng yêu thương nhau từ lúc nào.

Mẹ tôi ít nói, tính thẳng thắn nhưng rất mực yêu thương chồng con. Lúc mang thai tôi được bảy tháng, thì bố tôi ra chiến trường. Cái gốc cây mít là nơi bố mẹ tôi ngồi bên nhau. Bố thương mẹ con tôi, đẽo sẵn một con trâu bằng cành mít để sang năm Sửu tôi ra sẽ chơi cùng nó. Con trâu gỗ xù xì, có cặp sừng vểnh lên, cái tai như đang hóng tiếng chủ gọi. Nó lên nước bóng mồ hôi, tôi mang theo nó bên mình như một báu vật.

Mẹ tôi bất ngờ tái giá với một người đàn ông xa lạ. Ông bà tôi vui vẻ tổ chức mấy mâm tiễn người con dâu về nhà chồng mới. Tôi ăn ngấu nghiến đùi gà, má lợn, thản nhiên như thể mẹ chỉ đi vắng vài hôm. Trước lúc theo về nhà chồng mới, mẹ ôm tôi khóc, tôi trơ như một cây gỗ đã bị chặt hết cành, chỉ còn đôi chân như rễ bám vào đất. Tôi không nói, không khóc. Mẹ bắt đầu nhận ra tôi không vô tâm mà thực sự đã khôn trước tuổi. Nước mắt của một người phụ nữ phải lựa chọn giữa dòng đời bao giờ cũng mặn chát.

Mưa tạnh, nắng lên, miền đồi xanh lại véo von tiếng chim. Những vũng nước đọng trong dấu chân những người khuân vác nặng nhọc hằn sâu vào đất đai. Tôi không bao giờ dám nghịch ngợm thử đặt chân mình vào những vũng nước đó bởi nỗi sợ hãi sẽ bị đánh mất ký ức. Tôi không nhớ đã bao lứa chè được hái, bao cô chú nên duyên vợ chồng với những đám cưới đàn hát tưng bừng. Người nào cũng bấu má tôi, dúi cho cái kẹo, tấm bánh với đôi mắt đầy yêu thương và thương cảm.

Mười tám tuổi, tôi thấy mình vạm vỡ như một cây dổi được đẽo nhẵn vỏ nhưng đầu óc lại ngây ngô, bộc tệch như một thân cây đu đủ rừng. Bất ngờ một bà và cô Tâm gọi tôi sang nhà cái Nguyệt. Nguyệt cũng giống như tôi, sống dưới đôi cánh che chở của bà ngoại. Cô bé cao và gầy nhưng đôi mắt đen tròn, da trắng. Trên đường đi, cô Tâm nói với bà rằng con gái như Nguyệt sinh nở xong sẽ rất nở nang, xinh đẹp. Người làm cái nghề mai mối bao giờ cũng có đôi mắt tinh đời nhìn ra điều kín đáo của các cô gái.

Đêm trăng trước hôm cưới, đợi khi bà đã ngủ say, tôi lại lấy chiếc hộp gỗ ra ngắm nghía. Điều bất ngờ là ở đáy hộp còn một cái ngăn nhỏ, tôi lấy mũi dao nhọn cậy ra, trong ngăn thứ hai ấy chứa một đôi hoa tai bằng vàng. Nhìn kỹ thì đó là đôi hoa tai của mẹ thường vẫn hay đeo. "Chẳng phải mẹ kể rằng bà đã từng đeo cho mẹ đôi hoa tai ấy hay sao?" - tôi tự nhủ.

Sáng hôm sau, giữa những tiếng cười nói của các cô chú nông trường, bà con xóm đồi, tôi lấy đôi hoa tai ấy từ trong túi ra đeo cho Nguyệt. Một thằng con trai như tôi dẫu chưa từng đi ra khỏi đồi chè nhưng sẽ che chở cho một đứa con gái rụt rè như đọt chuối non.

Đúng lúc ấy bà tôi kêu lên:

- Không, không được đâu Trường ơi… nó là cái rớp đấy con ạ!

Tôi mặc kệ, ôm lấy Nguyệt trong sự ngỡ ngàng. Đúng lúc ấy mọi người náo loạn vì có ai đó đang gào lên phía chân dốc. Tôi dắt Nguyệt cùng chạy xuống xem. Một người đàn ông mặc quân phục cũ, tóc đã điểm bạc, vai khoác chiếc ba lô nhẹ tênh đang khó nhọc bước từng bước với một bên chân giả. Và phía xa hơn, bóng một người đàn bà ngoại tứ tuần đang rón rén trở về. Họ đi từ phía hoàng hôn nhưng tôi lại ngỡ đó là bình minh phía cuộc đời mình.

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục