Nghệ nhân trẻ điêu khắc ánh sáng

- Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng trầm trồ với những video kết hợp những nguyên vật liệu tự nhiên kết hợp với ánh sáng tạo nên bức chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ… Chủ nhân của các tác phẩm đó là nghệ nhân 9x Bùi Văn Tự. Anh là người đầu tiên tại Việt Nam thể hiện loại hình nghệ thuật này.

Nghệ thuật “đuổi hình bắt bóng”

Cơ duyên để chàng trai trẻ Bùi Văn Tự (sinh năm 1992, tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, Ninh Bình) đến với loại hình nghệ thuật đầy tính sáng tạo này thật tình cờ. Anh chia sẻ, khi còn là sinh viên, anh đi làm thêm, trong một lần dựng và trang trí non bộ tiểu cảnh, khi lắp đặt thêm ánh sáng để làm nổi bật tiểu cảnh, anh chợt nhìn thấy bóng của hòn non bộ hắt lên tường nhà rất giống hình con gấu. Vậy là một ý tưởng trong đầu xuất hiện, tại sao mình không kết hợp giữa tác phẩm nghệ thuật với ánh sáng để tạo ra một tác phẩm theo ý. Vậy là hành trình đi tìm “hình” của những chiếc “bóng” chính thức bén duyên và tình cờ như thế.

Nghệ nhân Bùi Văn Tự trong quá trình thực hiện tác phẩm nghệ thuật.

Giai đoạn đầu khi mới bắt đầu “vào nghề”, bản thân anh gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đây là một loại hình nghệ thuật mới chưa từng có ở Việt Nam nên phải tự tìm tòi, tự mày mò thử nghiệm. Qua biết bao lần thất bại, sau gần 10 năm cái tên Bùi Văn Tự mới được nhiều người biết đến.

Bùi Văn Tự đặt tên cho loại hình nghệ thuật anh theo đuổi là nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Đây là môn nghệ thuật kết hợp giữa điêu khắc và ánh sáng, từ đó tạo nên hình ảnh độc đáo từ phần bóng của vật thể. Nghệ nhân sẽ là người vừa điêu khắc và điều chỉnh nguồn sáng để tạo ra được một tác phẩm theo chủ đích của tác giả.

Anh cho biết, anh gắn cho mình sứ mệnh kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, đời sống thông qua loại hình nghệ thuật này. Chiếc bóng vốn vô tri vô hồn nhưng qua bàn tay con người sẽ biến chiếc bóng thành những tác phẩm nghệ thuật với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Năm 2014, anh mạnh dạn tham gia chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt” (Vietnam Got Talent) để giới thiệu bộ môn nghệ thuật mới này đến khán giả. Chính sự tài năng và cách thể hiện độc đáo trên từng tác phẩm đã khiến Ban Giám khảo và khán giả trầm trồ, ngạc nhiên và thán phục. Ngay lập tức các vị giám khảo đã ấn nút vàng để anh đi thẳng vào vòng chung kết. Kể từ đó ngày càng nhiều người biết tác phẩm của anh, giới chuyên môn đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước nghệ thuật trình diễn điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân Bùi Văn Tự.

Kể chuyện lịch sử…

Những năm qua, công chúng yêu nghệ thuật đến tham quan gian phòng trưng bày của nghệ nhân Bùi Văn Tự tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt Nam (Hà Nội) đều không khỏi ngạc nhiên trước những sản phẩm độc đáo của anh. Từ những khúc gỗ lũa, mảnh ghép miếng sứ, miếng sành…  được anh chạm khắc thành tác phẩm nghệ thuật. Ban đầu trông thì có vẻ khác lạ nhưng khi anh chiếu đèn vào, những tác phẩm ấy lại trở nên lung linh, huyền ảo, có hồn vô cùng.

Nghệ nhân Bùi Văn Tự bên tác phẩm điêu khắc ánh sáng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh cho biết, đặc thù của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là sự đúc kết của nhiều kỹ năng khác nhau như vẽ, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Người nghệ nhân vừa phải khéo léo, kiên trì vừa phải biết tính toán, hiểu rõ không gian hình học, hiểu rõ vẻ đẹp nghệ thuật. Có như thế mới lột tả được đủ đầy chân dung, thần thái nhân vật.

 Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, những video tái hiện những chân dung về vua Hùng Vương, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam; Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… đã tạo “cơn sốt” trong cộng đồng mạng. Người xem rất xúc động xen lẫn ngỡ ngàng trước bức chân dung sống động bằng bộ môn nghệ thuật mới lạ, đầy sức sáng tạo.

Chị Phạm Lê Hương là một giáo viên trẻ Trường Phổ thông Tuyên Quang. Chị chia sẻ: “Những video tái hiện lại tác phẩm, kèm theo âm nhạc hào hùng dân tộc khiến tác phẩm trở nên thật sinh động. Trong giờ giải lao, mình cũng thường xuyên mở video cho các học trò xem chân dung của những anh hùng dân tộc, vĩ nhân của đất nước. Các học trò vô cùng thích thú trước những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mới lạ này”.

Nhiều năm qua, anh mở nhiều cuộc triển lãm như “Thắp đèn soi niên sử” với 14 tác phẩm khắc họa hình ảnh 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Triển lãm như một lời gợi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn với cội nguồn, quá khứ. Hay triển lãm “Hành trình nhật ký xuyên không” tại quê hương Ninh Bình có gần 100 tác phẩm điêu khắc ánh sáng tái hiện các giai đoạn phát triển của con người. Thông qua các tác phẩm, anh Bùi Văn Tự muốn gửi gắm những thông điệp, những câu chuyện ý nghĩa về văn hóa, lịch sử và về những con người kiệt xuất mà đất nước Việt Nam đã sản sinh.

Trong tháng 5-2024, trước thềm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nghệ nhân 9x đã cho ra mắt bộ sưu tập nghệ thuật “Huyền thoại Điện Biên” và được chọn trưng bày tại triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam”. Bộ sưu tập gồm ba tác phẩm: Chiến sĩ Điện Biên, Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tự hào Việt Nam. Anh khéo léo tái hiện thành công từng khoảnh khắc lịch sử, nhân vật lịch sử một cách oai hùng khiến du khách trong nước và nước ngoài trầm trồ thán phục.

Với hành trình không biết mệt mỏi của mình, nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự đã hình thành một lối đi nghệ thuật riêng biệt, độc đáo thể hiện tài năng, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Anh khẳng định: “Tôi luôn tìm thấy cảm hứng ở ánh sáng và bóng tối thứ đưa tôi vào cõi mê hoặc. Những tác phẩm tôi sáng tạo phần nào là tâm hồn của tôi. Tôi sẽ luôn tiếp tục với hành trình này kể lại những câu chuyện về con người Việt, văn hóa Việt giới thiệu, lan tỏa ra bạn bè khắp năm châu”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục