Thế giới cô đơn của người trưởng thành

- Biên niên ký chim vặn dây cót là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Tiểu thuyết được xuất bản ở Nhật năm 1996 và xuất bản ở Việt Nam năm 2006 qua bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng. 

Biên niên ký chim vặn dây cót không phải là một cuốn sách dễ đọc, vì ngoài khối lượng chữ đồ sộ còn ẩn chứa trong mình sự “khó hiểu” điển hình của một tiểu thuyết hiện đại có chất lượng.

Biên niên ký chim vặn dây cót kể về cuộc đời người đàn ông tên là Toru Okada. Nhưng trong suốt chiều dài tác phẩm lại là chuyện đời của rất nhiều nhân vật và có những đoạn, những chương hoàn toàn là lời kể của nhân vật khác như: “Chuyện dài của Trung úy Mamiya: 

 

Phần 1”, “Chuyện dài của Trung úy Mamiya, Phần 2”, “Quan điểm của Kasahara May”, “Chuyện dài của Kano Creta”. Ngoài ra trong tác phẩm còn có cả hình thức một bức thư viết tay, hay một bài báo... Chính hình thức mới lạ này tạo cho tiểu thuyết một sức khái quát cao, cuộc sống được nhìn với nhiều đôi mắt, những chiều kích khác nhau của thế giới thậm phồn hiện lên chân thật, rõ ràng. Tác phẩm là sự dung hợp kỳ lạ giữa khách quan và chủ quan, giữa đời thực và những giấc mơ, giữa cao đẹp và dung tục, giữa sáng rõ và nhòa mờ, giữa tin và không tin, giữa thực và ảo...

Murakami dùng ngôn ngữ tạo ra một thứ văn chương rất riêng, mang đậm phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Thế mạnh của Murakami chính là miêu tả. Truyện của ông đa số đều dùng ngôi thứ nhất để trần thuật. Nhân vật xưng “tôi” nhìn và cảm nhận thế giới. Văn của ông không lên gân, không mạnh mẽ, vũ bão mà nhẹ nhàng, thư thả, ung dung như nghệ thuật trà đạo, hoa đạo của xứ hoa anh đào. Nhân vật của ông nhìn nhận cuộc sống trọn vẹn, chú ý cả những chi tiết nhỏ: cái nhíu mày, đôi giày, giọng nói, cử chỉ...

Với cái nhìn sắc sảo đó, nhân vật trong Biên niên ký chim vặn dây cót không hời hợt, dửng dưng như vẻ ngoài họ tạo ra. Vẻ ngoài lạnh nhạt chỉ dùng để che giấu nội tâm sôi sục bên trong. Thế giới thực càng trầm lặng, càng an ổn bao nhiêu thì thế giới ảo càng ào ạt, càng quyết liệt bấy nhiêu. Ngôn từ của nhà văn vừa rõ ràng, hiện thực lại vừa huyễn hoặc, mơ hồ. Những trang miêu tả cái phi lý, cái hư huyền, cái ảo giác, cái chết, nỗi đau, giấc mơ là những trang hay nhất của tác phẩm.

Biên niên ký chim vặn dây cót có những lời nhắn từ Murakami, đó là: “Cái gì mua được bằng tiền thì phải bỏ tiền mua, đừng đắn đo hơn thiệt. Hãy để dành tâm lực cho những cái mà tiền không mua được”. Hay “một khi hận thù đã bén rễ trong lòng thì vứt bỏ được nó là điều khó nhất trên đời”.

Biên niên ký chim vặn dây cót là tiểu thuyết xuất sắc của Murakami. Thực tại và quá khứ, thực tại và phi thực tại hơn cả dòng thác mênh mông của tư duy, những sự trống rỗng và hư vô làm nên một tác phẩm đầy ngột ngạt nhưng hấp dẫn. Đọc văn chương của Haruki Murakami, người đọc sẽ hiểu vì sao nhà văn được đề cử Giải Nobel văn học nhiều năm liền.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục