Không ngừng tự học

- Đã có không ít cuốn sách nói về việc tự học, để bản thân mỗi người trưởng thành hơn và có một phông kiến thức sâu rộng. Tuy nhiên chưa hẳn đã thuyết phục người đọc. Nhưng cuốn sách “Tôi tự học” của cố học giả Nguyễn Duy Cần (hiệu là Thu Giang) lại chia sẻ cách tự học thực sự sâu sắc, dễ hiểu để bạn đọc có thể thực hành và đi đến thành công.

Cuốn sách “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần được tái bản lần thứ 12, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2016 đã được đông đảo bạn đọc mọi lứa tuổi đón nhận.

Bằng những dẫn chứng cụ thể về các nhân vật nổi tiếng, những bậc thầy thuộc các lĩnh vực trên thế giới, tác giả đã chứng minh sự học là không có giới hạn. Tác giả cũng chia sẻ, để học hiệu quả, tích lũy được tri thức cho bản thân, người học cần phải có phương pháp; thực sự kiên trì, nhẫn nại, không nản chí. Đặc biệt là phải có óc quan sát, có tư duy phản biện…

Người học cũng cần phải có tâm thế khi học. Trước tiên, phải thực sự yêu thích và đam mê: “Biết mà học, không bằng thích mà học; thích mà học không bằng say mê mà học”. Có thể học ở thầy cô, bạn bè, học trong cuộc sống, nhưng “đọc sách là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng”.  Tuy nhiên, phải biết lựa chọn loại sách phù hợp, càng ngắn gọn càng tốt, càng gọn càng hay.

Theo tác giả, đọc sách cần phải “uống nước tận nguồn”, nghĩa là tìm chính văn mà đọc, đừng vội tìm những cuốn sách về tác giả ấy do người khác viết lại. Vì vậy, biết càng nhiều ngoại ngữ càng tốt, người học sẽ tiếp cận được với những tác phẩm gốc của các tác giả người nước ngoài, vì khi sách đã được dịch ít nhiều không thể truyền tải hết được cái hay, cái đặc sắc nhất của tác phẩm.

Tác giả cũng nêu lên 3 yếu tố chính để xây dựng một nền văn hóa vững vàng. Đó là óc khoa học, óc triết học và biết xúc cảm. Bởi triết học phải là cái học căn bản cho các thứ học khác. Triết học giúp ta nhận thức được sự tương đối của khoa học, sự hạn định của nó trong vấn đề nhân sinh và nhắc cho ta nhớ rằng còn có nhiều giá trị khác nữa cũng không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, xúc cảm là điều kiện cốt yếu để tạo cho người học một cơ sở văn hóa sâu sắc. Học mà không biết đam mê thì không bao giờ thành công.

Chỉ có học, con người mới chinh phục được đỉnh cao tri thức của nhân loại. Học không phải để làm người nổi tiếng, hay kiếm được nhiều tiền mà đó là nhu cầu tự thân để mỗi người có một “nền tảng văn hóa vững chắc cả bề sâu lẫn bề rộng”. Vì vậy, học đâu phải là công việc của một thời kỳ cắp sách vào trường… mà thực ra phải là công phu thực hiện của suốt một đời người”.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục