Nghệ sỹ về với bản

- Không hào nhoáng, sôi động như những sân khấu chốn thị thành nhưng sự nhộn nhịp, niềm háo hức đón xem của mỗi khán giả tạo động lực lớn lao cho mỗi ca sỹ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh. Mỗi lần về với bản làng được cất vang lời ca, điệu múa ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước… mang đến những trải nghiệm khác nhau trong sự ấm áp, thân tình của bà con nơi đây.

Niềm vui và sự háo hức của bà con

Tối 15-3, người dân xã Hùng Lợi (Yên Sơn)  được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật do các ca sỹ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn tại nhà văn hóa xã.

Theo thông báo của Ban Tổ chức, chương trình bắt đầu lúc 20h, nhưng chưa tới 19h, bà con đã tập trung rất đông ở sân nhà văn hóa để chờ xem chương trình biểu diễn. Nhiều cụ già dắt theo cháu nhỏ, thanh niên nam nữ cũng rủ nhau tới xem ca nhạc. Một vài tiểu thương tranh thủ bày hàng bán đồ ăn, đồ chơi cho các em nhỏ. Không khí rộn ràng, nô nức phía dưới khán đài chẳng khác nào ngày hội.

Sân khấu rộng lớn với ánh đèn đủ màu sắc rực rỡ, tạo nên một không gian nghệ thuật ấn tượng. Mở màn cho đêm diễn đầu tiên là màn hát múa “Tuyên Quang mùa thu” do tập thể toàn đoàn biểu diễn.

Các ca sỹ tiếp tục đưa khán giả trở lại với đất nước Việt Nam bằng ca khúc “Bản Hùng ca chim lạc”, “Say xuân”, “Việt Nam trong tôi là”, “Việt Nam quê hương tôi”; Tiết mục múa “Gọi trăng” (dân tộc Tày)... Vở kịch ngắn “Cờ bạc là bác thằng bần” đọng lại trong lòng khán giả nhiều suy ngẫm về tác hại tệ nạn cờ bạc đối với xã hội.

Đông đảo người dân ở xã Kim Quan (Yên Sơn) đến xem chương trình của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn.

Chương trình khép lại, mọi người đứng dậy vỗ tay, hò reo. Như muốn níu kéo bước chân người văn công ở lại, một số bà con chạy ùa sau cánh gà: “Cô, chú nhớ quay lại nữa nhé! bà con mong lắm”. Đối với các diễn viên, ca sỹ đó chính là phần thưởng lớn nhất, niềm động viên để tiếp tục cống hiến. Suốt bao năm qua, họ là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa trở thành người bạn gần gũi với bà con dân tộc.

Buổi biểu diễn đem đến không khí vui tươi, những giờ phút thư giãn, thoải mái cho người dân xã nơi đây. Bà Lê Thị Nụ, thôn Làng Chương, xã Hùng Lợi cho biết: “Mỗi lần nghe tiếng loa thông báo chào mừng của Đoàn Nghệ thuật là cả làng từ người già đến trẻ nhỏ háo hức lạ thường. Bữa cơm tối được diễn ra thật nhanh chóng, mọi người tụ tập cùng nhau đến xem...Tiếng cười nói, vỗ tay và có cả những tiếng khóc thút thít sau những màn diễn xúc động...Buổi diễn kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn tận vài ba tháng sau...”.

Từ thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) hai mẹ con chị Ma Thị Lợi cũng đến đón xem chương trình. Chị Lợi cho biết: “Mặc dù hiện nay, gia đình nào cũng có thể xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật qua tivi, máy tính, điện thoại thông minh… song việc được ngồi dưới khán đài xem các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp tạo cho người xem cảm giác sinh động, chân thực”.

Niềm vui với nghề

Trên 2 xe ô tô của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh có đầy đủ những vật dụng cần thiết cho những chuyến đi xa, từ quần áo, trang phục, âm ly, loa đài đến chăn màn, xoong nồi, rau, gạo... Mọi người đã quá quen thuộc với những chuyến lưu diễn như vậy nên việc chuẩn bị diễn ra nhanh gọn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh cho biết, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sân bãi không làm cho tinh thần của anh em nghệ sỹ nản lòng. Chính sự háo hức đón chờ những đêm diễn của bà con đã tiếp thêm tinh thần cho cả Đoàn. Chưa đến giờ diễn đã thấy nhiều người đến xem và giúp Đoàn chuẩn bị sân khấu. Hầu hết mọi người đều cố gắng thu xếp việc gia đình để đi xem. Sau mỗi tiết mục hát, múa, diễn kịch đều nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của bà con.

Các diễn viên ca sỹ Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh mang lời ca tiếng hát đến từng bản làng.

Hàng năm, Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn 120 buổi phục vụ hơn 60.000 lượt người xem. Nghệ sỹ ưu tú Bích Ngần chia sẻ: “Niềm vui của người nghệ sỹ là được các khán giả đón nhận. Chúng tôi được trở về với bà con, được bà con trân trọng, yêu mến, đón nhận đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến với nghề”.

Các tiết mục được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng, nội dung vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; lồng ghép trong đó việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Đối với người dân đồng bào vùng sâu vùng xa trong tỉnh, những buổi biểu diễn nghệ thuật của các diễn viên Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần. Qua đó, giúp bà con có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa lành mạnh, bổ ích, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa người dân khu vực thành thị với nông thôn, miền núi.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục