Những bông hoa gạo đỏ

Chị lấy chồng ở một thành phố xa, hơn hai chục năm xa cách, năm nay chị mới có dịp về quê ăn tết. Ngày mẹ đi xa, chị còn những đứa em. Trong ký ức chị là những ngày buồn nơi làng quê, chị em tần tảo nuôi nhau, vẫn còn đau đáu trong hồn. Chị cũng ước mơ, và mỗi khi nhìn cây hoa gạo đầu thôn nó lại nhói lên  bao hình ảnh hiện về trong quá khứ.

Chả thế ngày chị ở xa mỗi lá thư về chị đều hỏi thăm cây hoa gạo đầu thôn, nơi bến sông, năm nay nó cao to thế nào, bão gió nhiều không? Và biết nó có chịu được không?. Nhất là mùa xuân chị hỏi hoa nó có nhiều và đẹp, lũ trẻ con có qua chơi như ngày nào còn trẻ của chị. Có lẽ với chị cây hoa gạo ấy như hồn làng, mà với cuộc đời chị chẳng thể nào quên.

Ngày còn bé, mẹ chị thường gánh mớ rau, con tép sang sông đi chợ, lúc về không quên mua cho hai chị em khi thì bánh đúc, bánh đa, kẹo vừng. Nhiều hôm mẹ về muộn hai chị em dắt tay nhau ra tận bến sông dưới cây gạo ngóng trông từng chuyến đò đón mẹ về, có hôm mẹ chẳng mua được gì, nhìn hai đứa con buồn thiu, mẹ khóc. Để xua tan cơn đói, ngồi nghỉ mẹ kể chuyện ngày xưa. Cái ngày thiên hạ đói quay đói quắt lo thiên tai, mà mất mùa.

Người trời thương xót biến những bông hoa thành những tải gạo mang xuống giúp dân. Nên mỗi bông hoa gạo, ngoài có năm cánh to màu đỏ, bên trong có những nhụy vàng li ti như những hạt gạo là thế. Ấy là những ngày tháng ba, cái rét làng Bân lùa qua nàn áo mỏng như những mũi kim châm vào da thịt, khi bụng đói cái rét trong người hình như cũng cảm nhận nhiều hơn.

Lớn lên một chút lũ trẻ trong làng chơi trò trận giả, bịt mắt bắt dê, bán đồ hàng quanh thân cây gạo. Nhóm bạn của chị diễn lại một đoạn trong sách giáo khoa đã học, đoạn chuyện tình giữa hoàng tử và công chúa. Các bạn ngắt những cánh hoa gạo xâu thành mũ cho chị làm công chúa, một bạn trai dùng một đoạn dây kết thành hình tròn đội lên đầu, trên đỉnh có một bông hoa gạo rất to, một đoạn tre buộc cong hai đầu như một chiếc cung đeo ở sau lưng trông rất oai phong như hoàng tử. Một hôm họ đi săn trong rừng, vì mải đuổi theo một con thỏ, hoàng tử bị lạc, không tìm thấy đường về, công chúa ngồi buồn nhớ, trong lúc các bạn trêu cười, thì chị ôm mặt khóc, chúng lại được thời reo.

- Ê! trò chơi mà cái Xoan nó khóc kìa.

Chị khóc to hơn, buồn rầu chị nhặt những bông hoa gạo thả xuống dòng suối nhỏ, miệng đọc câu thần trú cầu mong cho hoàng tử nhặt được để biết đường về… Quả nhiên hoàng tử đã trở về, họ nhìn nhau trong tiếng cười của lũ trẻ.
Trong ký ức của chị hạnh phúc là những điều đơn giản mình có được, một chiếc áo mới, một quyển sách đẹp, có khi là một miếng bánh đa, cái kẹo bột mỗi khi mẹ đi chợ về chia cho chị. Ngày chị có rung động đầu tiên, thương chàng “hoàng tử” rồi sau này hai đứa lớn lên, để ý, tình yêu không biết từ khi nào đến với chị.

Minh họa: Bích Ngọc

Tiễn anh đi trên con đường làng mưa bụi bay, những cánh hoa xoan vương đầy trên ba lô, mái tóc hai người. Sắp đến bến sông dừng bên cây hoa gạo anh nắm tay chị ngập ngừng nói:

- Công chúa chờ hoàng tử nhé!

Chị cười đôi nàn má đỏ bừng lên.

- Em sẽ chờ anh.

Đoạn chị nhặt một bông hoa gạo xinh xinh gói vào chiếc khăn mùi xoa đã thêu đôi chim và một quả tim màu đỏ đưa cho anh.

Anh xuống đò, chị vẫy tay đứng nhìn đến khi con đò khuất dần, hai giọt lệ lăn dài trên má.

Đấy là lần đầu tiên chị cảm nhận hạnh phúc. Bông hoa gạo đi vào kỷ niệm, chứng dám mối tình đầu của chị.

Tháng ba ngày ấy đồng khô trơ đất, cái rét mướt ngấm từng nhánh mạ, cây lúa úa vàng, nhà nọ hỏi thăm nhà kia có còn thóc gạo, cơm thường đứt bữa, miếng cơm cõng mẩu sắn mẩu khoai. Cực chẳng đã mẹ ra đi từ đấy. Đã mấy tháng nỗi buồn không sao nguôi ngoai trong lòng chị, như một thói quen những buổi trưa chị vẫn ngóng ra bến sông nơi có cây hoa gạo chờ đón mẹ về. Cũng nơi ấy chị tiễn anh đi, thế mà chị chẳng nhận được một dòng thư, một tin gì về anh. Nhiều khi chị buồn ngồi một mình làm bạn với cây hoa gạo, chỉ nó mới biết bao kỷ niệm vui buồn của đời chị, mà sao nó chẳng giúp chị có được ước mơ nào tử tế hay làm vơi nỗi buồn của chị.

Mùa xuân năm ấy, trai làng nô nức tòng quân (sau này chị biết chỉ còn ba tháng nữa là đến ngày giải phóng đất nước). Tiễn bộ đội trong cái cảnh người đi người ở, người ta nặng một chị thì nặng hai. Chị ngỡ như hôm nay mới tiễn anh lên đường. Ôi! những chàng trai vạm vỡ với bộ quần áo mầu xanh, ngôi sao trên mũ, các anh đang đi về hướng người yêu của chị, chị nghĩ họ sẽ gặp nhau, bất giác chị dặn một người lính tên của anh và nói nếu gặp anh nói dùm  Chị vẫn chờ anh.

Cây gạo năm ấy chạm đúng đợt gió mùa cành lá của nó rung lên từng đợt, những cục bông bay như hoa, còn những bông hoa gạo vẫn bám chắc vào cành đỏ tươi in trên nền trời. Chị tin những lời nhắn nhủ của chị sẽ đến với anh. Có hôm chị nằm mơ anh và chị lại trong vai hoàng tử và công chúa, cuộc vui đang thích thì lũ trẻ cười phá lên thế là chị tỉnh giấc.

Hôm có người nhà của anh sang đưa cho chị tờ giấy báo tử anh đã hy sinh, chị không tin vào mắt của mình nữa, chị buồn lơ đãng nhìn ra phía bờ sông nơi có cây hoa gạo. Người ta khuyên chị nên về nhà, chiến tranh sao tránh khỏi cảnh mất mát, anh ấy đã hy sinh vì tổ quốc. Chị bảo cho chị ngồi một mình, lúc này không ai hiểu chị bằng chị. Đã cuối tháng ba những bông hoa gạo rơi lã chã. Những cục bông trắng theo chiều gió lao xao trên nền trời. Bông gạo ngày nào chị gói cho anh, không biết giờ bay đi đâu, chắp tay chị nhìn lên nền trời, chị vẫn tin anh còn sống và những bông hoa gạo sẽ dẫn đường cho anh trở về với chị.

Về đến ngõ chị gặp Đào, nhìn chị mắt đỏ hoe, nó biết ngay sự tình.

- Anh ấy hy sinh rồi ư!

Chị lặng yên hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má, Đào động viên  Mình cũng vừa mới biết, chiến tranh làm sao tránh khỏi mất mát, biết đâu hòa bình anh ấy lại về. Và như để xoa dịu niềm đau của chị Đào hát đủ cho hai đứa cùng nghe (… cái mùa hoa gạo cháy, đã hết rồi anh ơi, dòng sông vẫn êm trôi, bến bờ không tới được. Bàn chân dù dừng bước, thương nhớ lòng không nguôi… Bàn chân dù dừng bước, thương nhớ lòng không nguôi…).

Chị ở vậy nuôi em, tháng ngày trôi vùn vụt, cây gạo đã già hơn thân của nó người ôm không xuể. Người ta còn vạc những miếng vỏ quanh thân cây để ăn trầu, chị nhìn xót xa. Nhưng kỳ lạ thay hình như thân nó đau thì những bông hoa đến mùa lại đỏ hơn, một màu khát vọng, chị ngắm nhìn không chớp mắt với bao ký ức trôi về.

Hòa bình được hai năm, có người lính qua bến đò nhìn thấy cây hoa gạo đỏ dừng lại hỏi thăm đến nhà chị. Trước lúc anh hy sinh anh giao lại cho đồng đội chiếc ba lô, tài sản của anh, nhờ đồng đội mang về theo địa chỉ đến tay chị. Chị giở ra, ngoài bộ quần áo đã cũ, chiếc khăn mùi xoa chị gói bông hoa gạo ngày nào vẫn còn nguyên, chỉ khác những cánh hoa đã cứng và đen lại. Chị ôm vào lòng, kể cho người bạn của anh chuyện ngày xưa…

Một năm sau nữa, vào mùa hoa gạo anh lên đón chị về ở với anh, bạn bè mừng cho chị, khi xuống đò chị nhìn cây hoa gạo mắt đỏ hoe. Đò rời bến xa dần… xa dần… Chị còn nhìn về phía cây hoa gạo như làng quê thu nhỏ trong cuộc đời của chị và biết bao người.

Truyện ngắn: Nguyễn Hữu Dực

Tin cùng chuyên mục