Minh họa: Bích Ngọc
Tháng Tư trời xanh thẳm, nắng vàng như lửa đốt. Trong vườn, nắng len vào tán cây chiếu xuống mặt đất lấp lánh. Thường lệ ông Bảy sẽ ngân vài câu vọng cổ rồi ngủ thiếp đi. Nhưng hôm nay, tâm trí ông cứ tự hỏi: “Khi nào bà Tư mới về, ngộ lỡ bà vẫn nhớ lời hứa năm đó thì tính sao?”.
Nắng làm ánh lên từng dải thanh long xanh mướt, điểm những trái chín đỏ mọng như hoa trên cành. Những con đường đổ nhựa thênh thang nối liền các ấp, nhà cao tầng mọc lên ngày thêm nhiều, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Dấu tích của thời đạn bom có lẽ đã nằm sâu trong ký ức. Đang trầm ngâm với bao suy nghĩ, tiếng hỏi của thằng Tũn làm ông Bảy giật mình: “Ông Bảy ơi! Con vừa xem ti vi, ngày trước chiến tranh khốc liệt lắm hả ông?”. Ông Bảy thở dài nhìn Tũn: “Ờ, chiến tranh mà con, đau thương lắm!”.
“Ủa, mà chiến tranh chi cho khổ vậy ông?”.
Đôi mắt Tũn vẻ tò mò. Ông Bảy nhìn nó cười rồi mắng yêu: “Thằng nhỏ này hỏi lắm quá, lớn chút nữa ông kể mày nghe. Giờ về ngủ đi, kẻo má la nhen”. Thằng Tũn lanh lẹn ra về, còn lòng ông Bảy lại bâng khuâng nhớ về cái thờ xa lắc xa lơ. Hồi nhỏ có lần chứng kiến những hành động dã man của quân xâm lược, ông đã từng mếu máo hỏi: “Ba ơi, họ nói chúng ta sinh ra đã là nô lệ vì chúng ta là kẻ yếu, ông trời đã quyết định sẵn số phận của ta rồi phải không ba?”. Khi ấy, ba cười bảo: “Bậy nào, ai bảo vậy. Số phận của mình do mình quyết định, không có ông trời nào mà định sẵn được. Con nít phải chuyên tâm học hành, cấm có hỏi nhiều!”.
Thế rồi, cái tuổi con nít cũng nhanh chóng quá đi, 17 tuổi Bảy nhanh chóng trổ mã cao lớn, đã thế lại được cái chịu thương chịu khó, làm gì cũng lanh lẹn, tháo vát, ai cũng hết lòng khen ngợi. Nhưng chỉ riêng việc học là cứ bị chê hoài, học hết lớp 7 ông nghỉ học ở nhà làm nông. Mỗi bận đi làm, lại được gần nhỏ Tư, khi ấy ông Bảy cứ thấy trái tim trong lồng ngực mình đập rộn ràng. Nhỏ Tư gần nhà đang tuổi trăng tròn, đôi má cứ hây hây hồng, cặp mắt trong veo như sương mai, giọng nói nhẹ nhàng thánh thót. Tóm lại là Tư đẹp mê hồn, không chỉ Bảy mê Tư đâu, mà có nhiều người cũng thích Tư.
Nhiều khi thấy những trai khác tán tỉnh Tư nghĩ mà tức. Con gái gì đâu đã hát hay rồi lại gặp ai cũng toét cái miệng ra cười. Chao ôi, làm người khác thấy khó chịu đến phát điên. Nhưng coi bộ muốn gần Tư để nói chuyện thân mật hơn thì xem ra không dễ. Nhiều lúc, Bảy ước phải chi mà mình cũng biết đàn, biết hát để có thể đứng cạnh Tư mỗi khi ấp có liên hoan văn nghệ. Thôi thì tìm cớ khác để gần vậy. Những khi làm đồng cố gắng làm vẻ giúp đỡ rồi lân la hỏi chuyện, mà cũng không ăn thua. Tư cứ tỏ vẻ ngại ngùng lảng tránh.
Có hôm tình cờ Bảy bắt gặp nhỏ Tư đang vui vẻ chuyện trò với một nam thanh niên cao ráo, ăn mặc bảnh bao mà lòng hậm hực. Rõ rồi, vì Tư đã có người trong lòng rồi nên mới lạnh lùng với mình như vậy. Gã đó là tay Sáu ở ấp bên, chừng nếu Bảy đẹp được năm phần thì cỡ Sáu phải đến mươi phần. Hơn thế Sáu còn dẻo mỏ, lại hát hay và biết chơi đàn, con gái vùng này ai mà không mê cho được. Ngặt nỗi Sáu có vẻ đào hoa, đâu có chung tình được như Bảy đây. Bảy tự động viên mình vậy thôi, chứ trong lòng thấy tự ti
“Tư này, Tư yêu thằng Sáu hả, thằng đó đào hoa lắm đó nha, yêu nó coi chừng khổ!” - Bảy cười nhạt nói. Đôi mắt Tư bối rối, liếc nhìn Bảy vẻ khó chịu rồi nói: “Bộ cái nhà anh này, nay anh xạo quá trời. Tôi có yêu ai thì cũng liên quan gì đến anh”. Nói thật chứ, ai bảo không liên quan. Gần như chết trong lòng một tí, người con gái mình thầm thương trộm nhớ bao lâu giờ đã có người thương, ai mà lại không buồn cho được.
Chiến tranh càng trở nên khốc liệt sau khi Mỹ quyết tâm thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Gác lại chuyện yêu đương, những người trẻ trong đó có cả ông Bảy, ông Sáu đều bị cuốn vào cuộc chiến, bằng những cách không giống nhau. Ông Bảy theo Mặt trận giải phóng Miền Nam, ông Sáu đi lính cho Việt Nam Cộng Hòa. Hai con người từ tình địch nay lại đối đầu trên chiến trường. Chiến tranh kéo dài từ năm này qua năm khác, những trận đánh đẫm máu, bao hy sinh và mất mát. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất. Ông Bảy bồi hồi trở về quê sau niềm vui chiến thắng dù một bên mắt ông đã chẳng còn nguyên vẹn.
Sau giải phóng, ấp thưa thớt người hơn, người thì chết, người đã đi tản cư. Nhưng bà Tư vẫn ở đó, gặp lại ông Bảy bà mừng rỡ. Chiến tranh mà, nhiều người đã không trở về. Đoạn bà thở dài không biết khi nào anh Sáu mới quay về. Sáu có thể đã chết, có thể đã cùng gia đình di cư sang Mỹ hoặc cũng có thể được đưa đi cải tạo, có thể nhiều điều xảy ra lắm. Ông Bảy không rõ.
Chỉ biết rằng nhiều năm trôi qua dù Sáu vẫn bặt vô âm tín thì Tư thì vẫn ngày đêm mong nhớ:
- Anh Bảy ơi, tôi vẫn ở đây đợi anh Sáu, anh ấy hứa nếu còn sống sẽ về bên tôi, vậy mà..., không lẽ - Tư nghẹn ngào cố che giấu những giọt nước mắt.
Ông Bảy buồn lắm, nhưng vẫn bình tĩnh động viên:
- Thôi mà Tư, chiến tranh là vậy, mỗi người một số phận, quan trọng là Tư phải lạc quan lên.
- Nhưng mà tôi đau lòng lắm anh Bảy ơi, anh Sáu hứa anh nhất định sẽ trở về và cưới tôi mà.
Ông Bảy hiểu chiến tranh có bao chia ly, mất mát, đâu phải ngày một ngày hai mà nguôi ngoai được. Hơn nữa dù ở phe nào đi chăng nữa, thì trong sâu thẳm vẫn là tình cảm giữa con người và con người.
Ông Bảy cứ lặng lẽ ở bên, quan tâm bà Tư. Thời gian trôi qua bà cũng dần dần cởi mở với ông hơn. Tuy nhiên cứ nói đến chuyện yêu đương là bà lại lảng sang chuyện khác ngay. Hai bên gia đình đều biết tâm tình của ông Bảy và ra sức vun vén mong hai người sớm về chung một nhà. Ít lâu sau, bà Tư đồng ý làm vợ ông. Từ tận cõi lòng, ông Bảy hiểu trong lòng Tư vẫn còn hình bóng của Sáu. Nhưng không sao, bảo vì yêu cũng được, mà bảo vì ích kỷ cũng được, ông vẫn muốn lấy Tư làm vợ. Ông yêu Tư thật lòng, và sẽ bù đắp cho bà.
Trước ngày cưới bà Tư thủ thỉ: “Anh Bảy này, em nói điều này biết là anh không có vui đâu. Nhưng mà vì anh là người tốt, em lại càng không thể giấu anh. Thật tình trong lòng em ít nhiều vẫn còn hình bóng của anh Sáu. Em vẫn luôn mong ngày anh ấy trở về”.
Nghe những lời đó dù trái tim đau nhói, thì ông Bảy vẫn đủ bản lĩnh để nói với người sắp làm vợ mình rằng: “Thôi nào, đừng nghĩ nhiều nữa. Nếu anh Sáu trở về, tôi sẽ để em về bên anh ấy. Hãy làm vợ tôi đến khi nào anh Sáu anh trở về nhen”. Cái câu nói tưởng bâng quơ ấy vậy mà. Ông Bảy khẽ thở dài.
Bẵng cái đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày bà Tư gật đầu đồng ý làm vợ ông. Cuộc sống có biết bao niềm vui và nỗi buồn, cả hai có với nhau năm mặt con, giờ chúng đã lập gia đình, đứa ra ở riêng, đứa đi làm ăn xa, còn mỗi hai thân già với nhau. Thỉnh thoảng, nhớ con, nhớ cháu hai ông bà lại đèo nhau bằng xe máy lên thành phố thăm con, thăm cháu. Thường ngày, hai ông bà cùng nhau chăm bón cho vườn thanh long, túc tắc cũng đủ ăn, cuộc sống bình yên, an nhàn. Chỉ có điều đôi khi ông vẫn thấy bà mở cuốn sổ lưu tấm ảnh cũ của ông Sáu ra coi, đôi mắt nhìn về một nơi xa xăm, trông đến là thương.
Nhìn một đôi trẻ hạnh phúc, chắc ít nhiều bà Tư cũng ước giá ngày trước không có chiến tranh thì chí ít bà cũng được yêu và sống với người mình yêu. Chiến tranh mà, người ta chưa biết thế nào là tuổi trẻ đã phải cầm súng chiến đấu, lời yêu chưa kịp nói đã phải xa người mình yêu mãi mãi. Mỗi khi như vậy ông Bảy lại thở dài trong im lặng, càng thương bà Tư bao nhiêu thì ông lại càng căm ghét chiến tranh và những kẻ đã gây ra chiến tranh bấy nhiêu.
Sáng nay, ông Bảy đang lúi húi làm cỏ cho đám thanh long ven đường thì có một vị khách cất lời hỏi: “Anh gì ơi, cho tôi hỏi thăm cái cô Tư đẹp đẹp, hát hay ấy, có còn sống ở đây nữa không?”. Nghe nói đến cô Tư, ông giật bắn người, mặt đối mặt, người đàn ông ăn mặc lịch lãm, trông khá quen. “Anh là, anh Sáu phải không?”. “Còn anh, là anh Bảy hả?”. Bà Tư đứng gần đó bàng hoàng, 3 cặp mắt nhìn nhau, mà đúng hơn là cặp mắt của ông Bảy đang nhìn hai người họ. Đôi mắt bà Tư nhòe lệ, hình như bao hạnh phúc, vui sướng, bất ngờ, trách móc hiện rõ trên đôi mắt bà. Trong khoảnh khắc ấy, ông Bảy thấy mình như một người thừa, ông không nói gì lẳng lặng đi về, vì thầm nghĩ có lẽ họ cần không gian riêng.
Mặt trời đã đứng bóng, quá 12 giờ trưa rồi mà bà Tư vẫn chưa về. Ông Bảy vẫn nằm trên võng dáng vẻ ung dung như mọi ngày, nhưng lòng ông đang bao lo lắng. Miệng lẩm bẩm: “Chắc hai người này, gom chuyện của mấy mươi năm vào nói trong bữa nay hay sao mà bà lâu về quá vậy!”. Ngộ lỡ bà Tư muốn về bên ông Sáu thiệt thì ông biết tính sao. Ông chẳng muốn nghĩ nữa, dẫu sao thì tuổi trẻ cũng đi qua, chiến tranh cũng qua rồi, chỉ biết mấy mươi năm sống bên nhau, giờ ông đã quen có bà rồi, mới xa có mấy giờ mà đã mong đến sốt ruột gan.
“Lan ơi! Điệp trọn đời yêu chỉ có Lan thôi
Vẫn nhớ mãi câu hẹn thề năm cũ…”
Ông lại ngân nga câu vọng cổ quen thuộc trong vở Lan và Điệp, ngân cho đỡ buồn, đỡ sốt ruột chờ mong. Mà bà Tư về lúc nào không hay: “Ủa, ông vẫn còn nằm đây ngân vọng cổ?”. Câu hỏi của bà Tư làm ông giật thót người. “Bà về rồi hả, anh Sáu đâu?”.
Bà Tư ngồi xuống, rót ngụm trà uống một hơi, đôi mắt suy tư nhìn chồng. Ông Bảy lo lắng, vẻ như bà sắp nói với ông những điều mà ông không muốn nghe đây mà.
- Ông ơi, rốt cuộc thì anh Sáu anh cũng trở về rồi!.
- Ừ, sao nào?
- Tôi là tôi vẫn nhớ lời hứa của ông năm đó.
Ông Bảy chậm rãi:
- Ừ, thì tôi có hứa.
- Vậy chứ giờ mà tôi muốn về với anh Sáu thì ông có đồng ý không?.
Ông Bảy hơi bất ngờ không nghĩ bà Tư lại thẳng thắn đến thế. Ông thấy lòng rối như canh hẹ, mấy mươi năm trước chẳng phải ông đã định sẵn câu trả lời rồi sao. Vậy mà bữa nay sao ông thấy ngột ngạt quá, lựa chọn ích kỷ hay bao dung thì ông vẫn thấy mình là kẻ thất bại, có được thể xác nhưng chẳng thể nào có được tình yêu của bà Tư. Ông buồn bã:
- Bà Tư này, với bà tôi không bao giờ muốn mình trở thành kẻ thất hứa!.
Bà Tư ngạc nhiên:
- Bộ ông đồng ý thật hả?
- Thật. Chiến tranh làm người ta mất mát quá nhiều rồi. Tôi một thằng ranh chưa lớn đã phải cầm súng chiến đấu. Bà thì chờ tình yêu trong vô vọng. Mấy mươi năm bên bà, tôi thấy mãn nguyện rồi. Giờ anh Sáu về, nếu bà muốn về bên anh ấy, tôi cũng bằng lòng. Chỉ cần bà sống tốt là tôi vui rồi. Cuộc sống này, chúng ta hãy đối xử với nhau thật tốt, miễn sao lòng thấy bình an. Vậy là đủ rồi!.
Ông Bảy vừa dứt lời, bà Tư sùi sụt:
- Tôi vẫn biết là ông tốt tính, mà ông tốt đến mức này tôi đến giận, ông không trách tôi hay ông Sáu chút nào sao?.
- Không, trách chi, lỗi chi mà trách. Từ khi hòa bình lập lại, tôi đã từng nghĩ rất nhiều, chúng ta đều là nạn nhân của chiến tranh, không ai có lỗi, không nên đổ lỗi. Lỗi là ở chiến tranh và kẻ đã gây ra chiến tranh. Tất cả đều là quá khứ rồi.
Ánh mắt bà Tư nhìn ông Bảy trìu mến, khẽ gạt nước mắt rồi nói:
“Tôi giận ông thật ấy nha. Sau bao nhiêu năm mà ông không nhận ra tình cảm tôi dành cho ông sao. Chiến tranh và mọi chuyện đã là quá khứ, hãy để nó ngủ yên đi. Tình yêu của tuổi trẻ quả thực rất đẹp, đẹp như tấm ảnh anh Sáu lúc còn trẻ, nhưng nó chỉ là tấm ảnh cũ. Mấy mươi năm bên ông, sự tử tế của ông đã đủ chinh phục trái tim tôi rồi. Giờ tôi nguyện sống là người của ông, chết đi là ma nhà ông, ông rõ chưa?”.
Ông Bảy rưng rưng, lòng ông đang reo vang những khúc ca chiến thắng, trong đó có khúc ca chiến thắng của lòng người.
Gửi phản hồi
In bài viết