Nghịch lý thừa - thiếu
Ở tuổi 50, nghệ sĩ Nguyễn Quế Mai vẫn miệt mài tập luyện cùng dàn diễn viên múa của đoàn. Vào đoàn công tác khi tuổi vừa đôi mươi, miệt mài tập luyện, biểu diễn hết mình trên sân khấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao và phục vụ khán giả. Tuy nhiên, với đặc điểm và đòi hỏi có phần khắc nghiệt của môi trường nghệ thuật, nên chỉ khoảng 30 tuổi diễn viên múa được coi đã hết tuổi. Tuổi nghề là thế, nhưng vì nhóm diễn viên múa của đoàn chỉ có 10 người, có chương trình phục vụ, chị Mai vẫn phải lên sân khấu, cùng các em, các cháu hết mình dưới ánh đèn.
Ở Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, những người như chị Mai không phải là hiếm. Trong danh sách 41 viên chức người lao động chia theo độ tuổi của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, số lượng diễn viên ở độ tuổi dưới 30 chỉ có 3 người; độ tuổi từ 30 đến 35 có 8 người; trong khi đó, độ tuổi từ 50 trở lên là 12 người, còn lại là từ 36 đến dưới 50 tuổi.
Loại hình nghệ thuật chèo ở Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh hiện cũng đang thiếu trầm trọng diễn viên trẻ. 5 diễn viên chèo trong biên chế, không có ai ở độ tuổi dưới 40, người trẻ nhất sinh năm 1978, còn lại đều đã ở độ tuổi ngoài 50. Hơn chục năm nay, loại hình này không tuyển dụng được thêm diễn viên trẻ nào về công tác. Anh Đỗ Vĩnh Thuận, Trưởng phòng Nghệ thuật biểu diễn, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh không khỏi bồi hồi khi nhắc lại những vở chèo từng gắn với tên tuổi của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, như Tiếng sáo rừng xanh, Nàng Ba công chúa, Nỗi đau tình mẹ, Hoa khôi dạy chồng, Mối tình sơn cước...
Một tiết mục biểu diễn của các diễn viên trẻ Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh.
Đặc biệt, năm 2013, vở diễn Nắng quái chiều hôm tham gia cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu chèo toàn quốc tại Hải Phòng và giành Huy chương Bạc. Tuy nhiên, do lực lượng diễn viên ngày càng ít, độ tuổi của dàn diễn viên cũng ngày càng cao, từ năm 2013 trở lại đây, các vở chèo gần như không được dựng thành vở (với thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ) mà chủ yếu dựng lại các trích đoạn, tiểu phẩm (độ dài mỗi trích đoạn chỉ khoảng 25 - 30 phút). Như mới đây, tiểu phẩm chèo Cá mè đè cá chép do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh dựng gần như phải huy động toàn bộ dàn diễn viên ở cả các loại hình khác như múa, thanh nhạc... để cùng đóng vai quần chúng.
Khó thu hút diễn viên trẻ
Tháng 6 - 2023, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Nguyễn Xuân Khang dự 2 lớp tốt nghiệp chuyên ngành múa và thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, để vừa học tập, trao đổi kinh nghiệm, vừa tranh thủ cơ hội thu hút các diễn viên trẻ về công tác tại Tuyên Quang. Tuy nhiên, mục tiêu này thất bại do không cạnh tranh được với các đoàn nghệ thuật từ các địa phương khác, từ trong Nam đến ngoài Bắc "săn đầu người" ngay tại buổi lễ tốt nghiệp này.
Trong biên chế 41 người của đoàn, chỉ có 32 diễn viên của các loại hình, còn lại là các công việc hậu cần. Theo lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, 2 loại hình nghệ thuật hiện đang thiếu diễn viên trầm trọng là múa và thanh nhạc. Trong đó, diễn viên múa đang thiếu trầm trọng diễn viên nam khi cả đoàn chỉ có 2 diễn viên múa nam, thanh nhạc lại thiếu trầm trọng diễn viên nữ, khi chỉ có 2 diễn viên thanh nhạc nữ.
Việc tuyển dụng diễn viên cũng không hề dễ dàng, khi năm 2022, biên chế cần tuyển dụng của đoàn là 3 người, thì chỉ tuyển dụng được 2 người. Năm 2023, đoàn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng thêm 3 diễn viên, nhưng nỗi lo không tuyển dụng đủ vẫn thường trực với lãnh đạo đoàn, khi một số diễn viên hợp đồng trước đây làm việc tại đoàn đều đã chuyển sang làm các công việc khác không liên quan đến nghệ thuật và không có nhu cầu quay trở lại nghệ thuật. Trong khi số lượng diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp mới ra trường lại không mặn mà quay về địa phương.
Việc thiếu vắng lực lượng kế cận cho sân khấu đã và đang là "bài toán" khó chưa tìm ra lời giải trong nhiều năm qua của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh. Thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không thiếu những người trẻ tài năng, có thanh, có sắc, song để kéo họ về đầu quân cho địa phương là việc tương đối khó, khi ngoài chế độ lương, các chế độ đãi ngộ khác của tỉnh gần như không so sánh được với các địa phương phát triển, chưa nói đến việc có thể kiếm thêm thu nhập từ việc biểu diễn bên ngoài.
Theo Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Nguyễn Xuân Khang, giải pháp tình thế hiện nay của đơn vị là mời cộng tác viên khi có các chương trình biểu diễn lớn, cần số lượng diễn viên nhiều hơn số thực tế tại đoàn, tuy nhiên, theo ông Khang, đây chỉ là giải pháp tình thế. Việc thuê cộng tác viên cũng hạn chế phần nào chất lượng các chương trình biểu diễn của đoàn, vì trên thực tế, để đào tạo được một diễn viên chuyên nghiệp, phải mất thời gian có khi hàng chục năm trời. Trong khi dàn dựng các chương trình có thuê cộng tác viên, cũng phải tính đến trình độ cộng tác viên để dàn dựng.
Bài toán thu hút diễn viên trẻ về các đoàn nghệ thuật tỉnh đang là bài toán khó với nhiều địa phương, bao gồm cả Tuyên Quang. Trong khi chờ một cơ chế đặc thù của ngành Văn hóa, để giải quyết triệt để từ khâu tuyển sinh, đào tạo cho tới những chế độ, chính sách đặc thù để diễn viên có thể sống được bằng nghề, yên tâm dồn toàn lực cống hiến và tiếp tục nối dài những di sản nghệ thuật mà cha ông để lại, thì những diễn viên của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh vẫn miệt mài đỏ đèn, với nhiệm vụ hoàn thành 120 buổi biểu diễn phục vụ Nhân dân các địa phương trong năm và các chương trình lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, dẫu nhiều diễn viên, mái đầu đã bạc, hay nếp nhăn đã được che vội dưới lớp phấn son của nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết