Tái hiện sinh động sự kiện lịch sử
Cuốn Tiểu thuyết “Rừng Việt Bắc” gồm 15 chương, 246 trang đã tái hiện sống động thời khắc lịch sử cách mạng Việt Nam vừa hùng tráng, vừa trữ tình vào giai đoạn từ cuối năm 1944 đến tháng 9-1945 tại một số địa điểm Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội. Trong đó có sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc là khai sinh ra đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và sự kiện khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tuyến nhân vật phía Việt Nam gồm những nhân vật lịch sử và nhân vật hư cấu văn học. Lúc đó, anh Đức Cường và hầu hết các anh đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đang tuổi xuân đôi mươi. Anh Đàm Quang Trung 24 tuổi. Anh Hoàng Văn Thái và anh Hoàng Sâm đều 30 tuổi. Anh Võ Nguyên Giáp 34 tuổi. Lãnh tụ Hồ Chí Minh khi ấy 55 tuổi. Em thiếu niên Páo và em Hoàng Bình - giao liên của Việt Minh 13 tuổi. Tuyến nhân vật phía Đồng minh gồm một số thành viên tổ chức tình báo OSS, các thành viên nhóm “Con Nai” đều đang tuổi thanh niên;...
Nhà văn Lê Toán (đội mũ) cùng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh thăm di tích Lán Nà Nưa khu căn cứ địa Tân Trào, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh làm việc chỉ đạo cách mạng từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945.
Bằng bút pháp linh hoạt tác giả đã thổi hồn của cuộc sống, của văn học vào các nhân vật và sự kiện lịch sử, làm cho các nhân vật và sự kiện lịch sử tất cả như đang hiển hiện, trẻ trung, bất diệt cùng thế giới đương đại.
Với thế mạnh bút pháp về ngôn từ, cách hành văn trong sáng giàu hình ảnh, ngôn ngữ bay bổng trong miêu tả tâm trạng con người và cảnh sắc thiên nhiên, nhà văn Lê Toán đã làm mới các dữ kiện lịch sử tưởng như khô khan bằng cách thể hiện riêng của mình.
Cuốn sách cũng đặc biệt ưu ái cho đối tượng thiếu nhi. Nhân vật xuất hiện đầu của tác phẩm cũng là thiếu nhi, được nhà văn sử dụng bút pháp giả tưởng được chấp nhận và đi vào lòng bạn đọc. Đây cũng là thế mạnh của nhà văn Lê Toán, nó làm cho mềm đi, gần gũi với độc giả hơn.
Nhiều tư liệu quý về Bác Hồ
Viết về một hình tượng mang tầm huyền thoại không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới là thách thức rất lớn đối với nhà văn. Tác giả đã vượt qua cánh cửa thách thức ấy bằng chìa khóa sinh động hóa hiện thực. Trong suốt 15 chương của cuốn tiểu thuyết, nhân vật anh Văn Ba (Bác Hồ) khi ở nước ngoài, và Lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người ở và làm việc tại Tân Trào được tác giả kể lại sinh động.
Người thanh niên Văn Ba với hoài bão lớn lao, nung nấu một ý chí quyết tâm cháy bỏng giành tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc đã khơi gợi, bùng cháy lên trong lòng thầy giáo Hà Nội tình yêu Tổ quốc, để thầy giáo tiếp tục theo chân anh Văn Ba đi trên con đường mà anh đã chọn.
Đọc tác phẩm cho chúng ta cảm nhận rõ sự giản dị, đời thường mà vĩ đại của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, cũng như Người đã được tiếp xúc và trở thành bạn hữu của những người nổi tiếng nước Mỹ. Những chi tiết như hình ảnh thiếu tá Tômát và nhóm tình báo OSS gặp Lãnh tụ Hồ Chí Minh và cảm nhận được những điều giản dị lẫn phi thường trong nhân cách của Người.
Giáo viên, học sinh trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh giới thiệu tiểu thuyết Rừng Việt Bắc với sự sống động của Căn cứ địa Tân Trào 1945.
Tài ngoại giao của Lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện qua bữa tiệc chiêu đãi nhóm tình báo Mỹ bữa tiệc đồng quê tại khu rừng Nà Nưa, Người đã cho căng khẩu hiệu bằng tiếng Anh trên ngọn tre “Chào mừng những người bạn Mỹ của chúng ta” khiến các thành viên nhóm Con Nai cùng các thành viên nhóm OSS phải kinh ngạc. Hay việc Mỹ cử các sĩ quan tình báo tinh nhuệ cùng Việt Minh kháng Nhật và Lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập Đại đội “Bộ đội Việt - Mỹ”. Mỹ cũng đã cung cấp rất nhiều vũ khí, lương thực, thuốc men... cho Việt Minh qua sân bay Lũng Cò...
Nhà văn đã nhìn nhận và khai thác mọi vấn đề trong chiều sâu mới, chân thực, toàn diện, khách quan hơn. Không chỉ hướng tới những vấn đề có ý nghĩa lớn lao như lịch sử, tác giả còn quan tâm nhiều hơn đến từng biểu hiện chân thực, sinh động của thế giới nội tâm các nhân vật. Các dữ liệu lịch sử đã được tác giả khéo léo lồng ghép vào trong tuyến các nhân vật giúp cho độc giả hiểu được các sự kiện lịch sử diễn ra mà không cảm thấy khô khan.
Đặc biệt chương 15 của tác phẩm với tựa đề “Cuộc hội ngộ kỳ lạ” là sự vận dụng bút pháp giả tưởng để làm sống lại những trái tim, những con người, những nhân chứng lịch sử tại căn cứ địa năm xưa. Những tình cảm về tình yêu, lòng kính trọng của nhóm Con Nai, của các thành viên tình báo OSS với Lãnh tụ Hồ Chí Minh, với chỉ huy lực lượng Việt Minh Võ Nguyên Giáp và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam và Mỹ đã kết trái hòa bình năm 1945.
Cuốn tiểu thuyết Rừng Việt Bắc của Nhà Văn Lê Toán.
Nhà văn Dương Hướng là một trong những người đọc tác phẩm này đầu tiên khi tác phẩm còn ở dạng bản thảo chia sẻ về tác phẩm: Đọc tác phẩm mới thấy được tình cảm của nhà văn dành cho tác phẩm vô cùng tâm huyết, thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của một nhà văn với thời đại mà mình đang sống, trách nhiệm với lịch sử để thế hệ đang sống nhận ra được những điều quý giá của thời khắc lịch sử, hoàn cảnh cách mạng khi đó. Góc nhìn của nhà văn khiến lớp trẻ bây giờ cảm nhận được sự kiện gần gũi hơn, sống động hơn và hiện thực hơn.
Trung tướng Dương Đình Thông, Phó Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 1 khi đọc xong cuốn tiểu thuyết “Rừng Việt Bắc” cũng đã nói: Cảm ơn tác giả đã cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu 1 những tư liệu lịch sử lần đầu tiên biết được. Lịch sử cách mạng được chuyển hóa thành tác phẩm văn học sẽ có nhiều người đọc và thấm lịch sử vào trái tim, trở thành tình cảm cháy bỏng ở mỗi con người nhiều thế hệ.
Đề tài viết về lịch sử cách mạng không nhiều, trực tiếp về căn cứ cách mạng lại càng thiếu vắng. Có lẽ vậy mà nhà văn Lê Toán trở thành một trong số ít nhà văn khắc họa đề tài lịch sử trực diện. Cuốn sách ra đời và đến với đông đảo độc giả như một cầu nối của lịch sử với hiện tại và tương lai, để thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn và phát huy truyền thống hào hùng đó.
Gửi phản hồi
In bài viết