Nối dài tình yêu với nhạc cụ dân tộc

- Trước sự phát triển của đời sống âm nhạc hiện đại, nhạc cụ dân tộc dần trở nên vắng bóng hơn. Thế nhưng ngay từ thời niên thiếu, chàng trai 9x Nguyễn Đình Thi, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đã theo đuổi niềm đam mê âm nhạc dân tộc. Với anh, dường như âm nhạc dân tộc đã thấm sâu và chảy trong huyết quản… “Ngủ cũng mơ mình chơi nhạc”.

Ăn ngủ cùng nhạc cụ dân tộc

Nói về cơ duyên một người trẻ lựa chọn nhạc cụ dân tộc để lập nghiệp, Đình Thi chia sẻ, vào khoảng năm học lớp 5, lúc đó gia đình hàng xóm mới mua chiếc tivi đen trắng, những lúc rảnh rỗi Thi lại sang xem. Trong một lần xem ti vi, tình cờ thấy phát chương trình hòa tấu nhạc dân tộc, cậu bé ấy như bị cuốn hút đến mê mẩn. “Đó là lần đầu tiên em xem trọn vẹn một chương trình hòa nhạc dân tộc, chứ trước đây chỉ toàn xem phim truyện, nghe nhạc trẻ. Cũng từ hôm đó, những lúc rảnh rỗi là em lại chờ đợi chương trình hòa tấu nhạc dân tộc để xem”, Thi nhớ lại.

Từ thời điểm ấy, ngày ngày sau buổi học ở trường về, Thi lại đi kiếm tre về tự mày mò “chế tác” cho bằng được cây đàn Nhị “giống trong ti vi” để… biểu diễn cho cả nhà xem! “Đây là cây đàn nhị đầu tay của em, nó được làm một đầu bằng ống tre rỗng, cần làm bằng nhánh tre già và dây đàn là loại dây cước được lấy từ những đoạn lưới đánh cá đã bị hỏng”, vừa cười hiền, Thi vừa kể về tác phẩm đầu tay của mình.  

Nguyễn Đình Thi.

Lên lớp 10, Đình Thi được tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp, Đình Thi thi đỗ Khoa Nhạc công, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Nói về kỷ niệm những ngày đầu lựa chọn học âm nhạc dân tộc, đặc biệt là học đàn nhị, Thi nói, ban đầu nhiều người phản đối lắm, thậm chí có người còn bảo, bao nhiêu cái hay như: Ghi ta, Violon, Piano… không học, đi chọn cây đàn đám ma…

Thế nhưng, Thi vẫn quyết tâm theo học bởi “Em đã đam mê nó rồi, nhất quyết phải chơi cho bằng được. Không được cầm đàn thì thấy khó chịu, buồn bã cả ngày. Rảnh rỗi em lại nghe chương trình dân ca nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những làn điệu xẩm, chèo, chầu văn, ca trù đều khiến em yêu thích. Đặc biệt, khi nghe hát xẩm thấy có âm thanh cây đàn Nhị vang lên là tim em cứ rạo rực. Say mê học, say mê thực hành, được thỏa đam mê trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp em thấy cuộc đời mình thật may mắn, hạnh phúc vô cùng” - Thi trải lòng.

Tạo bản sắc riêng từ mỗi nhạc cụ

Sinh ra lớn lên ở Hải Dương, năm 2021, Thi lấy vợ và quyết định lên Tuyên Quang sinh sống làm việc. Với Đình Thi, Tuyên Quang là quê hương thứ hai, là nơi tạo nguồn cảm xúc mạnh mẽ trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Hiện nay Đình Thi đang công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam, nhạc công chuyên biểu diễn đàn Tranh và đàn Nhị.

Theo đuổi bài bản bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong nhịp sống hối hả hiện nay, dẫu gặp không ít khó khăn, song chàng trai trẻ Nguyễn Đình Thi vẫn luôn nhiệt huyết với nghề. Không ngừng nâng cao kỹ thuật nhạc lý, anh đã cùng đồng nghiệp thường xuyên biểu diễn nhiều sự kiện nghệ thuật lớn nhỏ trong nước. Bên cạnh đó, Đình Thi cùng đồng nghiệp tham gia biểu diễn cùng các vở kịch tuồng, chèo…

Đình Thi và các đồng nghiệp thường xuyên biểu diễn tại các cơ sở văn hóa tâm linh trong nước.

Anh chia sẻ, nói đến sân khấu kịch hát dân tộc, không thể bỏ qua vai trò của âm nhạc. Âm nhạc không những nâng đỡ giọng hát diễn viên, mà còn làm sống dậy “phần hồn” của vở diễn. Nhạc công luôn phải là người cảm thụ được toàn bộ kịch bản để thể hiện âm nhạc như thế nào theo đúng cảm xúc diễn viên, đẩy cao trào lên hoặc cho lắng đọng xuống đều dựa vào kỹ thuật và kinh nghiệm của mỗi nhạc công. Mỗi lần biểu diễn được nghe tiếng khán giả vỗ tay, hưởng ứng đó là niềm vui và món quà, động lực lớn để nhạc công nỗ lực hết mình.

Nhiều tiết mục để lại dư âm trong lòng độc giả của tập thể Nhà hát kịch Việt Nam, có sự đóng góp tiếng đàn Nhị, đàn Tranh của nhạc công Đình Thi như: Quan âm thị kính, Bắc Lê đền thiêng, Chuông ngân rừng trúc. Kỷ niệm nhớ nhất của Đình Thi là năm 2023, tại Liên hoan hát chèo toàn quốc diễn ra tại Hòa Bình, anh và đồng nghiệp tham gia vở chèo Hồ Xuân Hương. Đây là vở chèo hay, có sức sống lâu bền nhất, kỳ diệu nhất.

Người xem ngày hôm nay vẫn nhận thấy nhiều giá trị mới mẻ, sâu sắc của vở chèo cả về tư tưởng và nghệ thuật. Rất may mắn anh được sự hỗ trợ của các tiền bối nên đã tự tin thể hiện những giai điệu riêng từ tiếng đàn Nhị. Trước lúc chương trình diễn ra thì lo lắng thế nhưng khi vào biểu diễn thì cảm xúc thăng hoa khiến anh đam mê nghề nhiều hơn.

Anh chia sẻ: “Mỗi nhạc công phải tự tạo bản sắc riêng của mình dựa trên cảm xúc và kỹ năng riêng. Mỗi nhạc cụ sẽ có cách kể chuyện riêng, quan trọng người nhạc công phải luôn không ngừng học tập và sáng tạo để tự mình kể lại câu chuyện bằng âm nhạc, tạo dựng được thương hiệu cho cá nhân”.

Đàn Tranh và đàn Nhị đều là nhạc cụ dân tộc nhưng có những cách thả hồn cảm xúc khác nhau. Điều quan trọng phải có sự tinh tế và trải lòng trên từng ngón đàn. Ngoài tố chất do năng khiếu, đòi hỏi người chơi đàn phải nắm vững những kỹ thuật cơ bản như: Kỹ thuật bàn tay phải, bàn tay trái; kỹ thuật ngón rung, ngón nhấn, ngón nhấn luyến, ngón nhún, ngón vuốt, ngón bịt…

Những năm gần đây nhiều người nhìn thấy hình ảnh chàng trai trẻ thường xuyên chơi đàn Nhị tại các lễ hội ở Tuyên Quang như: Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La… Thần thái của Đình Thi gây ấn tượng với sự chuyên nghiệp và vẻ ngoài thư sinh, nho nhã. Hiện nay, bên cạnh biểu diễn nghệ thuật, Đình Thi cũng nhiệt tình hướng dẫn dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho nhiều người trẻ từ học trực tiếp, hay online.

Anh chia sẻ: “tôi truyền đạt bằng cái tâm của một người vui mừng vì nhiều người có niềm say mê giống mình, cũng không có lên danh sách gì”. Bên cạnh đó, anh còn tích cực học thêm các nghệ nhân trong và ngoài nước. Bởi mỗi nghệ nhân là một người thầy sẽ mang đến cho nhạc công trẻ như anh những kỹ năng, ngón nghề, bí quyết để bản thân tự chắt lọc và rèn luyện. Sự học thì chưa bao giờ là đủ cả”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục