Miền xa

- Năm 2019, thầy giáo Trần Khoái chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bạn bè, người yêu thơ đều mừng cho ông, bởi, trong họ thấy rằng ông thật xứng đáng, không chỉ thơ ông nồng nàn hương vị cuộc sống mà ở ông luôn toát lên cái hồn hậu thân thương của kẻ sỹ.

Trần Khoái có một thời gian khá dài dạy học tại Tuyên Quang. Cái chất thi sỹ trong người ông cuộn chảy trong mỗi lần gặp bạn văn, bạn thơ và người yêu thơ. Gặp Trần Khoái, không có chuyện gì ngoài chuyện làm thơ, đọc thơ cho nhau nghe. Ông sáng tác không nhiều nhưng từng lời trong thơ ông được chắt lọc bởi xúc cảm đầy tinh tế. Tập thơ Miền xa là cuốn sách thứ hai của ông sau trường ca Chìm nổi làng quê. Ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, giờ nghỉ hưu tại quê nhà Vĩnh Phúc. Mỗi lần tôi được gặp ông, lúc nào cũng muốn thời gian dài mãi ra để được nghe ông đọc thơ, kể về quá trình sáng tác Miền xa. Đấy là sự gom nhặt xúc cảm tình yêu một thuở, tình yêu quê nhà, tình yêu “miền gái đẹp”. Xứ Tuyên đượm trong thơ ông qua những bạn văn, qua những triền rừng xanh thẳm, rồi biết bao lay động nơi trái tim khi trở lại Thành Tuyên: “Thành Tuyên/Tôi về/Người có nhận ra không/Mà tưng bừng đến thế/Chưa sang hạ ve đã ran ran khắp phố/Chưa mùa mưa sông Lô đã đỏ lòng”... Đấy, thơ ông cứ dạt dào niềm hân hoan với Tuyên Quang thế đấy, ai đọc cũng thích, là bởi thấy mình ở đó.

Trần Khoái là người luôn cất giấu những ưu tư, giấu đi tất cả, chỉ có thơ là hiện rõ trong cuộc sống đời thực của ông. Người ta bảo, đấy là con người của thơ, yêu thơ đến tột cùng. Ông nhớ thơ của nhiều tác giả, đọc hết thơ mình lại đến thơ của bạn, của các bậc tiền nhân, rồi phân tích, bình luận. Thế là cuộc vui nào của ông đều gắn với thơ, với những thăng trầm cảm xúc...

Sơn Anh

Tin cùng chuyên mục