Một vẻ đẹp văn hóa

- Đội gạo lên chùa là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, do Nxb Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2021. Đây là cuốn sách đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong một Tọa đàm về tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.

Trong sách có cả một thời kỳ lịch sử của đất nước, khi bị thực dân Pháp xâm lược và “khai hóa”, khi trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi cải cách ruộng đất, đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, và những ngày đầu thống nhất đất nước.

Nổi bật trong sách là hình ảnh sư cụ Vô Úy - trụ trì chùa Sọ, ngôi chùa quê thôn dã, dung dị, khoan hòa gắn bó với làng xã Việt Nam, gắn với đạo Phật - một thành tố quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Nhân vật Sư cụ Vô Úy được nhà văn khắc họa như một minh chứng về sự chân tu, về người tu hành đắc đạo. Hãy nghe sư cụ nói với cậu bé An khi mới vào chùa đủ thấy triết lý của người tu hành “Sự trong sạch của ngôi chùa phải là tuyệt đối. Người đã tu hành, dù là một ý niệm không đúng dấy lên trong óc cũng không được phép”, “Bởi vì đạo Phật dạy người ta lòng từ bi. Không có từ bi, thế gian này sẽ vào mông muội. Rồi lại dạy con người phải dựa vào chính mình…

Thế gian ngày nay rất cần đến cái tâm cao thượng…’’; Đạo Phật lấy từ bi làm gốc. Chính tâm từ bi, tấm lòng cao thượng sẵn có ở tất cả mọi người đã tạo nên sức hấp dẫn của đạo Phật”… Theo triết lý tu hành ấy, những nhân vật Vô Úy, Vô Chấp, Khoan Độ, Khoan Hòa; hay những người đã hoàn tục như Vô Trần, chú tiểu An… đều là những bậc chân tu, là những con người đúng nghĩa.

Bìa tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được viết theo lối cổ điển, với hệ thống nhân vật phong phú, với khoảng không gian và thời gian rộng mở. Cuốn tiểu thuyết như một phần của đời sống Việt Nam theo trình tự thời gian: chạy giặc, kháng chiến, sau cải cách là sửa sai, rồi hợp tác hóa, tòng quân vào Nam, rồi thống nhất đất nước... Nhiều làng xóm, họ tộc, gia đình tan rồi hợp với không ít tình tiết ly kỳ. Nhiều số phận được khắc họa mà không ai giống ai. Ngay cả khi ở trong những hoàn cảnh khó khăn éo le nhất, những nhân vật vẫn hiện lên đầy đủ những nét tính cách rất người.

Đặt ngôi chùa làng Sọ và những nhà sư trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động, lấy Phật giáo làm điểm nhìn để soi rọi, suy ngẫm về các sự kiện, Đội gạo lên chùa có ý nghĩa sâu rộng, chạm đến những vấn đề muôn thuở của kiếp người.

Đọc sách đến trang cuối, ta vẫn như văng vẳng tiếng chuông chùa; như hiển hiện vẻ đẹp của những người phụ nữ thôn quê làng Sọ, vẻ đẹp của tình yêu, trí tuệ. Sự huyền ảo của tâm linh, những giấc mơ, những thông điệp náu mình nơi đàn đom đóm... được hiện lên trong nhiều trang viết khiến Đội gạo lên chùa vừa hấp dẫn, vừa giàu sức lay động.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi lòng người đang mất niềm tin vào những ngôi chùa, do những người đội lốt tu hành làm điều phạm giới luật; thì hình ảnh ngôi chùa làng Sọ với những vị chân tu đắc đạo, nhân từ, yêu nước đã cho thấy rõ vẻ đẹp của văn hóa Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc. Cuốn sách cũng được xem như một sự gợi mở về lối sống Phật giáo trong xã hội hiện đại hôm nay.

Sơn Vũ

Tin cùng chuyên mục