Văn hóa dân gian là cội rễ, là mạch nguồn

- Ông lý giải việc mình đang làm một cách khá nôm na, làm văn hóa dân gian thực chất là công việc trò chuyện với tiền nhân, với quá khứ, lắng nghe quá khứ để chắt chiu... Hơn 10 năm hoạt động bền bỉ, chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, Tống Đại Hồng có “gia tài”, kho tư liệu quý của riêng mình. Vừa qua, công trình nghiên cứu “Phong tục lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang” vinh dự nhận Giải thưởng Tân Trào năm 2022.

Làm gì cũng phải đi đến tận cùng

Trên hành trình nghiên cứu văn hóa dân gian, so với bạn bè trong giới, Tống Đại Hồng là người xuất phát muộn. Mãi cho tới tuổi nghỉ hưu, ông mới có thể toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc sưu tầm, nghiên cứu chuyên sâu văn hóa dân gian. Thế nhưng chính cái khởi đầu muộn màng ấy mà ông luôn có ý thức phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba trong công việc của mình. Tống Đại Hồng cần mẫn, miệt mài ngày đêm đọc, viết, đi cơ sở…

Chỉ trong vòng 11 năm, Tống Đại Hồng đã có 5 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian chung và riêng như: Văn quan làng Tuyên Quang, Phong tục lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang, Tranh thờ người Dao Tuyên Quang, Lễ Cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ Tuyên Quang, Lễ cưới của người Dao đỏ Tuyên Quang. Hiện nay ông sắp hoàn thành cuốn Từ điển Nôm Tày Tuyên Quang, tin học hóa được hơn 6.000 bộ chữ Nôm Tày - một thành quả thực sự là đáng trân trọng và ngưỡng mộ!


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng.

Ông chia sẻ, trước tiên, mỗi người quan tâm đến văn hóa dân gian phải xác định lại rõ ràng quan niệm văn hóa là một dạng tài nguyên. Dạng tài nguyên tinh thần, nhất thiết phải được thấu hiểu, bảo lưu và phát triển. Do đó khi đặt chân vào địa hạt này, ông luôn ý thức được cái tâm và nhiệt huyết để thấu hiểu, nghiên cứu, quảng bá tài nguyên đặc biệt này. Bởi làm cái gì cũng phải đi đến tận cùng nhất là con đường tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc, tiếng lòng của cha ông hàng ngàn đời nay. Đó là một sứ mệnh lớn lao của người đời sau phải luôn có ý thức, trách nhiệm nghiên cứu, giữ gìn và bảo tồn.

Quả thực được tiếp xúc với ông, thế hệ hậu bối chúng tôi học hỏi được cách làm việc quyết liệt, đầy khoa học của ông. Cùng với đó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian này có một cách thức giao tiếp mà nhiều người yêu thích đó là luôn chân thành tôn vinh người khác, truyền cảm hứng về tình yêu văn hóa dân tộc. Những già làng, trưởng bản, thầy cúng, thầy tào, người uy tín, những bạn trẻ gặp ông đều có thêm những năng lượng tích cực về công việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân gian của dân tộc mình.

Tự hào văn hóa dân tộc mình

“Văn hóa dân tộc mình phong phú, đa dạng lắm! Nhiều nét phong tục, tập quán giàu giá trị nhân văn mà khi nghiên cứu, thấu hiểu thấy tự hào vô cùng”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng chia sẻ.

Trong đó phong tục lấy rể kế thế của người Tày là một phong tục đẹp, có tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo cho các gia đình dù sinh con một bề là gái vẫn có người phụng dưỡng cha mẹ già và thờ cúng tổ tiên. Phong tục này cho thấy từ xa xưa người Tày đã rất linh hoạt giải quyết những hệ lụy xã hội phức tạp mà một số tộc người khác đã và đang vấp phải. Đó chính là vấn đề khao khát tìm con trai nối dõi tông đường, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, hoặc có tình trạng con dâu bị hắt hủi dẫn đến tình trạng phải ly hôn để chồng có vợ khác…

Ông chia sẻ, từ giá trị lớn lao đó, ông đã thực hiện công trình nghiên cứu “Phong tục lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang” để giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ đó phát huy truyền thống dân tộc trong thời đại hôm nay, mai sau.

Công trình được ông nghiên cứu trong vòng 2 năm, ông chọn huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình để đi điền dã và nghiên cứu. Công trình được NXB Dân tộc xuất bản thành sách vào năm 2020.  Gồm  2 Chương: Khái quát chung về người Tày và tục cưới hỏi, phong tục lấy rể kế thế của người Tày ở Tuyên Quang; Cưới hỏi và phong tục lấy rể kế thế của người Tày ở Tuyên Quang.

Ở Chương 1, tác giả đã giới thiệu rõ nét về người Tày Tuyên Quang từ: vị trí địa lý, dân số, kinh tế truyền thống; làng bản, nhà cửa; trang phục, ẩm thực; tín ngưỡng, chữ viết…

Ở Chương 2, tác giả đi sâu nghiên cứu về cưới hỏi và phong tục đặc biệt đó là lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang. Công trình nếu các bước, thủ tục trong lễ cưới hỏi cũng như các bước đón rể.  Trong đó, các thủ tục diễn ra tại nhà trai như: Giăng khăn đào, xin mở cổng, xin nước rửa chân, xin rượu rửa chân, xin gáo múc nước, xin mở cửa, xin bỏ đó đơm giữa cửa, mời ngồi, mời nước, mời trầu, xin được tự giới thiệu, nộp đại lễ, nộp lễ khô ướt, nộp các loại lễ, mở gánh lễ, điểm lễ, giải uế, cảm ơn sự đón tiếp của nhà trai… Các thủ tục khi đoàn đón rể về đến nhà gái: trao rể, nhận rể, mời cơm chiều, cảm ơn các cô rót rượu nhà gái, chối rượu nhà gái, con rể lạy tổ tiên nhà gái, xem mặt chàng rể, cảm ơn phù rể…

Mỗi bước đều tương ứng lời hát riêng được tác giả ghi lại cẩn thận, đầy đủ bằng tiếng Tày và được dịch ra tiếng phổ thông. Cuốn sách được minh họa với nhiều hình ảnh thực tế, độc đáo, đặc sắc về phong tục đẹp này của người Tày.

Với sự cần mẫn, nghiêm túc trong thực hiện, nghiên cứu công trình văn hóa dân gian, tác giả Tống Đại Hồng đã gửi đến độc giả một nét văn hóa độc đáo, giàu giá trị nhân văn của người Tày. Vừa qua, công trình nghiên cứu “Phong tục lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang” vinh dự nhận Giải thưởng Tân Trào năm 2022. Với ông đó là niềm tự hào, động lực để tiếp tục cống hiến trên con đường dài mà ông đang bước đi.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục