Một phân cảnh trong phim.
Theo số liệu của Rạp chiếu phim Lotte Cinema Tuyên Quang, phim “Mai” tại Tuyên Quang đã công chiếu được 39 ngày, với 350 suất chiếu, phục vụ khoảng trên 14.000 lượt người xem. “Mai” là bộ phim tâm lý tình cảm, xoay quanh câu chuyện tình yêu dễ thương giữa Mai (Phương Anh Đào đóng) và Sâu (Tuấn Trần đóng). Mai xinh xắn, có cha nghiện cờ bạc nặng, đã liên tiếp đẩy con gái mình vào những bi kịch không lối thoát. Trái ngược với Mai là Sâu (Tuấn Trần đóng), Sâu công tử, sinh ra trong một gia đình giàu có, kém Mai 7 tuổi, thuê nhà chung cư gần nhà Mai ở, để tìm cảm hứng sáng tác. Khi gặp vẻ đẹp của Mai, trái tim Sâu lập tức lỗi nhịp.
Mai làm mẹ đơn thân, có một con gái tên Bình Minh, Mai kiếm sống bằng việc massage. Với bản lĩnh của một người sớm bị tổn thương từ nhỏ, cô luôn nghiêm túc với công việc, không cho phép bất cứ ai sàm sỡ mình khi làm công việc này. Tuy nhiên, nơi massage của cô cũng như một xã hội thu nhỏ, có đủ trò ghen ghét, những tiểu xảo xấu xí của đồng nghiệp luôn tìm cách chơi xấu, ngáng trở cô.
Cuộc sống mưu sinh vất vả, Mai tự nhận mình “đã hết cảm xúc với đàn ông rồi”, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, cô vẫn khát khao về một hạnh phúc bình dị: yêu và được yêu. Do hoàn cảnh xuất thân cũng như vết thương lòng quá lớn từ quá khứ khiến cô luôn phải đè nén, trốn chạy tình cảm thật trong lòng mình, nhưng khi có chút men say vào, những ẩn ức đó trong Mai đã bật lên tức tưởi “Em đã gần 40 tuổi rồi. Em muốn yêu…”.
Em Quàng Thị Thanh Phương, sinh viên khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Tân Trào cho biết: Điểm cộng của phim là nhạc hay, nhiều câu thoại đã trở thành “hot trend”, được người trẻ nhắc nhớ, lan truyền rộng rãi khắp mạng xã hội như “yêu đâu có ai khôn đâu?”, “cái mền sạch nhất cũng có bụi”, “nếu yêu lần nữa thất bại anh sẽ là quá khứ mới của em, nếu thành công chúng ta sẽ là tương lai của nhau”, “muốn thì sẽ tìm cách, không muốn thì tìm cớ”, “đâu có ai thiếu ai mà chết đâu?”, “cảm ơn vì đã không đợi em”…
Poster của phim Mai.
Cùng với đó, phim cũng có nhiều nhân vật phụ như bác bảo vệ, chị hàng xóm tốt bụng… đã tạo điểm nhấn mang tính “bước ngoặt” trong sự phát triển tính cách của Mai. Sau một thời gian dài nhẫn nhịn chịu đựng những trò vừa xấu, vừa ác của đồng nghiệp, của hàng xóm, khi nghe chị hàng xóm tốt bụng khích lệ, Mai đã bùng nổ, đã vùng lên phản kháng dữ dội để bảo vệ bản thân, thay vì chịu đựng như trước.
Chị Nguyễn Thị Thảo, tổ dân phố Trầm Ân, thị trấn Yên Sơn chia sẻ: Ở bộ phim tâm lý tình cảm này, mình thích nhất điểm nhấn là sự giằng xé nội tâm của bà Đào (mẹ Sâu). Bà Đào là một người mẹ đơn thân, bà đã khước từ mọi hạnh phúc cá nhân trong những năm tháng thanh xuân của đời mình, tập trung làm kinh tế để Sâu có cuộc sống sung sướng. Nhưng chính tình yêu thương, sự bao bọc thái quá của bà khiến Sâu vẫn luôn non nớt trong cái kén của một con Sâu, không trưởng thành, không thoát xác ra ngoài bầu trời rộng lớn để nở thành bướm được. Những phân cảnh thể hiện sự xáo trộn, giằng xé trong tâm lý của 2 người mẹ đơn thân (bà Đào và Mai) được nghệ sỹ Hồng Đào và Phương Anh Đào lột tả khá sắc nét, mang đến những xúc cảm rất riêng cho khán giả.
Có thể thấy, trong phim ít nhiều vẫn dễ dàng nhận thấy tuyến tính tâm lý nhân vật chưa thật thuyết phục. Như tại kết phim, Mai tình cờ gặp lại Sâu sau 4 năm, bao thăng trầm đã trải, khi đó Mai đã thành đạt, đã trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, nhưng đạo diễn vẫn để Mai yếu mềm nói dối Sâu: lái xe riêng của Mai là bạn trai mới, Mai vẫn ứa nước mắt tủi thân trước hạnh phúc mới của Sâu… khiến nhân vật Mai như bị chệch đi khỏi nét tính cách đầy bản lĩnh đã xây dựng ban đầu.
Mai mang lại doanh thu xuất sắc, nhưng Mai chưa phải một tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt. Tuy vậy, việc liên tiếp khẳng định 3 phim ăn khách dịp Tết “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Mai” là một tín hiệu tích cực, đưa Trấn Thành trở thành đạo diễn nghìn tỷ với những cú bùng nổ phòng vé giữa bối cảnh phim Việt đang ảm đạm, niềm tin của khán giả dành cho phim Việt đã chạm đáy.
Trấn Thành đã chứng minh: khán giả vẫn yêu phim Việt, sẵn sàng đến Rạp xem phim Việt nếu người làm phim biết nắm bắt thị hiếu đại chúng của khán giả, hướng đến thứ khán giả cần và chạm được đến cảm xúc của người xem. Sự đón nhận và phản hồi của công chúng dành cho phim Tết Việt 2, 3 năm trở lại đây có thể xem như những tín hiệu tốt, tạo thêm động lực cho các nhà làm phim Việt trong những năm tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết