Những bài thơ Bác Hồ sáng tác tại Tuyên Quang

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Bác chỉ tự nhận mình người yêu văn chương. Nhưng do hoàn cảnh thôi thúc và nhiệm vụ cách mạng yêu cầu cộng với tài năng nghệ thuật thiên bẩm đã giúp Bác sáng tác ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người đã ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng dân tộc Việt Nam gần 6 năm tại Tuyên Quang. Nơi đây, Bác đã viết nhiều bài thơ đặc sắc gửi gắm tình cảm dành cho đồng bào, đất nước, thể hiện ý chí quyết tâm cách mạng.

Những vần thơ chan chứa tình

Dù hoạt động cách mạng khó khăn gian khổ nhưng trong Bác vẫn luôn tràn ngập sự lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống. Mỗi địa danh, mỗi bước chân Người qua, mỗi cành cây, ngọn cỏ đều là nguồn cảm hứng bất tận cho hồn thơ dung dị, chân thành của Người. Ở Tuyên Quang Bác có nhiều bài thơ về tả cảnh, tả tình, thơ chúc Tết, thơ mừng sinh nhật. Thế nhưng tất cả đều gửi gắm ý chí cách mạng, sự động viên khích lệ tinh thần kháng chiến của quân và dân, sự lạc quan trước ngày mai tươi sáng.

Bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm 1949 trong một lần Bác từ Khấu Lấu (thuộc xã Tân Trào) xuôi thuyền về huyện lỵ Sơn Dương thăm một lớp học của cán bộ kháng chiến. 

Bốn câu thơ đầu của bài thơ thuần tả cảnh đi thuyền trên sông đêm. Trong thơ Bác, bút pháp tả cảnh rất đa dạng, có khi tả thực, có khi lại tượng trưng, có khi lấy cảnh làm khung cho con người hoạt động, có khi cảnh lại là phương tiện để con người bộc lộ tâm tình, bày tỏ những chiêm nghiệm, suy tư của mình:

“Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan”

Một sự hài hòa kỳ diệu! Con người không được miêu tả trực tiếp, chỉ với tiếng mái chèo cót két, với cảnh thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo nhưng chỉ vậy, cái khung cảnh tưởng lạnh lẽo đã ấm áp, sống động hẳn lên! Sau những câu thơ tả cảnh, tác giả chuyển sang bộc bạch tâm sự riêng: “Lòng riêng riêng những bàn hoàn/Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”.

Những phút giây thư giãn, hòa mình thiên nhiên tạo cảm xúc cho hồn thơ của Bác.
(Trong ảnh: Bác Hồ câu cá trên sông Phó Đáy).

Cái riêng mà choán hết cõi lòng, chi phối mãnh liệt sự lo lắng của tác giả lại là một cái rất chung đó là việc “khôi phục giang san Tiên Rồng”. Cách nói cũng gây ấn tượng vì cái âm hưởng trang nghiêm của nó. Hai câu thơ thể hiện tấm lòng riêng của Bác, là trạng thái tâm hồn Người suy nghĩ không lúc nào dứt nỗi lo đất nước.

Từ tả tình, Bác chuyển sang tả cảnh. Một bức tranh rạng đông đầy hứa hẹn với gam màu hồng chủ đạo: “Thuyền về trời đã rạng đông/Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”. Nó là một ẩn dụ về tương lai cách mạng. Đằng sau hình ảnh giản dị, quen thuộc này là một bản lĩnh vững vàng, một lòng tin sắt son vào tiền đồ cách mạng của một con người nắm được quy luật lịch sử.

Bác là vậy luôn nghĩ cho đồng bào, đồng chí, cách mạng trước bản thân mình. Quãng thời gian Người ở Tuyên Quang có nhiều bài thơ viết Chúc Tết. Mùa xuân năm Kỷ Sửu 1949, tại Lũng Tẩu, xã Tân Trào (Sơn Dương) Bác đã viết bài thơ chúc Tết, nhằm khích lệ phong trào thi đua của quân và dân ta:

“Kháng chiến lại thêm một năm mới
 Thi đua ái quốc thêm tiến tới
Động viên lực lượng và tinh thần
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi
Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ngày ngày thi đua
 Ta nhất định thắng
 Địch nhất định thua”.

Di tích lán Hang Bòng, xã Tân Trào nằm ở lưng chừng dãy núi Bòng. Nơi đây nhân dịp Tết Nhâm Thìn, ngày 24-1-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thơ chúc Tết: “Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta/ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”.

Trong từng lời thơ chân thành, giản dị mừng mùa Xuân mới của Bác là niềm vui, niềm tin thắng lợi và vượt lên trên hết là tấm lòng của một vị lãnh tụ vĩ đại đối với nhân dân, với đất nước. Những vần thơ chúc Tết của Bác đã nhen nhóm lên ngọn lửa của phong trào cách mạng Việt Nam. Lời thơ thôi thúc ý chí, nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao để toàn quân, toàn dân vượt qua khó khăn, giành độc lập dân tộc.

Ngoài ra, Bác Hồ có nhiều bài thơ chúc Tết Trung thu gửi đến thiếu nhi cả nước. Đó là một trong những nét đặc sắc của thơ Bác, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của đất nước mà Bác Hồ có những lời dạy bảo ân cần. Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đã bước vào giai đoạn phản công, với khí thế ấy, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, Bác viết: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Những vần thơ Bác làm theo thể lục bát mang dáng dấp của những câu ca dao, tục ngữ, khiến trẻ dễ nhớ, dễ thuộc ngay từ lần đầu được nghe.

Tinh thần lạc quan cách mạng

Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí. Bác trân trọng đáp lại lời chúc của mọi người bằng những bài thơ hóm hỉnh, nhẹ nhàng mà sâu sắc.  Sinh nhật năm 1949, Bác Hồ ở tại nhà ông Hà Văn Tung tại Bản Chương, xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Đây là nơi sinh sống của đồng bào Tày, cách trụ sở UBND xã Hùng Lợi ngày nay khoảng 7 km. Sắp đến ngày kỷ niệm sinh nhật Người, một số cán bộ đề nghị tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại bằng bài thơ “Không đề”:

“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”

Lúc này, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, nên Bác không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình. Bài thơ là hiện thân của sự giản dị, khiêm tốn rất mực ở Người. “Chưa nghĩ đến nhà” là thái độ dứt khoát khước từ những gì mang đến lợi ích cho cá nhân mình. Câu thơ thứ hai chuyển sang một chút hóm hỉnh, tươi vui, gợi mở thái độ lạc quan của Bác trước tuổi tác của mình để mọi người yên tâm về cái sự ngày rộng tháng dài đang còn phía trước: “Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già”.

Làm thơ đáp lại tấm lòng ân nghĩa của nhân dân và đồng chí nhưng tâm hồn và tư tưởng của Bác bao giờ cũng hướng đến động viên, cổ vũ nhân dân và chiến sỹ quyết tâm đuổi giặc cứu nước. Nhờ thế, từ thơ mừng sinh nhật, Người đã khéo léo chuyển sang thơ kêu gọi đồng bào kháng chiến một cách tự nhiên, thổi vào đó cả ước mơ và hy vọng của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục, quả là một sự tài hoa hiếm có.

Vẫn với tinh thần lạc quan cách mạng, ngày 19-5-1950, Chính phủ tổ chức lễ chúc thọ mừng Bác Hồ tròn 60 tuổi tại Văn phòng Chủ tịch phủ bên Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương). Bác Hồ ứng khẩu bài thơ:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên.

Bài thơ ngắn gọn, tự nhiên gợi đến sự tươi trẻ, vui vẻ, khỏe khoắn và tràn trề tinh thần lạc quan của Người. Trong khi mọi người hướng về Bác chúc thọ thì Bác vui vẻ tự so tuổi mình với tuổi ông Bành tổ (sống 800 năm, theo truyền thuyết) và thấy như vậy thì mình cũng chỉ như còn “thiếu niên”. “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe” với Bác là có sức khỏe để làm việc, tìm ra con đường đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành tự do, độc lập cho dân tộc. Bài thơ thể hiện phẩm chất lạc quan yêu đời, sống tích cực, sống hăng say của Bác Hồ trong kháng chiến gian khổ.

Cùng với chủ đề trên, năm 63 tuổi cũng ở an toàn khu Việt Bắc, Bác làm bài thơ “Sáu mươi ba tuổi”. Bác phát triển thêm vần thơ tự sự rèn luyện sức khỏe và nuôi tinh thần minh mẫn, tự nói về mình nhưng cũng là nói với mọi người lời khuyên nhẹ nhàng. Qua đó, khiến cho mọi người yên tâm về Bác, cũng tự chỉnh đốn lại bản thân, nếu bất chợt có chút gì nao núng trước khó khăn gian khổ.

    Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu mươi, mình vẫn nghĩ là đương trai
    Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.

Văn thơ Hồ Chí Minh gợi đến sự giản dị mà sâu sắc ý nghĩa. Đó là di sản tinh thần vô giá, thể hiện chân thật và sâu sắc tư tưởng, tình cảm và tâm hồn cao cả của Người. Bác coi văn học nghệ thuật là vũ khí sắc bén, thứ vũ khí chiến đấu phụng sự cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến (2-4-1947 - 2-4-2022), đọc những bài thơ ta càng thấm thía hơn sự hy sinh lớn lao vì dân vì nước, tinh thần lạc quan cách mạng của Người.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục