Cồng cộc… Cồng cộc cộc… “Xe rác đến rồi đó! Cái Hảo đâu, nhanh xách thùng rác ra đổ đi!”. Tiếng bà Bích nheo nhéo gọi với từ tầng một lên tầng hai. Bà quát giục đứa con gái đang học trên đó. Không có tiếng trả lời.
Tiếng “cồng cộc” nghe càng rõ hơn. Bà Bích hai tay chống nạnh ngước lên tầng: “Tao nói mày không nghe hả? Hảo! Đi đổ rác! Nghe rõ chưa?”. Có tiếng ậm ự vọng xuống: “Con đang học bài!”. “Học cái gì? Bỏ đấy đã. Đi đổ rác ngay!”. Giọng bà Bích cương quyết.
Thực ra cái Hảo đâu có học gì, nó đang mải chơi điện tử trên máy vi tính. Nghe mẹ quát vậy, nó lầu bầu miễn cưỡng bước xuống cầu thang. “Có phải xe rác không mà mẹ cứ giục cuống cà kê lên thế?”. “Chả xe rác lại không à? Cái tiếng cồng cộc như công nông chở đá lên dốc đích thị là xe rác của thằng Công chứ còn cái gì nữa?”.
Quả đúng như lời bà Bích nói, khi cái Hảo xách xô rác ra đến cửa thì chiếc công nông lặc lè rác đã đến đầu xóm. Nó đang dừng trước cửa nhà ông Kha. Hai chị vệ sinh viên mặc quần áo bảo hộ lao động đang bê những thùng rác hất đổ lên xe. Quần áo họ lấm lem nhem nhuốc. Chẳng thể nào nhìn rõ mặt họ. Người nào người nấy bịt kín từ đầu đến chân. Chân đi ủng, đầu trùm khăn, mặt bịt khẩu trang, tay đeo găng, họ chỉ hở ra mỗi hai con mắt. Trong ca-bin, anh Công đang ngồi giữ vô-lăng. Nhiệm vụ của anh là lái chiếc công nông tã này đi từng nhà gom rác đổ ra bãi thải. Cứ hai, ba nhà một, anh lại dừng xe để cho hai chị chuyển rác lên.
Thấy tiếng công nông đến, người trong xóm í ới gọi nhau đổ rác. Ngoài xe, Công và hai chị tất bật làm việc. Một chị trên xe, một chị ở dưới. Người dưới đưa rác cho người trên. Khi là chiếc thùng sơn, lúc là cái hộp bìa cac-tông, khi khác lại là những chiếc giỏ nhựa, túi nilon. Tất cả những thứ có thể đựng rác được người ta đều sử dụng. Khổ nhất là những nhà dùng bao tải để chứa rác. Bê những tải rác to đùng này đưa lên chiếc công nông đã đầy rác thì thật là cực. Có khi ì ạch mấy lần vẫn chưa xong. Nó còn bung rác ra, vương vãi rơi hết cả vào đầu, vào vai người ở dưới. Lại phải vơ vét gom rác lại để đưa lên xe. Thế vẫn còn khá. Có những nhà thiếu trách nhiệm cứ đổ rác chất đống ở ven đường mặc cho tổ vệ sinh muốn làm thế nào thì làm. Ruồi nhặng bu đầy, bay vo ve, loạn xị. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nắng cũng khổ, mưa càng khổ hơn.
Minh họa: Bích Ngọc
Khu bà Bích ở là khu xóm mới. Dân làng Cổ Cò ra đây và dân nơi khác đến bám đường lập nên khu xóm này. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, khu này cận lộ, cận thị nên phát triển nhanh lắm. Mới đầu chỉ có dăm nhà, sau thì chục nhà và bây giờ là cả dãy phố hai bên. Dáng dấp thị tứ, phố xá đã hình thành. Nhà nào nhà nấy đều khá đẹp. Duy chỉ có con đường là rất bẩn và bụi. Nguyên do là xóm phố đang trong quá trình xây dựng nên mật độ xe cộ, vật liệu tập kết khá đông. Và điều quan trọng nữa, đó là người ta thoải mái xả rác, thoải mái quét tước ra đường. Lãnh đạo xã thôn mải chạy theo tiêu chí bề nổi của xây dựng nông thôn mới nhưng cái tiêu chí vệ sinh môi trường thì hình như họ vẫn chưa quan tâm lắm.
Là bộ đội xuất ngũ, Công trở về địa phương không có công ăn việc làm. Thấy cảnh tượng rác rưởi làng quê như vậy, anh rầu lòng lắm. Nhà riêng mọi người đẹp sang bao nhiêu thì đường làng ngõ xóm bẩn đi bấy nhiêu. Ai cũng lo làm đẹp cho mình mà chẳng ai lo làm sạch cho xóm. Rác rưởi bừa bộn. Nước thải lênh láng, đen ngòm. Phân trâu, phân chó đầy đường. Đến người làng đi còn kinh nữa là khách nơi khác đến. Xây dựng nông thôn mới kiểu này đâu có ổn. Trăn trở băn khoăn mãi, anh quyết định đứng ra thành lập tổ thu gom rác thải. Rủ mấy người trong làng thì ai cũng lắc đầu quầy quậy. Hâm quá. Ai lại đi làm cái việc bẩn thỉu, mất vệ sinh như thế cơ chứ? Làm gì chẳng làm lại đi làm cái thằng gom rác? Vận động mãi mới được hai chị trung niên đông con, không nghề nghiệp làm cùng. Ông trưởng thôn mừng rơn khi có tổ vệ sinh môi trường tự phát của Công ra đời.
Công vay tiền mua lại của người ta cái xe công nông cũ tã làm phương tiện chở rác. Chiếc xe xập xệ lắm. Thùng bệ rỉ hết phải cạp thêm mấy tấm ván. Sơn tróc lở loét, nham nhở. Bánh lốp mòn trọc lốc như đầu ông sư. Đầu máy ọc à ọc ạch, quay mãi mới nổ. Có những bộ phận phải chằng buộc dây thép. Khi máy nổ nó kêu phành phành phành phành. Ca bin xộc xệch, xiêu vẹo. Chiếc ghế rách tươm, phải lót tấm ván để ngồi. Được cái, không nổ thì thôi, chứ nó nổ rồi thì chạy cũng ngon ra phết. Mỗi tội khi lên dốc hay chở nặng thì nó phọt khói đen sì và tiếng máy gằn lên, hồng hộc kêu “cồng cộc” ầm ĩ cả xóm làng. Đúng như một chiếc chuồng gà di động. Mặc, Công và hai chị cùng chiếc xe này đã lăn lộn đầu làng cuối xóm chở không biết bao nhiêu là rác thải, làm sạch sẽ cho làng.
Kinh phí hoạt động cho tổ, Công vận động các gia đình ủng hộ, đóng góp. Nhiều ít tùy tâm mỗi gia đình. Ít thì dăm ba ngàn, nhiều thì chục, hai chục. Mới đầu, dân xóm phố Cổ Cò còn thờ ơ với xe rác, sau rồi thấy tổ vệ sinh môi trường này khá được việc nên ai cũng quý. Họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế, lo cho xóm phố như thế bảo sao mà không yêu, không mến. Dân làng xóm phố liền bàn nhau hình thành quỹ vệ sinh phí, mỗi nhà mỗi tháng đóng góp từ mười đến mười lăm ngàn đồng. Đồng thời, nhà nào nhà nấy đều sắm những dụng cụ thu gom rác thải để sẵn ra trước cửa, rệ đường để tiện cho xe thu gom. Hễ cứ nghe tiếng xe công nông là người ta gọi nhau mang nốt rác còn ở trong nhà ra đổ cho kịp chuyến. Mấy ngày không thấy tổ xe đến là ai cũng nhớ cũng mong. Rác ùn ra thế kia, sao cái nhà anh Công này vẫn chưa tới chở đi nhỉ? Vắng tiếng “cồng cộc” của chiếc xe công nông rác ai cũng cảm như thiêu thiếu cái gì đó.
Rằm hàng tháng, khi thì chị Hạnh, lúc lại chị Huê đi từng nhà thu tiền vệ sinh phí. Ai cũng vui vẻ đóng góp. Duy chỉ có nhà bà Bích là dây dưa. Có mỗi mươi ngàn đồng mà khất lần khất lữa, phải mấy lần mới thu đủ. Có lần bà ta đưa cho chị Huê tám ngàn chín trăm đồng toàn tờ tiền lẻ quăn queo. Giọng bà ta kẻ cả hách dịch: “Tôi chỉ có ngần ấy thôi, các chị có lấy thì lấy”.
Chị Huê nhã nhặn: “Cảm ơn bà. Nếu bà khó khăn quá thì tổ chúng tôi xin phục vụ. Bà cất chỗ tiền này đi, tổ chúng tôi thiếu nhiều chứ đâu chỉ dăm, mười ngàn của bà”. Nói xong, chị Huê xách túi sang nhà khác. Bà Bích nhìn theo bĩu môi dài giọng: “Ra cái điều!”.
Nhà bà Bích thuộc diện khá giả nhất xóm phố này. Nhà cao cửa rộng, tầng trên, tầng dưới bóng loáng. Kiểu cách biệt thự càng làm cho ngôi nhà bà Bích nổi trội hẳn lên giữa phố. Là người từ nơi khác đến, bà sống tách biệt với cả khu. Cửa nhà bà lúc nào cũng im ỉm.
Các con bà mỗi đứa một phòng đầy đủ tiện nghi. Đứa lớn theo bố đi công trình. Đứa bé, cái Hảo đang học cấp ba. Bà Bích có mỗi việc ở nhà xem ti vi, nấu nướng phục vụ chồng con. Nhà ít người nên bà không thuê ô-sin. Ngày xưa, bà cũng làm ruộng, chân lấm tay bùn như bao người khác. Từ ngày chồng bà trúng thầu các công trình xây dựng, phất lên, bà mới được như ngày hôm nay. Học đòi cách sống của kẻ có tiền, bà xem thường người lao động. Chỏng lỏn, kênh kiệu, nhìn đời bằng nửa con mắt. Bà vênh mặt với hàng xóm láng giềng về ngôi nhà của mình. Nông thôn mới phải có những ngôi nhà như thế này chứ. Nhiều lúc bà đã thốt ra miệng câu nói đó. Các con bà thấy thế cũng a dua theo.
Riêng chuyện rác rưởi trong nhà bà cũng lắm chuyện. Như nhà người ta thì phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Đầu rau, vỏ chuối, các thứ dễ tiêu thì đổ ra vườn làm phân bón cây. Giấy vở, sách báo bỏ thì gom lại đốt. Đằng này, bà Bích tống khứ tuốt tuồn tuột các loại vào thùng. Có phải bà không có vườn đâu, vườn nhà bà rộng là đằng khác. Bà bảo “mất tiền vệ sinh rồi thì cứ mặc tổ rác chúng nó lo”. Rác nhà bà thuộc diện nhiều nhất xóm phố. Thức ăn thừa, hoa quả thối, xương xẩu, bánh kẹo… đủ thứ bốc mùi hôi thối bà quẳng tất vào sọt rác để chềnh ềnh ven đường. Hôm nào nhà bà có giỗ, có liên hoan tụ tập bạn bè của chồng, của con bà thì y như rằng đống rác thải lại đầy tú ụ lên. Bà chê đường xóm phố bụi bẩn, hôi thối. Bà trách “tổ vệ sinh của thằng Công không hoàn thành nhiệm vụ”. Có mỗi việc thu gom rác thải mà làm cũng không xong.
Mưa. Bỗng dưng trời lại đổ cơn mưa rào như trút nước. Sấm chớp đì đùng. Gió ào ào. Trời đen kịt. Chiếc xe rác lượt về đang phành phạch túc tắc tiến đến cửa nhà bà Bích. Lượt đi nó chạy phía bên kia thu gom rác dãy nhà bên đó. Lượt về, nó chạy phía bên này và đầy ắc những rác là rác. Hai chị ngồi bám hai bên ca-bin quần áo ướt sũng nước. Công vừa vuốt nước mưa trên mặt vừa lái xe. Ca-bin thủng mái, dặt dẹo, mưa lại xiên tạt tứ phía khiến anh ướt cũng không kém gì hai chị trong tổ. Tiếng xe cồng cộc, hộc lên cùng tiếng sấm. Nước mưa ngấm từ rác trên xe chảy ra lênh láng, nhầy nhụa.
Gửi phản hồi
In bài viết