Mẹ và tháng Bảy

1. 

Trước nay, tôi luôn gọi “rằm tháng bảy” chứ không gọi Vu Lan, đó là cách tôi thể hiện tình cảm với mẹ. Tại mẹ tôi, bà chưa bao giờ gọi Vu Lan. Với mẹ, “Vu Lan” là khái niệm gì đó rất xa vời.

Mẹ tôi không được đi học, không một ngày nào. Rất “ý thức” chuyện đó nên mẹ không bao giờ tham gia những câu chuyện có liên quan đến sự học. Rất “thương hiệu”, ngôn ngữ của mẹ thuần túy bình dân, không bao giờ có những từ ngữ gợi hình gợi cảm, hàm ý xa xôi cạnh khóe, đặc biệt trong từ điển mẹ không có trường từ vựng “thuật ngữ” (không chỉ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ mà những từ ngữ thuộc khái niệm văn hóa, tôn giáo mẹ cũng hoàn toàn xa lạ).

Nhà tôi cách chùa chỉ mấy bước chân, mẹ nói, mẹ thích nghe tiếng “tụng kinh”, chỉ thích vậy và hiểu tụng kinh là cầu nguyện cho linh hồn người chết chứ mẹ không đả động đến những từ như: nghiệp, chướng, sân si, khổ hạnh, hoan hỉ, nhân quả, thiện căn và v.v... Nhưng mẹ rất ủng hộ nhà chùa, như hè vừa rồi, khi con trai tôi xin lên chùa tham gia khóa tu mùa hè, tôi còn lưỡng lự thì mẹ hoan hô liền. Mẹ nói về chùa tốt, thấy mấy nhỏ trên chùa rất lễ phép.

Mẹ nói vậy và thấy hơi buồn buồn. Tôi hiểu. Mẹ còn buồn chuyện thằng cu Bợm cháu nội đích tôn của thím Ba chạy ngay qua sân nhà mẹ ngồi ị. Tội. Thằng nhỏ có biết gì, người lớn biểu sao nó làm vậy thôi. Trẻ con không có tội, mẹ dọn và dặn: bữa sau đừng chơi dơ nữa nghe con. Mẹ mới dứt lời thì thím Ba bẻ roi trót bầm đít thằng nhỏ, miệng bai bải lu loa: Mày hết chỗ đi rồi hả?. Sao không lên nội Tám, xuống nội Bốn?… Thím ba gào, chửi, ban đầu mẹ cũng im ru, giận quá cũng chỉ lầm bầm: Tháng nào cũng về chùa mà tay đánh miệng chửi… lại nhè tháng bảy. Mẹ là vậy, không liên quan đến Vu Lan nhưng với mẹ, tháng bảy linh thiêng, tháng bảy phải tịnh tâm tịnh thân, tịnh mồm miệng - mẹ chỉ biết vậy và làm vậy.

Minh họa: Bích Ngọc

Thím Ba là bản sao âm tính của mẹ. Thím mặc áo màu lam, năng nổ về chùa, mỗi lần cúng dường là về bai bải cả xóm đều nghe. Nhà thím mở Kinh, 24/24h tụng. Mở miệng là nói “khẩu nghiệp”, “quả báo”, “giác ngộ”…

Không phải vì hiềm khích với thím Ba mà mẹ không về chùa. Nhà gần chùa nhưng mẹ không lui tới. (Nhưng đầu tháng và rằm thì nhắc ba về chùa thắp nhang, cúng dường). Hỏi mẹ sao không đi chùa, tuổi già nên về chùa nghe pháp để tâm tịnh, thân an - tôi nói. Mẹ bảo hồi trẻ không rảnh, ngày nào cũng ruộng đồng rồi xấp ngửa về với con, đêm nào cũng đến cứng mắt mới dám đi ngủ thì thời gian đâu về chùa. Giờ già, tay chân run rẩy, về chùa khua đổ ly đổ hương, mắc công người ta dọn.

2.

Mẹ tôi chắc là điển hình mẫu mực nhất của những bà mẹ nhà quê. Một đời làm lụng, chắt chiu.

Mẹ làm nông, hết ra đồng lại qua sông, vào rừng, nếu phải ở nhà, đằng nào mẹ cũng kiếm chuyện để làm. Năm - mười hai tháng, mẹ chẳng biết ngày nghỉ. Nhưng kỳ lạ, nhớ về mẹ, tôi lại nhớ ngay đến tháng bảy.

Tháng bảy, lúa đang kỳ “thiếu niên” - đấy là khoảng thời gian bận rộn nhất của mẹ. Lớp Đồng Ngoài, lớp Đồng Trong. Mẹ đi cấy cả ngày. Khuya dậy sớm, nấu cơm cho cả nhà rồi dỡ theo gô cơm ra đồng. Làm từ sáng sớm, trưa ăn cơm xong là xuống ruộng khom lưng liền, cấy tới chừng nào hết thấy đường mới chịu về. Ba tôi xót quá hét: chiều thì lo về chớ ở làm gì tới tối. Mẹ nói tranh thủ làm cho kịp, lúa lớn cấy xuống cứng đơ, mai mốt lấy đâu ra hạt.

Tháng bảy, nước sông thong thả chảy, mẹ lại tranh thủ. Tranh thủ qua sông vào rừng lấy củi. Hồi đó làm gì có bếp ga. Nhà toàn củi. Mẹ tôi lo củi hết năm này sang năm khác - cho tới khi con gái nhận tháng lương đầu tiên mua tặng cái bếp ga mẹ mới chấm dứt “sự nghiệp” lấy củi. Nghĩ lại cảnh đó thấy vất vả quá chừng. Khuya dậy ăn cục cơm nguội rồi tất tả vác vào rừng, trưa về sẽ là gánh củi to. Gánh củi tới nhà, kịp lúc ba đi làm về, ông để vai vào gánh rước chỉ từ ngõ vào nhà nhưng “gắt”: làm gánh nhỏ thôi, gánh kiểu này ẹo lưng gãy vai còn đâu. Mẹ chỉ cười hề, lần đi lần khó. Mẹ là vậy, xưa giờ, chỉ giỏi ăn nhịn làm ráng. Trời còn chang chang nắng mẹ đã lo đến mùa mưa. Tháng bảy, mẹ tranh thủ sửa sang lại mái chuồng bò, chuồng lợn, chuồng gà cho mùa mưa tới đàn gia súc gia cầm của mẹ được ấm áp.

Tháng bảy, người người về chùa, trang nghiêm cài lên ngực hoa hồng tinh khôi, hoa hồng đỏ thắm để nhớ ơn sinh thành dưỡng dục. Còn mẹ tôi, đợi đến rằm, mẹ sẽ nấu chè cúng - mẹ nói rằm tháng bảy là rằm lớn, không có đồng tiền cũng phải đi mượn nấu cho bằng được nồi chè. Và ngày hôm đó, đằng nào mẹ cũng ra xóm đồng, dắt bà ngoại vào ăn chè. Nhìn cảnh mẹ con hủ hỉ, tôi cá không ai tin chuyện ngày xưa bà ngoại chưa cho mẹ bú sữa tròn tháng, mẹ lớn lên như cái cách những đứa trẻ mồ côi mồ cút. Vậy nhưng chưa bao giờ mẹ ghét bà ngoại, tủi thì có chứ ghét thì không - mẹ chỉ nói vậy chứ không nói yêu thương, hiếu nghĩa.

3.

Bà ngoại nay đã cận kề tuổi trăm, lúc tỉnh táo, khi hơi nhớ quên nhưng ngày nào cũng ngóng con Hai. Mỗi lần mẹ về, ngoại hỏi hôm này sao mày không ra. Mẹ nói bị bệnh, chín mười đứa con mà chỉ hỏi con Hai  - mẹ nói vui.

Vâng, sau khi ông ngoại tôi mất lúc mẹ còn chưa ra đời, bà ngoại ẵm đứa con đỏ hỏn về giao cho ông bà nội (của con) rồi tái giá. Mẹ thành chị Hai của chín đứa em. Nhưng phải bây giờ, khi mẹ về chăm sóc cho ngoại thì mới chị chị - em em chứ tuổi thơ chị em tôi không có ký ức về ngoại chơi, hay được cậu mợ vò đầu, đét đít.

Con đông, nhưng chắc những người con sau của ngoại vì quá giỏi giang nên lúc nào cũng công việc ngập đầu. Hồi ông “ngoại dượng” (tôi gọi chồng sau của bà ngoại là “ngoại dượng”) còn tại thế, mỗi năm tới ngày giỗ cha đẻ, mẹ làm mâm cơm, sai con ra mời ông bà ngoại nhưng lúc nào cũng vậy, chị em tôi, đứa nào đi mời cũng chỉ nhận được cái lắc đầu và nói to “về đi” như đuổi. Chị tôi gan lắm, những giỗ sau mẹ sai chị không làm bao giờ, bỏ tôi lên ba ga xe đạp chở ra nhà ngoại bảo chạy vào thưa. Ông bà ngoại lại không vào, chiều phải đem bánh vào gửi ngoại lấy thảo, chị cũng bắt tôi khệ nệ mang vào. Chị nhiều lần la mẹ, ông bà ngoại đã không quan tâm, mẹ sao cứ… Mẹ không nói gì, chỉ nhắc, “coi chừng nói hỗn”.

Sau này, ông “ngoại dượng” về già đổ bệnh, mẹ không ra thường xuyên nhưng cũng thu xếp ra thăm nhiều lần, cũng xăm xăm đi tìm đồ dơ giặt giũ, nấu cháo cho cha dượng ăn. Tới chừng ông hấp hối, đó là lần đầu tiên cha dượng run run đưa tay chạm tay con gái riêng của vợ, muốn nói gì đó nhưng miệng chỉ lận lận, mấp máy chứ không nói được dù chỉ một từ…

Bà ngoại, sau khi chồng mất vẫn chí thú lo cho một bầy con, lo ăn học, dựng vợ gả chồng (ông “ngoại dượng” gốc nhà giàu mà). Còn phần mẹ tôi, tự loay hoay trong đói rách, bươn bả đồng nọ, xăm xăm núi kia. Mẹ đàn bà nhưng làm công việc cần sức, đàn ông nhìn thấy cũng phải thè lưỡi. Nhìn mẹ ăn thấy thương lắm, mẹ bảo cái gì không độc hại mẹ đều có thể ăn được, không chê hôi tanh, thum thủm, mặn nhạt đắng chát gì hết. Không làm vậy, không ăn vậy làm sao sống được tới giờ.

Mẹ đã lớn lên bằng cách theo những đoàn làm mướn tự do. Sau gặp ba tôi cũng mồ côi rồi thành duyên đôi lứa. Hai trẻ tự làm mâm cơm để về với nhau chứ chẳng có ba mẹ đứng ra tổ chức. Rồi mẹ đẻ một bầy con, tới con Út thứ mười nhưng cũng thưa thật, nhà bà ngoại chỉ cách nhà mẹ chưa được hai cây số, chỉ cách một con mương lớn có cầu hẳn hoi chứ đâu phải cách trở sông sâu thiếu đò, nhưng ngoại chưa bao giờ vào thăm đẻ con gái, chứ nói gì nuôi đẻ như ngoại đã nuôi một bầy em gái (đời sau) của mẹ.

Khi bà ngoại tám lăm tuổi, cậu dì ra ở riêng hết, ngoại ở chung với vợ chồng cậu Út nhưng cậu mợ cũng bận công việc, đi suốt, ngoại ở nhà với mấy đứa cháu. Tuổi đó, ngoại bắt đầu sụt sịt, bệnh nọ bệnh kia thì mẹ cách một ngày cũng thu xếp chạy ra ngoại một lần. Không sáng sớm cũng trưa tròn bóng hoặc xẩm tối nếu bận việc. Tôi bức xúc, ngoại thương gì cho cam mà mẹ phải tận tụy tận tình. Mẹ la nhẹ, lại chực nói hỗn…

*

Tháng bảy lại về rồi.

Mới ngày mười ba mẹ đã lật đật ra hỏi ngoại, hỏi thật to vì tai ngoại đã nặng lắm rồi:

“ Rằm này mẹ thích ăn chè gì con nấu?”.

“ G..g…ìì  ũ..ng … đư..ợc!”.

“Mệt quá, bày đặt khách sao? Thích ăn chè gì, nói mau?”.

“… ậu… án”.

Rằm tháng bảy, mẹ dậy sớm ngâm đậu chuẩn bị nấu chè đậu ván. Cúng rằm xong rồi lật đật mang ra bà ngoại. Sáng đi tới gần trưa mới về, còn đứng ngoài cửa đã khoe: bữa nay ngoại ăn hết chén chè, còn bảo ngon…

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao mẹ hay nhắc chị em tôi “coi chừng nói hỗn” rồi. Tình mẫu tử cũng là thứ có thể nuôi dưỡng, bồi đắp để nó mỗi ngày mỗi sâu sắc thêm. Những việc làm của mẹ, mới đầu chị em tôi tưởng nó vô nghĩa nhưng không phải, mẹ đang làm những điều cao đẹp hơn thế.

Truyện ngắn: Nguyễn Thị Bích Nhàn

Tin cùng chuyên mục