“Anh Tâm vẽ đẹp quá! Anh Tâm mà không đi bộ đội chắc anh Tâm làm họa sĩ nổi tiếng rồi đó”.
Tâm cười hiền đánh nhẹ cây bút lướt trên mặt giấy, đôi chim nhỏ đang đậu trên cành cây hoa sứ dần hiện rõ nét. Từ nhỏ Tâm đã thích vẽ, lúc đi học Tâm cũng được cô giáo khen ngợi có hoa tay, càng lớn nét vẽ của Tâm càng chững chạc và sắc sảo hơn. Nhưng Tâm chỉ vẽ vời cho vui chứ chưa bao giờ mơ ước trở thành họa sĩ. Ước mơ của Tâm là được phục vụ cho cách mạng, được tận hiến cuộc đời cho đất nước. Nhìn thấy đất nước bị giặc ngoại xâm tàn phá, người dân chịu khổ cực đau thương, Tâm luôn mơ ước một ngày sẽ góp phần giúp miền nam hoàn toàn giải phóng, đem lại độc lập cho đất nước.
“Anh Tâm vẽ cho An một đôi chim bồ câu được không?”.
An mím môi chớp mắt nhìn Tâm. Cô hồi hộp chờ đợi cái gật đầu của Tâm.
An và Tâm từng là bạn học chung lớp nhưng Tâm lớn hơn An đến ba tuổi. Lúc đi học Tâm lúc nào cũng giúp đỡ và bảo vệ An. Tình cảm dần lớn lên trong thâm tâm cô gái trẻ nhưng phận đàn bà con gái, cô không dám bày tỏ, chỉ ngượng ngùng cất giấu tình cảm của mình.
“Ừ, An giúp Tâm quan tâm chăm sóc mẹ trong lúc Tâm xa nhà thì việc An muốn có một bức vẽ sao Tâm từ chối được”.
Nhà Tâm đơn chiếc chỉ có mẹ già và Tâm. Cha Tâm đã mất khi Tâm lên tám tuổi trong chiến trường. Sau này khi Tâm đòi đi bộ đội, mẹ Tâm đã khóc rất nhiều nhưng cũng không ngăn cản Tâm một lòng vì nước.
Tâm được ban chỉ huy cho về thăm mẹ mấy ngày vì sau hôm nay sẽ có trận đánh lớn. Tâm không dám nói với mẹ có thể sau trận đánh này Tâm không về nhà được nữa. Trận đánh lần này ác liệt, không ai nói trước được điều gì. Bình an trở về Tâm cũng muốn như bao anh chị khác khi ra chiến trường. Nhưng đã đeo súng trên vai hướng về độc lập dân tộc thì chẳng có gì là chắc chắn cho mạng sống được bảo toàn.
Tâm thoăn thoắt leo lên cây dừa trước nhà hạ hết mấy buồng dừa xuống.
An đứng bên dưới ánh mắt tràn ngập tình cảm nhìn Tâm. Mấy lần An qua nhà Tâm, mẹ Tâm điều bảo chờ Tâm về sẽ hỏi ý rồi sang nhà An hỏi cưới. Những lúc đó An mỉm cười ngượng ngùng trong lòng tràn ngập hạnh phúc. Nhìn mấy buồng dừa lớn nhỏ chất đầy trên sân, An tò mò hỏi Tâm sao lại hạ hết dừa xuống, có buồng còn non nước chưa ngọt mà. Tâm hì hục bảo sợ lúc Tâm không có nhà, trời mưa bão giông gió thì nguy hiểm cho mẹ Tâm và cả An thường xuyên lui tới nhà.
Tâm về mấy ngày việc từ trong ra ngoài đều làm hết. Sửa lại mái nhà có vài chỗ mặt trời cho nắng chạy đến chân mẹ Tâm. Mấy lu nước mưa sau hè cũng được Tâm gánh đầy nước. Củi cũng được Tâm chặt chẽ gọn gàng chất thành đống trong nhà sau.
Hôm nay mẹ Tâm làm món canh chua cá lóc nấu với bông súng, món mà Tâm thích nhất. Tâm ăn liền mấy chén cơm. Trong bữa cơm mẹ Tâm cũng dò hỏi về chuyện tình cảm của Tâm và An. Bà cũng nhìn ra Tâm có ý với An.
“Lần sau con về phép hai mẹ con mình sang nhà An gặp cha mẹ nó bàn chuyện cưới xin được rồi. Con cũng đâu còn nhỏ nữa”.
Tâm đặt nhẹ chén cơm xuống bàn đôi mắt đong đầy tình cảm cùng chất chứa bao nhiêu tâm tư. Tâm nhẹ giọng tâm sự hết suy nghĩ trong lòng mình cho mẹ hiểu. Tâm muốn được làm vợ chồng với An lắm chứ. Nhưng ngày nào đất nước chưa hòa bình độc lập thì Tâm không muốn An phải sống trong nhung nhớ và lo sợ. Tâm đã làm khổ mẹ già thì làm sao dám làm khổ con gái người ta.
***
Tựa lưng vào thân cây to, thả hồn mình vào bức tranh vẽ, Tâm cố gắng chăm chút từng nét vẽ của mình.
“Đồng chí lại vẽ à? Đồng chí không lo lắng gì về trận đánh ngày mai sao?”.
Tâm ngước mắt nhìn lên người đang đến gần rồi ngồi xuống bên cạnh mình. Là anh Dũng đồng đội của Tâm. Tâm xem anh như người thân, vì từ lúc Tâm mới vào chính anh là người hướng dẫn và chỉ dạy cho Tâm rất nhiều. Có vài trận đánh Tâm bị thương nặng, tưởng chừng sắp vùi thây bên dưới những tán rừng. Anh Dũng là người đã không bỏ rơi Tâm lại, mặc cho bom đạn thay phiên nổ xung quanh tai, anh vẫn cõng Tâm lên vai và đưa Tâm cùng trở về. Các đồng đội khác cũng quan tâm lo lắng cho Tâm nhưng thân thiết chia sẻ buồn vui với Tâm nhiều nhất chỉ có anh Dũng.
“Em lo lắng nên em mới vẽ đó chứ”. Tâm cười trả lời thật lòng.
Dũng ngó bức tranh của Tâm rồi cười lớn sau đó vỗ vai cậu.
“Vẽ cho bạn gái đúng không? Con bồ câu mái này đồng chí vẽ tỉ mỉ quá đấy”.
Tâm sững sờ rồi ngượng chín mặt. Anh không ngờ anh Dũng lại nhạy bén và tinh ý như thế. Chỉ một bức tranh chưa hoàn thiện cũng đoán được tâm tình của anh.
Thái độ của Tâm làm Dũng càng được phen cười run người. Dũng lớn hơn Tâm gần một con giáp, gia đình Dũng bốn người đều đi cách mạng hết, em trai Dũng cũng tầm tuổi Tâm nhưng đi cách mạng lúc vừa tròn mười bảy rồi cũng nằm lại nơi chiến trường chỉ vừa độ tuổi hai mươi. Dũng xem Tâm như em trai ruột mà đối đãi, Tâm cũng hiền và khờ dại như em trai Dũng nên Dũng càng thương.
“Đồng chí có viết thư cho mẹ chưa hay chỉ tập trung vẽ tranh cho người trong lòng mà quên luôn mẹ già”.
Dũng trêu chọc Tâm nhưng cũng ngầm quan tâm nhắc nhở cậu không được quên đấng sinh thành. Bất kể người mẹ nào có con đi bộ đội cũng già cỗi thêm vài tuổi vì lo lắng bất an, vì trông ngóng ngày con bình an trở về.
Tâm xếp gọn bức tranh cất vào túi áo. Rồi lại mò mẫm trong túi áo khác một tờ giấy đã viết kín chữ đưa đến trước mặt Dũng.
“Em viết rồi, không lần nào ra chiến trường mà em không viết thư cho mẹ. Lần này đánh lớn nên em viết hơi nhiều”.
Tâm gãi đầu khi Dũng nhận lá thư từ tay Tâm.
Dũng không đọc chỉ gấp gọn lại rồi cũng bỏ vào túi áo của mình. Mấy lần Tâm gửi thư về nhà đều nhờ Dũng giúp. Dũng sẽ nhờ mấy đồng chí giao liên gửi thư đến tận tay mẹ Tâm. Dũng cũng từng ghé qua nhà Tâm, biết hoàn cảnh nhà Tâm đơn chiếc mẹ góa con côi nên anh càng thương. Anh còn nhớ rõ lần chuẩn bị rời khỏi nhà Tâm. Mẹ Tâm đôi mắt rưng rưng dúi vào tay anh mấy đòn bánh tét, vài chục bánh lá dừa vẫn còn ấm nóng. Bà bảo anh mang về cho đồng đội cùng ăn, rồi bà còn đặc biệt gửi riêng cho Tâm đòn bánh tét không nhân. Bà nói Tâm có sở thích kỳ lạ chỉ thích ăn bánh tét không có nhân. Bà vừa nhắc đến Tâm là nước mắt lại trực trào. Ở nhà Tâm một ngày, Dũng cảm nhận rõ ràng sự nhớ thương của người mẹ dành cho người con trai duy nhất. Những bức tranh của Tâm vẽ cũng được bà cất kỹ thỉnh thoảng có người ghé thăm lại đem ra khoe. Đủ thấy niềm tự hào của bà dành cho Tâm nhiều thế nào.
Dũng vỗ vai Tâm rồi trấn an.
“Chúng ta sẽ giành được độc lập, đồng chí sẽ về nhà với mẹ sớm thôi”.
***
Ngày 30 tháng 4 khi khắp nơi đang ăn mừng chiến thắng, cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp nẻo đường bầu trời miền Nam thì trong căn nhà mái lá lụp xụp, một người phụ nữ đang ngồi thẫn thờ trước di ảnh. Trên tay bà đang nắm chặt lá thư.
Nụ cười của chàng trai trẻ được vẽ đầy sắc nét và vô cùng giống người thật, đó là bức tranh chân dung Tâm đã tự họa chính mình. Trong lá thư cuối cùng gửi về cho mẹ, Tâm cũng bảo rằng nếu lần này mình không về được nữa thì bà hãy lấy bức tranh chân dung của cậu mà làm ảnh thờ. Lời nói đau lòng như một lời tiên báo trước cho sự ra đi của chàng bộ đội trẻ yêu nước.
Ngoài đường có cô gái nhỏ hì hục vui vẻ chạy vào nhà Tâm, vừa đến cổng rào giọng cô đã vang dội.
“Anh Tâm ơi! Anh về nhà chưa? Anh có mang bức tranh đã hứa vẽ về cho em không?”.
An chầm chậm tiến vào nhà trong lòng tràn ngập sự mong đợi. Tin thắng trận ở chiến trường gửi về cô mừng rỡ đến nhảy cẫng lên rồi vội vàng sắp xếp công việc chạy sang nhà Tâm để tìm anh. Hòa bình rồi chắc chắn anh cũng đã trở về. Thế nhưng vừa bước chân đến cửa, nhìn thấy mẹ Tâm đang ngồi bất động trước bàn thờ cô sững người lại. Trên bàn thờ ngoài di ảnh của người đàn ông đã được đặt trước đó còn có thêm bức họa của chàng trai trẻ, chàng trai mà An đang mong chờ gặp mặt.
Mẹ Tâm bước đến gần An, lấy từ trong túi áo ra bức tranh mà trong thư Tâm đã nhờ bà đưa tận tay An.
An run rẩy nhận lấy, trên tay cô bây giờ chính là bức tranh đôi chim bồ câu mà An đã nhờ Tâm vẽ. Những đốm nhỏ màu đỏ nhòe đi trên bức tranh làm lòng An đau thắt lại. An đặt bức tranh lên ngực rồi ngước nhìn lên di ảnh khẽ thì thầm.
“Giải phóng rồi sao anh không về đưa tận tay bức tranh cho em. Bức tranh lem màu rồi anh về vẽ tranh khác cho em đi”.
Gửi phản hồi
In bài viết