Nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, rất nhiều cảm xúc khi chụp ảnh về trẻ em. Chính vì lý do này mà Phạm Khánh Dương là nhiếp ảnh gia chụp chuyên sâu cho trẻ em. Không biết bao nhiêu tấm ảnh về đề tài trẻ em ra đời, nhưng xem lại album thì anh thấy mỗi lần bấm máy mỗi nhân vật là một góc độ. Phạm Khánh Dương kể, anh luôn theo đuổi chụp khoảnh khắc ánh mắt, nụ cười của trẻ em.
Họa sỹ Nguyễn Điền sáng tác về chủ đề thiếu nhi.
Ở đó toát lên nhiều điều muốn nói. Đợt vừa rồi lên thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên), anh cầm máy chụp lũ trẻ ở điểm trường vùng cao đang đi học về hay cách các em chơi nhảy dây. Rồi những ánh mắt lạ lẫm, tò mò của trẻ khi thấy người lạ đến bản. Nói chung cảnh trẻ em chăn trâu, thả diều, tập bơi, chơi trò chơi dân gian với các nhiếp ảnh gia đều có thể sáng tác thành những bức ảnh nghệ thuật.
Ở mảng mỹ thuật, họa sỹ Nguyễn Điền, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh rất đam mê vẽ về chủ đề trẻ em. Một hôm đang ngồi vẽ ở khu nhà tập thể giáo viên trường THCS Chiêu Yên (Yên Sơn) nơi họa sỹ ở, anh Điền thấy mấy em học sinh chạy đến nói: Chúng em bắt được bốn con chim non bị lạc mẹ thầy ạ. Nhìn bốn con chim non dễ thương trong lòng bàn tay của học sinh, anh Điền bảo, mấy con chim đẹp quá, các em nên thả để chúng tìm được mẹ. Ánh mắt các bạn nhỏ nhìn nhau rồi cùng gật đầu.
Chính từ ý tưởng này, đêm đó Nguyễn Ngọc Điền phóng tác ra bức tranh sơn dầu khổ 43 x 43 cm có tiêu đề “Những chú chim lạc mẹ”. Ai đã xem bức tranh này thấy độ lạ, độc đáo của nó. Một bức tranh thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Việc ứng xử với thiên nhiên sao cho đúng là thông điệp của tác giả.
Trường học là điều kiện tốt cho Nguyễn Ngọc Điền vẽ mảng tranh học sinh, mẫu vẽ khá đa dạng, vẻ mặt hồn nhiên, trong sáng. Một số bức tranh đặc tả chân dung học sinh anh Điền vẽ khá thành công, trong đó tiêu biểu có tác phẩm “Những ngày bình yên”. Anh tập trung vẽ đôi mắt, mái tóc, nụ cười, đôi bàn tay cầm sách vở, cặp của học sinh. Một đề tài tranh nữa mà anh Điền hay theo đuổi đó là vẽ về con người, sắc phục của đồng bào dân tộc thiểu số. Như hình ảnh các em học sinh trong trang phục dân tộc của mình. Trong đó có tác phẩm “Em bé trên bản Lục”, Nguyễn Ngọc Điền vẽ một em bé người Dao đỏ với mong muốn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên văn đàn xứ Tuyên, từ nhiều năm trở lại đây, không ít tác giả cho ra đời tập truyện ngắn, truyện tranh, thơ cho thiếu nhi. Nhà văn Nguyễn Quốc Trí, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh bật mí, ông “khoái nhất” mảng đề tài cho thiếu nhi. Đến nay, ông đã xuất bản tập truyện tranh (viết lời) “Nghĩa quân Sùng Mí Chảng”, NXB Kim Đồng; truyện tranh (viết lời) “Sùng Dúng Lù vào hang phỉ”, NXB Kim Đồng. Hiện nay, tập bản thảo đã hoàn thành, nhà văn sắp in như “Tiếng gáy kinh dị” - Tập truyện thiếu nhi; “Mặt trời đi trốn” - Tập thơ thiếu nhi.
Truyện tranh, truyện ngắn, thơ của nhà văn Nguyễn Quốc Trí về chủ đề trẻ em.
Còn nhà văn trẻ Lê Ngọc, tân hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cũng say sưa cho “ra lò” truyện ngắn “Tình mẹ”, “Chiếc tổ chào mào”, “Giấc mộng mùa xuân”. Hay nhắc đến nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các độc giả nhỏ tuổi nhớ ngay đến tập truyện “Jerry lên rừng học hái thuốc nam”. Tập truyện có 30 truyện ngắn liên quan chặt chẽ với nhau. Mỗi câu chuyện là cuộc trải nghiệm giúp các em thiếu nhi bổ sung thêm kiến thức xã hội. Đó là những bài thuốc dân gian hiệu nghiệm, được ứng dụng phổ thông. Sau đó nhà văn Đỗ Anh Mỹ lại tiếp tục xuất bản tập truyện “Cô bé cánh cam”. Cuốn sách có 30 tác phẩm là những câu chuyện được phóng tác một cách khéo léo, linh hoạt nhằm gửi đến thông điệp ý nghĩa cho độc giả nhí về lối sống hòa bình, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, cái thiện chiến thắng cái ác...
Theo nhạc sỹ Tân Điều, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề trẻ em vừa là sở thích, tình yêu con trẻ, vừa là trách nhiệm công dân của người nghệ sỹ. Các lĩnh vực khác đều có bài hát nên ông trăn trở để làm sao sáng tác được những ca khúc cho thiếu nhi.
Sáng tác cho thiếu nhi không dễ, vì người cầm bút phải thể hiện được ngôn ngữ, tính cách của trẻ em. Để bài hát không bị hàn lâm, không bị kỹ thuật thanh nhạc quá khó thì người nhạc sỹ phải “hóa mình” làm trẻ em. Từ ca từ, chất liệu âm nhạc phải trong trẻo, hồn nhiên, vui nhộn, nhí nhảnh, đầy ước mơ. Đến nay nhạc sỹ Tân Điều đã sáng tác cho thiếu nhi các ca khúc Âm vang mùa hè, Bó hoa ngày hội, Em nghe tiếng lá rừng, Lời của thiên nhiên, Thầy cô giáo trường em…
Trong năm qua, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã phát động một số cuộc thi về chủ đề thiếu nhi, tổ chức các trại sáng tác về chủ đề thiếu nhi cho thấy sự quan tâm của văn nghệ sỹ xứ Tuyên về chủ đề hấp dẫn này.
Gửi phản hồi
In bài viết