Người nông dân viết văn

- Tác phẩm truyện ngắn “Khi người nông dân viết văn” của tác giả Vũ Công Định, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh mang tính tự sự về chính cuộc đời mình. Ở đó anh miêu tả công việc không tên đếm không xuể của nhà nông. Lúc viết văn lại sực nhớ đến giờ phải chăn dê, cho cá ăn, vợ dặn cắm cơm. Nhiều đêm chìm trong giấc ngủ toàn nằm mê thấy cuộc sống bay bổng màu hồng, nhưng khi tỉnh dậy hiện thực cuộc sống không phải vậy. Cuộc sống của người nông dân viết văn vẫn cực nhọc, cố gắng là liều thuốc để tác giả vượt qua.

Ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tìm người nông dân viết văn không nhiều. Cũng phải vì ở mảng này ngoài năng khiếu chính hiệu thì các tác giả cũng cần có học thuật. Nên số đông hội viên thường là cán bộ, viên chức nghỉ hưu, đặc biệt ở lĩnh vực giáo viên, những người đã từng tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Trường hợp anh Vũ Công Định lại khác. Vì anh chưa học hết cấp 3 trường làng đã xung phong đi dân công hỏa tuyến, rồi chuyển sang bộ đội chính quy ở mặt trận biên giới phía Bắc. Ra quân anh xin vào làm công nhân Lâm trường Hàm Yên, rồi về nhà phát triển kinh tế VACR. Anh được kết nạp vào Chi hội Nông dân của thôn, Hội Nông dân của xã.

Nhà văn Vũ Công Định.

Quanh quẩn với đồng đất thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên), Vũ Công Định nhận thấy mình phải cần viết một cái gì đó. Mạch viết của anh nó tuôn ra một cách tự nhiên, mộc mạc, giản dị như chính công việc của mình. Đối với anh lúc nào thích thì anh mới viết, viết như thể giãi bày con người mình. Anh Định tâm sự, mình dân tộc Kinh, quê xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Gia đình nghèo có đông anh chị em. Bố mẹ cũng chẳng thấy viết lách bao giờ cả. Không hiểu sao lại sinh ra mấy người con mê văn chương.

Hiện cậu em trai Vũ Đình Tiến đang là hội viên Chi hội Văn học Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Chính người em trai này đã động viên tôi cầm bút. Thế là tác phẩm đầu tay “Mua xe cub” in trên báo Tân Trào ra đời. Thẩm xong truyện ngắn, nhà văn Mai Liễu lúc bấy giờ phi xe lên tận nhà để “động viên nhân tố mới”. Việc kết nạp vào hội viên Chi hội Văn học Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng diễn ra sau đó, ấy vậy mà đã 24 năm trôi qua rồi...

Tổng kết lại thời gian sáng tác của mình anh Vũ Công Định có khoảng trên 30 truyện ngắn. Đối với anh thế mạnh của mình chính là truyện ngắn nhưng mang nội dung hài, hiện thực phê phán. Thơ anh làm đúng 1 bài được đăng trên báo Tân Trào có nhan đề “Hoa Thiên lý”. Thể loại ký anh cũng chỉ có 1 bài “Những chàng Mai An Tiêm vùng đồi” in trang nhất trên Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam. Bài ký viết về 2 người nông dân trồng cam sành giỏi trong xã. Từ hộ gia đình nghèo, biết bám đất, chăm chỉ làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác những “Chàng Mai An Tiêm” đã xuất hiện với những đồi cam sành bát ngát, trĩu quả. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã tràn về bản làng, làm gương cho bao người noi theo. Riêng thể loại tiểu thuyết anh Vũ Công Định chưa thử. Anh bảo mình bận chăm 5 ha cam sành, 2 ha keo lấy gỗ nên chưa đủ thời gian để viết. Nhưng sau này có thời gian vẫn muốn viết tiểu thuyết.

Sinh ra từ nông dân, sống với nông thôn, anh Vũ Công Định thích thú lấy những đề tài nông thôn quanh mình để viết. Truyện ngắn “Văn sỹ thôn” thể hiện cái nhìn của nhà văn. Cốt truyện là một nhà văn ở thôn nhận được giấy triệu tập đi trại sáng tác mà không có tiền. Vò đầu, bứt tai nghĩ kế, thì ông Trưởng thôn đến bảo làm hộ cho một bài thơ ca ngợi nông thôn mới của địa phương. Không ngờ bài thơ đọc lên ai cũng thích, thôn trích 500 nghìn đồng biếu tác giả. Nhưng 500 nghìn đồng vẫn chưa đủ, vợ nhà văn thương chồng đi mò hến sông, mỗi bữa bán được 50 nghìn đồng.

Nhà văn nghĩ có lẽ mình phải kiếm tiềm từ nghệ thuật, năng khiếu của bản thân nên quyết định đi hát thêm cho đám cưới, khóc cho đám ma. Vợ nhà văn thấy người ta khai thác cây keo, xin làm thuê vì công khá cao. Không ngờ gỗ lăn, đa chấn thương phải nằm viện. Bao tiền tiết kiệm được đổ ra không đủ. Thời gian đi trại sáng tác đã đến, không có tiền nhưng nhà văn vẫn quyết đi. Do không có tiền “chén chú chén anh” nên nhà văn ngồi ở phòng viết văn, không đi chơi. Hóa ra viết “nhốt một chỗ” lại là liều thuốc cho tác giả tập trung viết ra tác phẩm hay. Được ban tổ chức trại biểu dương, khen ngợi.

Ở tỉnh ta “Văn sỹ thôn” như anh Vũ Công Định đếm trên đầu ngón tay. Người nông dân viết văn có vẻ nó cũng khác, giọng văn không lẫn vào đâu được, làm cho “vườn hoa văn chương” tỉnh nhà thêm đa đạng, phong phú. Qua đây cũng khẳng định, nếu có tình yêu và đam mê thì ở lĩnh vực nào cũng có thể cầm được bút, viết được áng văn hay.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục