Tranh Bác Hồ của họa sỹ xứ Tuyên

- “Tuyên Quang, nơi được ví như một “bảo tàng cách mạng”, nơi Bác Hồ ở và làm việc nhiều năm nhất để lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Là người Tuyên Quang mà không có những tác phẩm về Bác là có lỗi với lịch sử”, họa sỹ Mai Hùng chia sẻ.

Theo đuổi mảng đề tài dân tộc, miền núi

Ở Tuyên Quang có 2 họa sỹ từng thể hiện thành công các tác phẩm hội họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh là họa sỹ Mai Hùng và họa sỹ Lê Cù Thuần. Điều thú vị là 2 họa sỹ có khá nhiều điểm chung như đều được đào tạo bài bản về Mỹ thuật tại Trường Văn hóa, Nghệ thuật Việt Bắc và Đại học Mỹ thuật Việt Nam. 2 họa sỹ đều bám rễ sâu sắc ở hiện thực cuộc sống; đều yêu thích, theo đuổi mảng đề tài dân tộc, miền núi; 2 họa sỹ đều có tranh lụa và tranh sơn dầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với những năm tháng Người sống và làm việc tại Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 2 họa sỹ đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Họa sỹ Mai Hùng là người giàu trải nghiệm và có vốn sống thực tế trù phú, 42 năm công tác trong ngành Văn hóa và lĩnh vực VHNT, Báo chí, ông có hơn 11 năm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp Văn hóa Thông tin của tỉnh Hà Giang. Ông từng kinh qua nhiều cương vị: Trưởng phòng VHTT Quản Bạ (năm 1985), Trưởng phòng Thông tin cổ động, Sở VHTT Hà Tuyên (năm 1989); Chủ tịch Hội VHNT Tuyên Quang (2011-2019), Phó Tổng Biên tập Báo Tân Trào (2004 - 2009), nhưng với ông, vẽ mới là nguồn sống, là đam mê và sự thôi thúc tự thân.

Bức tranh Đêm tháng Năm của họa sỹ Lê Cù Thuần.

Có một họa sỹ trẻ 8x, nhưng đã có một hành trang đáng tự hào trong hành trình cầm cọ của mình là họa sỹ Lê Cù Thuần. Là thành viên Nhóm Hiện thực, anh Thuần quan niệm: vẽ là kể chuyện. Những câu chuyện anh kể xuyên suốt là những bức tranh về nhịp sống sinh hoạt đời thường bình dị của đồng bào vùng cao. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một thông điệp riêng gửi gắm đến người xem và đúng như tinh thần tên gọi của nhóm “hiện thực”, anh nói không với những gì trừu tượng, siêu thực, xa vời. Anh chọn hiện thực.

Mặc dù theo đuổi đề tài dân tộc, miền núi, nhưng các tác phẩm của họa sỹ Mai Hùng và Lê Cù Thuần rất đa dạng, khi là những bức tranh tĩnh vật, khi là những bức tranh khắc họa những nẻo đường đã qua nhưng nhiều hơn cả là chân dung chân chất, mộc mạc giàu bản sắc của những người dân vùng cao. Các tác phẩm của họa sỹ Mai Hùng không chỉ mê hoặc người yêu tranh trong nước mà đã được nhiều người nước ngoài tìm mua, ông từng có 3 năm liên tiếp đạt giải cao nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực (năm 2011 - 2013). Họa sỹ Lê Cù Thuần từng tham gia trên dưới 20 cuộc triển lãm tranh trong nước, khu vực và quốc tế và đã đạt được nhiều giải thưởng chuyên ngành về Mỹ thuật.

Nguồn cảm hứng bất tận

Họa sỹ Mai Hùng có 2 bức tranh vẽ về Bác, một bức tranh lụa mềm mại, trong sáng vẽ Bác Hồ ở lán Nà Nưa trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Nhưng đặc biệt, người yêu tranh nhớ và ấn tượng hơn cả là độ óng ả, lộng lẫy của chất liệu sơn dầu khi ông vẽ bức tranh “Bác Hồ ở lán Hang Bòng”. Một không gian đậm chất chiến khu với “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng…”.

Giữa khung cảnh thiên nhiên tươi sáng ấy, Bác Hồ giản dị, quắc thước hiện ra trong bộ áo chàm như Tiên Ông giữa cảnh rừng Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Họa sỹ Mai Hùng bảo: Vẽ Bác, điều khiến ông tâm đắc nhất là làm sao thể hiện được sự giản dị, trong sáng, gần gũi của một vị lãnh tụ, và bức tranh sơn dầu “Bác Hồ ở lán Hang Bòng” cũng đã mang về cho ông Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2011.

Bức tranh sơn dầu Bác Hồ ở lán Hang Bòng của họa sỹ Mai Hùng.

Với họa sỹ Lê Cù Thuần, công chúng yêu nghệ thuật có thể dễ dàng bắt gặp những sắc độ tương phản làm nổi sáng thần thái tươi tắn, hồn hậu của các em nhỏ, hay những lát cắt đặc tả, mang đầy hơi thở cuộc sống vùng cao trong tranh của họa sỹ Lê Cù Thuần. Anh có 3 bức tranh vẽ Bác Hồ: “Đêm tháng Năm”, chất liệu tổng hợp; “Sáng tháng Năm”, tranh lụa và “Ông Ké ở Tân Trào”, tranh sơn dầu.

Trong bức tranh “Đêm tháng Năm” của anh, Bác Hồ hiện lên với gương mặt cương nghị, vầng trán cao, đôi mắt sáng, các lớp màu được lên khá công phu, cầu kỳ thể hiện được thế mạnh về kỹ thuật vẽ nhiều lớp cổ điển của anh. Chân dung Bác vừa tỏa sáng được nét gần gũi, thân thương của ông Ké Tân Trào, vừa đương đại, lại rất đỗi truyền thống, gần gũi…

Có thể thấy, dù có nhiều điểm chung, nhưng mỗi họa sỹ lại có thế mạnh biểu đạt và phong cách thể hiện riêng. Giữa những ngày tháng 5 đầy ý nghĩa này, được thưởng lãm những bức tranh về Bác của họa sỹ Mai Hùng và họa sỹ Lê Cù Thuần, người xem đều cảm thấy thật xúc động, không chỉ bởi ở kỹ, mỹ thuật, ở độ chín trong sáng tạo nghệ thuật mà công chúng yêu hội họa còn được đón nhận ở đây nặng sâu một tấm lòng thành kính, một tình cảm nồng ấm, thân thương dành cho Bác kính yêu.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục