Một thời xem bóng đá

Minh họa: Bích Ngọc

Năm ấy cả xóm có một cái ti vi của nhà ông Lẫm. Nhà giàu có nhìn từ xa đã biết bởi cây tre đực dựng đứng như cây nêu, chỉ khác là thay vì cành tre là cái vành xe đạp bị cưa đứt một đoạn. Ở hai chỗ cắt đấy lơ thơ sợi dây ăng ten. Một đêm xem ti vi thì con trai ông Lẫm phải chạy lên đồi, nơi dựng cái “cây nêu” đó để chỉnh 21 lần. Mỗi lần có người lên xoay cột lại gọi với vào nhà, trong nhà hô vọng ra: “Được chưa ạ?”. “Chưa được, nữa đi”, “à không, quay lại, chỗ cũ”. “Đúng chưa ạ”, “Không, không phải chỗ cũ ấy”, “quay lại nữa”…

Những đoạn đối thoại ấy Hương đã thuộc lòng. 21 lần chó nhà cô sủa inh ỏi mẹ cô lại húng hắng ho, vừa khò khè thở, bà vừa thều thào: “Chết mất thôi, bóng với chả bánh, sao cứ tí lại hô “vào”, “vào” thế, tim tôi nhảy ra ngoài mất”… Hương thương mẹ nhưng cũng không giận nhà bên ấy. Ngày xưa, chưa có ti vi, chỗ quả đồi ấy toàn chim lợn đến kêu đến rợn người. Nhìn lên cái mỏm đồi dưới trăng như con quái vật ghê rợn, Hương tự thề với lòng mình: sau này có anh chàng nào đêm hôm dám lên đấy thì phải là người quả cảm lắm, mình sẽ yêu người đó.

Đùng cái, bên nhà ông Lẫm có một anh con trai xuất hiện, nghe bảo là con vợ trước. Anh này học tận dưới Hà Nội, da trắng, người cao, ít nói, tên là gì thì cô không biết bởi từ lâu hai nhà cạch không nói chuyện. Từ hôm anh ấy về đây, đường vào ngõ dọn sạch sẽ, trồng hoa mười giờ, và đặc biệt nhất là cái cột ăng ten được dựng nên.

Thực ra, cái vành xe đạp ấy là của nhà Hương. Bao năm, nó được dựng ở bờ rào để thêm phần chắc chắn. Lúc ấy, cô không biết mà chỉ thấy anh cứ đứng tần ngần ngắm sang phía bên này cả buổi trưa, Hương đánh tiếng hỏi vọng sang:

- Nhà anh có con gà, con ngan nào chạy sang bên đây à?

Nói xong, Hương vội lấy cái nón che miệng lại vì không nhịn được cười. Thắng lúng túng ấp úng trả lời như người ăn vụng bị phát hiện:

- À không không, tôi không có ý gì, chỉ là...

Hương bỗng đỏ bừng mặt. Giữa trưa, mèo chó còn đi tránh nắng, ngoài cô đội nón phơi măng ngoài sân thì còn ai vào đấy nữa…

- Thế hay anh thấy sân nhà tôi bẩn quá.

- Cũng không đâu, nhà cô sạch sẽ lắm, là tôi thấy cái vành xe đạp…

Một lúc sau thì Hương cũng hiểu ra. Cô hì hục tháo bên này, anh chàng bên kia, có đến cả ti tỉ cái dây thép cha cô chằng vào cái vành xe khốn khổ như một kẻ bị xiềng xích. Và khi tháo gần hết, bất giác tay cô chạm vào tay anh. Hai bàn tay nằm yên, hai người đều không biết phải phản xạ như thế nào cho đến một con kiến càng đốt đến nhói vào tay Hương. “Ái, đồ điên” - cô gái thôn quê hai mốt tuổi thốt lên, chàng trai từ thành phố về giật bắn người cầm chiếc vòng lúng túng.

- Anh lấy thì lấy đi, người ta còn tìm thuốc bôi, vô duyên tự nhiên bị kiến cắn…
Từ hôm ấy, nhìn thấy anh ta, cô lại đâm ra giận. Bên nhà anh cứ đêm đêm, cả xóm lại kéo đến đầy sân, lại hô hét. Một hôm, con

Thảo sang nhà Hương ăn ngô, nhìn mắt nó buồn buồn. Con này trước đây có cái xe phượng hoàng xích hộp, chân ngắn không tới đất nhưng gặp ai cũng cố thể hiện nhảy pê đan. Từ ngày ông bố nó bị kiểm điểm, đồ đạc trong nhà ra đi dần nên mới “hạ cố” sang chơi với con nhà dân như Hương. Nhìn mắt nó buồn buồn:

- Sắp hết mùa bóng rồi đấy…

Hương tròn mắt, lần đầu nghe thấy bóng bánh cũng có mùa.

- Úi, nhanh thế à?

- Thì một tháng rồi, Hagi của tao sắp phải về nước rồi. Tao tính từng ngày đấy. Không có anh ấy, tao không biết sống thế nào.

Nghe xong, ông Tư cười khà khà, khoe hai cái răng còn lại trên hàm trên. Mấy cái răng “đi vắng” kia nghe bảo cắm xuống sân cỏ trong trận đấu hồi có giải bóng đá liên xã.

- Bố chúng mày, toàn đứa mặc quần thủng đít, ăn ngô rang mà cũng bày đặt mơ mộng Hagi với cả Roberto Baggio.

- Thì ông trẻ cứ nói cho con xem, Hagi đẹp trai như thế nào mà gái làng mình mê mẩn thế.

Ông Tư nheo mắt cười.

- Thế mày cứ ăn cơm sớm, tối nay sang ông dẫn sang nhà ông Lẫm xem mặt Hagi.

Ông Tư nói vậy có mà đánh đố Hương. Đêm đến, tiếng reo hò lại vang lên: “Vào, không vào, vào rồi…”. Xóm làng bình yên bỗng như thức cả dậy, gà gáy, mèo kêu, chó sủa… Ôi những đêm nhà nông yên tĩnh đâu còn nữa. Chắc cũng sắp hết rồi, nghe tiếng hô của các bác, các chú nhà bên ấy đuối dần, có người hô xong thì ho khù khụ nhưng tiếng cười thì giòn lắm.

Bố Hương từ ngoài sân bước vào lớn tiếng:

- Ở cạnh người tâm địa không ra gì tôi đến tổn thọ.

Mẹ Hương đang lúi húi dưới bếp ngẩng lên gắt:

- Ơ hay, cái gì thì nói toạc móng heo ra xem nào.

- Thì cái vành xe đạp. Đấy, buộc bờ rào chắc thế mà “nó” còn cố tình lấy.

Mẹ của Hương buông cái đũa cả nằm chỏng chơ trên lớp gio bếp. Bà vốn tính tằn tiện từ trẻ, hay tiếc của nên vội lao ra sân nhìn ngó một lượt.

- Ôi thôi chết, mất thật, mà sao từ bên kia nó rút được chứ lị. Xem rào giậu thế nào để người ta vào tận đấy lấy. Hay là là…

Chữ “là” trong miệng bà chưa rứt thì tiếng con gà mẹ vang lên tru tréo. Chẳng ai bảo ai cả nhà đều la hó, mắt ngước lên trời nơi con diều hâu định nhào xuống sân bắt gà. Thấy có người đuổi dữ quá, nó liệng một vòng rồi đậu lên cái cột ăng ten nhà ông Lẫm. Hai ông bà nheo mắt, lâu nay hai nhà chẳng ưa nhau nên chả thèm ngó, giờ mới thấy cái “cây nêu bắt sóng” nhà lão Lẫm nó lạ làm sao. Nếu không tính cái đoạn cưa đi thì đích thị là vành xe đạp nhà bên này. Ông bố Hương chỉ tay lên căm phẫn:

- Nó treo cái thứ kia lên làm gì. Đức với cả Anh, Pháp, Tây Ban Nha nào người tao chịu chui vào cái trò vô liêm sỉ ấy…

Hương chạy ra sân, thấy tình hình này nếu không hạ nhiệt sẽ to chuyện. Thôi thì thử liều đánh lừa hai cụ:

- Bố mẹ nghe con nói này,  dù… ai làm thì cũng có lý của nó. Cái vành xe ở đây chỉ rỉ ra, lên đấy nó được khối việc.

- Việc gì, mày nói tao xem - Bà mẹ chống nạnh.

- Bố mẹ thử nghĩ xem dạo này từ ông Tư, ông Lẫm, đến cả ông Hải lúc nào cũng chè cháo than ngắn, thở dài giờ nhanh nhẹn, hăng hái tập thể dục. Ra đồng, người ta kháo nhau dân kéo đến nhà ông Lẫm xem ti vi nhiều thì đến trạm y tế xã thưa dần. Mấy đứa cháu mới lớn đêm đến hay lên gò ném đá vào đoàn tàu đêm thì đêm lục tục đi xem bóng đá. Rồi đội bóng của xóm được thành lập thi đấu vui vẻ…

Ông bố nghe xong chép miệng vê điếu thuốc lào không biết nói gì nữa. Bà mẹ chỉ hỏi xem bữa nào thì hết “vào, không vào, lại vào”. Hương tranh thủ ngó sang bên nhà, trong cái nắng hè cô nhìn thấy bên hiên phơi chiếc túi du lịch hiệu adidas, bất chợt có cái gì đó nóng ran trong lòng như đạp phải hòn than. Đêm nay, Hương cứ đợi, đợi mãi vẫn không nghe thấy tiếng ai hò hét. Cô trằn trọc cho đến khi con gà sống tía mới lớn gáy te te thì bên nhà ông Lẫm vọng sang tiếng cổng sắt ken két. Hương hé mắt qua cửa sổ ngó ra, thấy cái bóng người trai đó bước đi, tay xách cái túi adidas. Người đó mặt một chiếc áo phông vàng, sau lưng chỉ ghi hai chữ Hagi.
Trưa, cả nhà đang ngủ thì con Thảo chạy sang, mắt sưng húp. Hương kéo nó vào buồng. “Em chết mất chị Hương ơi, anh ấy…”, “Anh ấy làm sao, sao em nhẹ dạ thế?”. “Vâng, em cứ tưởng…”. “Tưởng gì, đàn ông ai chả tham…”.

Cái Thảo vội lau nước mắt, mặt tỉnh queo:

- À không, được thế đã tốt, anh ấy đi lên thành phố rồi chị ạ, hết mùa bóng rồi… hu hu.

Ôi chết mất, hóa ra con này bị “say nắng”…

- Thế nhưng mà là anh nào?

Thảo ngó ra cửa sổ giờ tay chỉ sang nhà ông Lẫm:

 - Cái anh làm cột ăng ten kia… Em chỉ ước gì nguời ta cứ đá bóng mãi để chàng đừng đi…
Mùa bóng đá năm ấy cũng qua đi. Hương lên thành phố, cái Thảo đi xuất khẩu lao động. Mọi chuyện xưa không còn ai nhắc đến.

Cho đến một hôm cô đang làm việc thì sếp gọi: “Lên phòng tôi, có người quen tìm”.

Cửa phòng vừa mở, đập vào mắt Hương là khuôn mặt trái xoan của cái Thảo. Nó mừng rỡ ôm chầm lấy Hương:

- Sao chị đi đâu mà mất tăm thế. Em về quê thấy bảo hai bác đã chuyển lên đây cả rồi. Ly hương thật à.

- Hì, thì em cũng mất tăm gần chục năm còn gì, tưởng sang đó lấy chồng Hàn rồi.

- Em làm gì tốt phước thế. Chị còn nhớ anh Hagi con bác Lẫm không?

- Có, chị nhớ. Nhưng có việc gì vậy em?

Anh ấy đang làm chủ tịch CLB bóng đá của tỉnh mình mới thành lập đấy. Anh ấy muốn mời công ty chị tham gia dự án truyền thông. Đặc biệt là chị, chị phải là người trực tiếp lên kịch bản.

- Ơ, sao lại chị, mà sao em biết anh ấy muốn hợp tác?

- À, vì anh ấy là chồng em. Chuyện dài lắm em sẽ kể dần dần.

Hương có gì đó hơi choáng váng nhưng rồi tất cả đều thoáng qua. Cuộc sống như một dòng sông trôi đi nhanh gấp. Con bé Thảo vẫn loi choi như ngày nào thoáng cái đã biến vào xe, phóng đi mất hút chỉ để lại một niềm hoài vọng xa xôi trong ký ức… 

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục