Họa sỹ Lê Cù Thuần, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật chia sẻ, tranh minh họa là một tác phẩm nghệ thuật vẽ, phác họa hoặc in để giải thích, làm rõ, trình bày, thể hiện trực quan hoặc chỉ đơn giản là trang trí cho một tác phẩm văn chương nào đó.
Vẽ tranh thì tha hồ bay bổng, nhưng tranh minh họa thì vẫn phải dựa trên nội dung của tác phẩm. Nhiều họa sỹ đồng tình với quan điểm, bức tranh vẽ trên cảm hứng từ một bài, một câu thơ nên được coi là văn bản hai của bài thơ đó hoặc một cách hiểu, cách cảm khác về bài thơ đó. Qua bức tranh, bài thơ sẽ dài rộng ra, bài thơ ấy sẽ sống thêm một đời sống khác, một đời sống bằng hình màu mà chỉ hội họa mới tạo ra được
Nhiều bạn trẻ thích thú với sách có nhiều tranh minh họa độc đáo.
Có thể thấy hơn chục năm trở lại đây, một số nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách có xu hướng làm mới tác phẩm kinh điển bằng cách đầu tư vào phần minh họa. Artbook (Sách đẹp, sách nghệ thuật) được phát hành ngày càng nhiều, nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng một thời khi tái bản cũng được khoác diện mạo mới với những bộ tranh minh họa bắt mắt, ấn tượng.
Mở đầu cho xu hướng này phải kể đến Công ty cổ phần Văn hóa Đông A, sau đó là các Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản trẻ cũng nối tiếp với nhiều tác phẩm độc đáo. Nhà văn trẻ Lê Ngọc chia sẻ, nắm bắt được thị hiếu của độc giả ngày nay không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức một cuốn sách có nội dung hay mà còn đòi hỏi một cuốn sách với những hình ảnh đẹp. Cuốn sách Tôi Tìm Mình Giữa Những Tháng Năm của Lê Ngọc xuất bản với bìa minh họa khá bắt mắt, nâng tầm giá trị tác phẩm.
Gần đây cuốn sách Truyện Kiều tự kể, Nhà xuất bản Kim Đồng thu hút độc giả với những trang sách đẹp, cách tiếp cận hấp dẫn, hình minh họa nổi bật. Với Truyện Kiều tự kể, các họa sỹ đã dựng lại những nhân vật trong Truyện Kiều một cách độc đáo và đầy biến hóa, tái hiện chân dung và tính cách nhân vật bằng nghệ thuật tạo hình của riêng mình. Từ đó tạo nên một phiên bản Truyện Kiều được kể bằng ngôn ngữ hội họa, làm cho quyển sách càng trở nên đặc sắc, hấp dẫn.
Có thể thấy rằng, việc minh họa bằng tranh cho tác phẩm văn học không phải là mới mẻ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh và đổi mới trong cách làm đã tạo thành một sân chơi sáng tạo cho họa sỹ. Nhà văn Đỗ Bích Thúy là nhà văn miền núi, khá chú trọng trong việc đầu tư khi ra mắt tác phẩm văn chương của mình. Chị chia sẻ: “Văn và họa kết hợp cùng nhau góp phần tạo ra những ấn phẩm đặc sắc, giúp độc giả dễ dàng chạm đến cảm xúc của nhân vật hơn. Đó cũng chính là điều mà nhiều cây viết muốn hướng tới khi đầu tư minh họa cho sách”.
Tranh minh họa Tình người lính của họa sỹ Dương Xuân Quyền.
Ngày nay, cùng với tranh Việt nói chung, tranh minh họa của các họa sĩ tên tuổi trong nước ngày càng có sức hấp dẫn, chất lượng cao, có thể bán ra thị trường tạo thành hướng đi của riêng mình. Tranh minh họa tạo được giá trị riêng tại các phiên đấu giá.
Tại một buổi đấu giá sôi nổi, bức tranh minh họa Truyện Kiều với tên gọi Đoàn viên của họa sỹ Thành Chương được bán với giá 65 triệu đồng. Hay trong những năm giãn cách do dịch bệnh Covid-19, những dự án đấu giá tranh minh họa trực tuyến cũng sôi nổi tổ chức. Năm 2021, họa sỹ Thành Chương tổ chức đấu giá trực tuyến những bức tranh mà ông minh họa cho tuyển tập Người kép già của nhà văn Kim Lân. Trong số 19 bức tranh được đấu giá, bức họa được dùng làm bìa sách có chủ đề Người kép già được đấu giá ở mức cao nhất là 120 triệu đồng. Các tác phẩm Anh chàng hiệp sỹ gỗ, Ông Cản Ngũ, Trả lại đòn, Làng và Vợ nhặt đều được mua ở mức từ 31 - 50 triệu đồng/bức.
Chúng ta có thể thấy sự cộng hưởng giữa hội họa và văn chương. Những bức tranh minh họa cho tác phẩm văn học dần dà tìm được đời sống riêng, vì giá trị của nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ của hai từ “minh họa”.
Gửi phản hồi
In bài viết