Khao khát bảo tồn chất liệu truyền thống
Hoàng Hương Giang, sinh năm 1988, dân tộc Tày, sinh ra ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương). Chị được biết đến là một họa sĩ trẻ tài năng, có nhiều đóng góp cho cộng đồng và quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống.
Bén duyên với hội họa từ năm 14 tuổi, Hương Giang quyết theo đuổi nghiệp cầm cọ bằng việc thi vào chuyên ngành mỹ thuật của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, chị làm một nhân viên văn phòng tại một công ty ở Hà Nội.
Nữ họa sĩ Hoàng Hương Giang bộc bạch: “Ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền, không ít những người học mỹ thuật xong thì bị chính nỗi lo ấy cuốn đi. Tôi cũng vậy, khi tốt nghiệp ra trường, tôi lao vào kiếm tiền lo cuộc sống, dần dần quên đi lý tưởng ban đầu của bản thân, quên đi ước mơ trở thành họa sĩ của mình trước đây”.
Thế nhưng, tôi cũng có chút may mắn, khi bên cạnh luôn có những người bạn, những anh chị em đồng nghiệp luôn động viên, truyền lửa, thậm chí thúc giục phải vẽ. Đặc biệt có một anh bạn cùng trường của tôi, anh hiểu rõ giá trị của nghệ thuật. Anh ấy thường nhắc lại với tôi rằng: “Ai cũng có thể kiếm tiền bằng cách này hoặc cách khác, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành họa sĩ chân chính và để lại giá trị cho đời.
Em được học hội họa bài bản, được sống trong môi trường nghệ thuật và hơn thế nữa, còn có một trái tim đầy yêu thương, vậy tại sao em không theo đuổi đam mê? Và thế, tôi bắt đầu quay lại tham gia lớp vẽ sỏi. Tôi thấy bản thân mình yêu hội họa nhiều hơn thế. Và khi tôi vẽ, tôi tìm được chữ “an”, được là chính mình. Vì thế, tôi đã quyết định quay lại với đam mê cầm cọ”.
Sau khi quay lại vẽ, nữ họa sĩ lựa chọn phát triển tài năng của mình với dòng tranh vẽ trên chất liệu giấy dó. Chị đặt tên cho dòng tranh thủ công mỹ nghệ bản thân theo đuổi là “Phúc Âm”, mang ý nghĩa là “tin mừng” hay “tin lành” với mong muốn các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo ra sẽ mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Mỗi tác phẩm tranh vẽ của nữ họa sĩ luôn toát lên sự nhẹ nhàng, sâu lắng, được mọi người đón nhận đầy yêu thích.
Không chỉ vậy, việc lựa chọn vẽ tranh trên chất liệu giấy dó cũng giúp chị ghi dấu ấn riêng. Giữa những giao thoa và hội nhập, các thể loại và chất liệu tranh vẽ không thiếu trên thị trường, thông qua việc bản thân có thể làm, nữ họa sĩ muốn góp phần nào đó sức lực cá nhân vào quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
“Ngoài những ưu điểm vượt trội của chất liệu như đặc tính chống ẩm cao, giúp các tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc, giấy dó còn như một dòng chảy nghệ thuật gắn liền với lịch sử dân tộc. Màu khoáng từ tự nhiên, mềm mại, đảm bảo tính phong thủy của trời, đất, kết hợp với bề mặt xù xì của giấy dó truyền thống có độ bền lên tới hàng trăm năm, đem lại cảm giác hoài cổ và rất gần gũi, đượm màu thời gian cùng giá trị tâm linh bền chặt”, họa sĩ Hương Giang chia sẻ.
Ngoài ra chị còn vẽ tranh với chất liệu sơn mài - chất liệu truyền thống Việt Nam. Trong mỗi bức tranh của chị, luôn là sự giao thoa và câu chuyện của cái mới và cái cũ, của truyền thống và hiện đại, của tâm linh và đời sống. Với nữ họa sĩ trẻ, dù đời sống xã hội hay mỹ thuật đương đại có nhiều thay đổi thì những giá trị truyền thống vẫn luôn được chào mừng và đón nhận theo một cách riêng.
Tác phẩm tranh Sen trên Canvas sẽ được trưng bày triển lãm cá nhân vào tháng 11-2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tìm về với hoa
Nữ họa sĩ dành nhiều tình cảm với hoa. “Tôi thường vẽ những bông hoa ở rất nhiều giai đoạn khác nhau. Không hiểu sao, ngay cả khi nhìn những bông hoa mà người ta đã bỏ đi, tôi vẫn cảm thấy một sự đồng cảm rất nhiều, tôi vẫn thấy chúng đẹp, căng tràn và rực rỡ. Đôi khi trong lòng tôi dấy lên một ưu tư về cuộc sống thăng trầm thông qua ngắm nhìn những bông hoa, đời sống của hoa. Có điều, sự an bình của chúng lại truyền cho tôi một cảm giác được vỗ về và hy vọng” chị Giang chia sẻ.
Ngắm nhìn những bức tranh phong cảnh của họa sĩ Hương Giang, tôi cảm thấy tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhàng. Bao ký ức làng quê, thiên nhiên được tái hiện. Đó là lũy tre, dòng sông, núi rừng mờ sương. Hay đó là những đóa sen thanh khiết tỏa sáng bồng bềnh trong những sắc thái khác nhau. Có thể nói, hoa sen là ngôn ngữ, tiếng nói và “điệu” tâm hồn đầy duyên nợ của họa sĩ Hương Giang.
Họa sĩ Hương Giang như trở lại chính mình khi thầm thì, bềnh bồng, đắm đuối với hoa sen bằng tất cả tình yêu. Qua nghệ thuật sắc màu của chị, những đóa hoa sen mang tâm hồn Việt, bản sắc Việt đã chinh phục trái tim không ít bạn tri âm hội họa.
Họa sĩ Hoàng Hương Giang triển lãm và giới thiệu tranh tại Singapore.
Hướng về cộng đồng
Họa sĩ Hoàng Hương Giang còn được biết đến là người sáng lập, đưa Rock Painting (Vẽ sỏi) đến với cộng đồng tại Hà Nội năm 2018 (dự án đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công nhận). Nữ họa sĩ cũng mở nhiều lớp dạy vẽ, hướng dẫn cảm thụ nghệ thuật phi lợi nhuận cho trẻ em để bồi dưỡng, ươm mầm trong những tâm hồn trẻ thơ niềm đam mê với màu sắc, hội họa.
Trong suốt hành trình theo đuổi nghiệp cầm cọ, họa sĩ Hương Giang đã tham gia rất nhiều dự án vẽ tranh. Chị là người sáng lập G-Art Studio tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật cho trẻ em năm 2019, 2020; sáng lập Gospel Art tranh được vẽ tay bằng màu khoáng tự nhiên trên giấy dó truyền thống;… Nữ họa sĩ cũng từng đạt Giải Nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Tuyên Quang năm 2022.
Bên cạnh các triển lãm trong nước, họa sĩ Hương Giang còn tham gia nhiều triển lãm quốc tế như: Triển lãm Freedom & Love tại Indonesia năm 2023; Tham gia Workshop The Bridge tại Malaysia năm 2023; Trưng bày tranh tại Art Gallery (Malaysia); Trưng bày triển lãm tranh tại Beone Gallery (Singapore) năm 2023; Chân dung nghệ sĩ Việt Nam trong sách The South - East Asian Artist Vol.1 (Malaysia).
Chia sẻ về những dự định trong tương lai họa sĩ Hương Giang cho biết: “Tôi luôn muốn hướng tới giá trị về văn hóa và tâm linh của người Á Đông. Trong thời gian tới, tôi sẽ thực hiện bộ tranh chạm tới chính nguồn gốc của mình (người Tày), cộng đồng các dân tộc phía Đông Bắc”.
Gửi phản hồi
In bài viết