Quê nhà ấm áp

Ngày Tết thanh minh bố con tôi lễ lạt về quê tảo mộ tổ tiên, ông bà. Việc đâu vào đấy, con tôi bảo, lúc thắp nhang, con thấy chỗ mộ ông nội nén nhang nhòe lửa, bên tai con như vẳng lời ông nội: “Xong việc bố con xuống thăm bà cô chúng mày một tý…”. Nghe thằng con nói, hư thực chả tỏ nhưng tôi nhớ ngay đến bà cô họ, con bá con dì với cha tôi (cô Lạc), mấy anh em của cô đều dắt nhau về tổ tiên cả rồi, chỉ còn một mình cô. Lại nghe cô mới bị đột quỵ, không nói được nữa. Thế là bố con tôi lặn lội đến nhà cô. Trời cũng gần đứng bóng buổi trưa rồi, con đường đến nhà cô chạy dọc bờ Lô đã được rải đá nhẵn phẳng. Đến ngã ba núi Lão thì lối vào nhà cô nhỏ hơn nhưng cũng đã được bê tông hóa. Bố con tôi phóng xe một mạch đến tận cổng.

Ngôi nhà của cô vẫn im lặng dưới bóng trưa. Cái sân gạch cổ còn nguyên vẹn, cây mít chái nhà đã cổ thụ, sum xuê, chỉ khác ngôi nhà đã được xây cấp bốn lợp mái ngói đỏ au. Cửa mở, bố con tôi bước vào, cô ngồi một mình trên cái giường cá nhân nhìn ra. Nhận ra tôi, cô chỉ cười rồi vẫy tay như bảo: Ngồi lại đây. Bố con tôi rén ngồi xuống cạnh cô. Cô cười rồi cứ thế xoa lên vai tôi, lên đầu thằng con giai tôi, nước từ hai khóe mắt cô dòng dòng!... Nhìn cô, lòng tôi nghèn nghẹn, ký ức từ những năm bẩy mươi thế kỷ trước lại hiện về. Ấy là ngày tôi nhập ngũ, năm ấy nước ngập to, tôi lọt trong cái thuyền thúng bơi qua chằm Mung đến chào cô. Cô đang ngồi cho cái Hinh bú. Thấy tôi, cô nghẹn ngào. Biết cháu đi bộ đội, nhưng em mày bé quá chả đến được, chú mày thì suốt ngày ngoài ủy ban, cô phàn nàn rồi bảo.

- Ở đây ăn bữa cơm với cô, đi thời loạn lạc biết bao giờ về. Tôi lắc đầu.

- Mai cháu đi rồi, phải đoảng mỗi nơi một tý chứ. Hôm nào về phép cháu ở ăn cơm…

- Ờ, đành thế vậy, nói rồi cô mở bao đưa cho tôi tờ hai đồng màu xanh. Giọng cô vẫn nghẹn nghẹn. Cô nghèo, em lại còn bé. Cháu cầm đi uống nước. Tôi lặng nhìn cô không nỡ từ chối. Bỏ hai đồng bạc vào túi, tôi leo vào cái thuyền thúng bơi đi. Cô ngó nhìn theo!...

Tôi đi, đời trận mạc ngược bắc, xuôi nam, may còn sống sót. Sau năm bẩy lăm tôi về, cũng như bao người lính sống sót khác, lấy vợ, làm nhà. Ngày ra ở riêng cô lếch thếch mang đến cho đôi gà. Cô bảo để gây vốn, giống gà tè chân ngắn nhưng đẻ sai lắm. Rồi ngày tôi rời làng ra phố, cô cũng lếch thếch xách mấy cân gạo đến, giọng vẫn ngậm ngùi. Cô chỉ có thế này thôi, đừng chối, cô buồn. Rồi cô quệt tay ngang mắt.

Minh họa: Bích Ngọc

Từ ấy tôi ít về làng nhưng hình ảnh cô vẫn luôn đầm ấm trong lòng. Giờ về ngồi bên cạnh cô, cô đã thành bà lão ngót chín mươi, lại bệnh tật chả nói được. Cô cứ nắm bàn tay hai bố con tôi lúc cười, lúc khóc. Nỗi niềm cô làm lòng tôi như tơ vò. Thằng con giai tôi hý hoáy mở túi lấy quà cho cô thì cái Hinh, đứa em ngày tôi nhập ngũ nó còn bú mẹ đi làm về reo toáng.

- Ôi! Anh Phương, cháu Nam…

- Cô vẫn nhớ tên anh…

- Gớm, chỉ có anh và cháu quên thôi, mấy chục năm mới mò về, may bà còn sống.

- Ờ, thế cô đi làm gì mà giờ mới về, để bà chết đói à!

- Đói sao được, cháo em ủ nhừ trong nồi, giờ chỉ lấy cho bà ăn thôi, còn mẹ con em lo gì, bếp ga tý là xong. Vừa nói nó vừa xòa bàn tay vào vòi nước, rồi lấy bát múc cháo cho mẹ. Việc đâu vào đó nó xuống bếp bê lên một rổ ốc luộc còn thơm phức mùi lá bưởi. Thấy đặc sản, mắt tôi sáng lên, lúc ấy mấy đứa cháu cũng đi học về. Giọng Hinh vui vẻ. Bác Phương, anh Nam nhà mình đấy, gớm ghiếc, anh em bề trên cấp dưới mà các cháu sắp lấy vợ, gả chồng rồi mới biết mặt, thôi ngồi vào bàn đi, thứ này ngoài phố đâu sẵn… Thế là cả nhà quây vào quanh rổ ốc. Chuyện cũng ran ran. Tôi bảo:

 - Ốc chằm Mung à?

- Vâng, mấy năm nay thông thủy chằm lại có cá, có cua nhưng không nhiều như ngày xưa đâu. Phần của nhà ai, tự đắp bờ giữ nước mới có. Nhà nông mỗi thứ một tý là đỡ mất tiền ra chợ, bữa ăm cũng đặm chất…

- Ờ, thế này là sướng rồi, rổ này ngoài phố hàng trăm ngàn đấy. Đặc sản mà…

- Phố xá cái gì chả đặc sản, đây coi như rau cỏ, để cải thiện bữa thôi anh ạ, nông dân mà. Chưa thoát được tự cung tự cấp đâu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm… Hinh chép miệng.

- Vậy là vẫn thiếu túng?

- Vâng, thiếu thì không thiếu nhưng túng thì vẫn bám quanh. Nông thôn bây giờ không còn ai đói đứt bữa như ngày xưa nhưng đồng tiền thì eo ắt lắm. Các cháu đi học đóng góp đủ bề lại đình đám đủ thứ nên ai cũng phải đầu tắt mặt tối để kiếm tiền mà kiếm tiền ở quê dễ đâu. Chăn nuôi lúc được thì ế, bị ép giá, lúc dịch bệnh còn mất trắng, trồng màu, trồng cây ăn quả cũng vậy, nhà em đây mùa thanh long, mùa bưởi ế hàng đống, đành bán rẻ nhưng vẫn phải chăm, phá đi chưa tìm được giống thay thế, đành kẽo kẹt kiểu như đánh bạc vậy. Trồng rừng có quả đồi thì vẫn bài ca cây keo, dăm ba năm thu một lần, đồi lại trơ đất, lại hỳ hũi chăm chờ cây lớn, thôi thì… em đang định đánh bạo bỏ keo trồng cây đại thụ như lim, lát… lâu một tý nhưng thu nhập lớn hơn, lại có rừng đại thụ…

- Có lý đấy cô ạ, phải tính cái trước mắt và cái lâu dài thì mới ổn, ăn sổi mãi thoát sao cảnh nghèo. Nông dân cần ổn định cô ạ. Ổn định thì mới tính chuyện làm giàu được.

 - Vâng, em cũng nghĩ vậy, nghĩ vậy nên em không bao giờ bỏ lỡ ruộng đất. Bẩy tám sào ruộng vẫn là con át chủ bài của cả nhà, lơ đãng là không có hạt gạo. Nông dân mà thiếu hạt gạo ăn tính chuyện khác sao được. Ruộng soi nhà em xong lúa lại ngô khoai không lúc nào rậm cỏ…

- Ờ, chả thế mà cô cứ quần xắn móng lợn…

- Vâng, em vừa xong cỏ rả cho lúa, giờ mẹ con đang đưa cây lên đồi, nhà nông có mấy khi ngồi không. Đấy, xong cây là mẹ con lại đi làm thuê, kiếm thêm đồng tiền cho các cháu ăn học…

- Làm gì?

- Đủ nghề anh ạ. Phụ vữa cho thầu xây dựng, gái lớn nhà em học xong trung học không thoát ly nhà nước, ở nhà giúp em ruộng đồng, xong việc đi công ty kiếm thêm. May có anh Thái mới mở cái công ty bao bì, tay nghề thạo cũng kiếm được răm triệu một tháng, con bé nhà em mới tập làm tháng cũng được vài ba triệu, thêm thắt vào làm vốn cho thằng cháu út ít theo hết đại học. Hết đại học lại còn lo việc làm, nghe bảo xin việc làm giờ khó, không có tiền vào sao được nên phải cố anh ạ.

- Ờ, sự thật là thế nhưng mình giỏi, có kiến thức thi vẫn đậu mà. Thôi cứ học đã, việc đó tính sau cô ạ… tôi động viên.

- Vâng. Vậy thế em phải cố, suốt ngày quần xắn móng lợn thế này đấy. Thôi, chả mấy khi anh và cháu về, ở lại ăn cơm với nhà em cho bà vui.

- Ờ, biết vậy, như mà trên lão Cành làm cơm rồi, ở lão ấy lại trách, từ ngày vợ lão mất, các cháu đi lấy chồng, lão lủi thủi một mình, tội lắm. Để dịp khác anh về nhé…

- Vâng! Đành vậy vừa nói cô vừa tất tả chạy ra chỗ vòi nước, một lát bê vào một rành ốc, cô đổ lọn vào cái bao tải. Anh mang về làm quà nhé.

- Thôi, để…

- Để đác gì, đặc sản mà. Hết lại ra ruộng mò, có thiếu đâu. Anh và cháu còn cho bà bao nhiêu thứ thôi.

-  Vậy là có đi, có lại à!

- Không phải thế. Vừa nói Hinh vừa bê cái tải bỏ lên xe. Bố con tôi lại ngồi chỗ bà cô, Bà cứ xoa hai bàn tay lên vai tôi, rồi lên đầu thằng con tôi, bà cười nhưng chả hiểu sao hai khóe mắt bà õng nước. Nhìn bà, bố con tôi cùng quệt tay ngang mắt. Trong lòng tôi tự nhiên lại đầy lên mênh mông và hình ảnh ngày tôi bơi cái thuyền thúng đến chào cô lên đường nhập ngũ, cô bế cái Hinh dúi vào tôi tờ giấy bạc hai đồng mắt cũng õng nước như thế này! Thoắt đấy đã hơn năm mươi năm giời vậy mà trong mắt cô tôi vẫn là thằng bé. Thế mới thấu lòng cô bao la, tình quê ấm áp thật.

Truyện ngắn: Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục