Tái hiện câu chuyện lịch sử, văn học kinh điển
Những năm qua, công chúng trong nước liên tục được thưởng thức nhiều MV (video âm nhạc) mong hơi hướng hoài cổ. Các nghệ sỹ trẻ dấn thân và thành công trong việc khai thác những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay những nhân vật văn học kinh điển để đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình.
Điển hình như: MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy với câu chuyện về một phần cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu; MV “Bống bống bang bang” sáng tác của OnlyC, ca khúc trong nhạc phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” với cảm hứng từ truyện cổ tích “Tấm Cám”. Hay “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” của Bích Phương với những nét văn hóa đặc trưng của Tây Bắc. Trước đó, MV “Mặt trăng” của Bùi Lan Hương với nội dung về mối tình buồn của Mỵ Châu - Trọng Thủy trên nền âm nhạc Dream Pop đầy ma mị, nổi bật tính sử thi. Ngoài ra, còn có “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc với hình ảnh đầy mới mẻ của Chí Phèo - Thị Nở…
Trong làn sóng tìm về chất liệu truyền thống, lịch sử của nhạc trẻ Việt, không thể thiếu gương mặt Hoàng Thùy Linh, với hàng loạt những MV làm chao đảo các bảng xếp hạng âm nhạc ngay từ khi mới ra mắt. Đó là: ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” phần video khai thác các tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Lão Hạc”, “Tắt đèn”, “Số đỏ”… Bên cạnh đó có nhiều MV đặc sắc như “Bánh trôi nước”, “Tứ phủ”, “Duyên âm”, “Kẻ cắp gặp bà già”…
“Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy tái hiện cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu.
Tất cả sản phẩm âm nhạc kể trên đều được các nghệ sỹ kết hợp đầy sáng tạo giữa chất liệu lịch sử, văn học dân gian trên nền âm nhạc và vũ đạo hiện đại. Tất cả được thể hiện đầy tính nghệ thuật mang đến những trải nghiệm mới mẻ và sự thích thú cho người xem. Điều này cũng cho thấy thế hệ ca sỹ trẻ đã có những tìm tòi, khám phá không ngừng để làm mới lại những câu chuyện lịch sử vốn khô khan và cũ kỹ.
Tìm về với cội nguồn dân tộc
Có thể nói, việc lồng ghép yếu tố văn học và lịch sử vào âm nhạc là một bước đi mang tính sáng tạo, đột phá, tựa như cơn mưa mát lành trước bức tranh hỗn loạn của âm nhạc thị trường trong thời gian qua. Bên cạnh tính nghệ thuật và sự mới lạ, các MV âm nhạc có chứa các tình tiết lịch sử sẽ trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ tiếp cận, hấp dẫn và trực quan hơn rất nhiều, khiến cho khán giả trẻ thêm yêu thích và hiểu thêm nhiều về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Là người yêu thích âm nhạc, bạn Nguyễn Thị Kiều Oanh, sinh viên Trường Đại học Tân Trào cho biết: “Những ca khúc mang hơi hướng truyền thống rất dễ nghe. Ngay từ khi bắt đầu mới xem đã mang đến cảm nhận quen thuộc và các MV từng bước dẫn dắt người xem đến với không gian xưa cũ của những câu chuyện lịch sử, văn học. Điều này khiến giới trẻ được chủ động tiếp cận và yêu thích hơn văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc”.
Điểm chung của các ca khúc đó là không đơn thuần khai thác nguyên chất liệu cổ điển mà nghệ sỹ đã biết thổi vào đó không khí thời đại hôm nay. Nhạc sĩ trẻ Lê Ngọc, Phân hội Âm nhạc Tuyên Quang cho biết: “Ca khúc thành công khi có nội dung đương đại, nhưng giai điệu mang âm hưởng dân gian. Ca từ được sử dụng linh hoạt, sử dụng ca dao tục ngữ, điển tích. Đây là lối đi mà người trẻ như chúng tôi phải học hỏi và tiếp thu”.
Được biết, không chỉ ở nước ta, việc sử dụng chất liệu truyền thống, lịch sử là xu hướng chung của âm nhạc thế giới. Bởi rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của các ban nhạc châu Âu, Mỹ đều mang hơi thở dân gian, truyền thống của đất nước họ. Vì vậy, việc các nghệ sĩ trẻ hiện nay khai thác chất liệu này rất đúng đắn và có cơ hội bước ra thế giới.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, vấn đề đa dạng văn hóa có những biến thiên để phù hợp và đi vào đời sống bằng nhiều cách khác nhau. Âm nhạc hiện đại, các ca sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ đang nỗ lực để đưa âm nhạc của mình trở nên gần gũi với công chúng. Âm nhạc hiện đại kết hợp chất liệu lịch sử, văn học là kho “trầm tích” vô cùng quý giá, từng bước tạo nên bản sắc của nhạc Việt, được đông đảo tầng lớp công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ đón nhận.
Gửi phản hồi
In bài viết