Tình yêu người lính

- Quán hớt tóc nằm ngay bờ hồ, trước mặt Quốc lộ 29. Tiếng “quốc lộ” nhưng ngày trước chỉ rải đá dăm độn sỏi; được cái khá rộng. Đường chạy song song, cặp kè cùng con mương cái nên dân xóm quen gọi: Đường Mương.

Bên này đường Mương là xóm, bên kia là đồng. Lũ nhỏ chăn bò hay tranh thủ cái bờ mương phía đồng ít người đi cỏ mọc mướt xanh mà lùa bò thả ăn. Hôm nào mê chơi sẽ đuổi bò vào luôn cái nghĩa địa cũng cặp bờ mương. Nghĩa địa rộng, nhưng cỏ nỉa xác xơ; bò thả rông trong đó chiều về đói meo cầm chắc! Trông lũ bò hai bên hông tóp rọp đường nào mẹ cũng sẽ nói như rên: lại chơi! Nhốt suốt mấy con bò ngoài nghĩa địa không cho ăn chớ gì; con ơi là con….

Nó sợ mẹ la nên chỉ “bám trụ” bờ mương, ít dám a dua với bạn bè vụ vô nghĩa địa. Chăn bò bờ mương rất chán, cứ phải lo canh bò ăn lúa, chẳng có cái chi giải trí. Loay hoay, hết bứt cỏ may lại nhìn đất nhìn trời, nhìn người lại qua. Chán thì nhìn sang hồ cá rộng rinh bên kia đường, nơi có cái quán hớt tóc đã nói. Chủ quán cao gầy tóc hoa râm, dáng đi là lạ, khập khiễng. Vụ ấy khiến nó nổi óc hiếu kỳ, quyết khám phá cho ra lý do. Lân la qua chơi vài lần, vờ xin nước uống, xin muối chấm lá dang và vân vân. Đợi mãi; rồi cũng tới một ngày ông chủ tình cờ vén ống quần phía bên chân khập khiễng lên cao. Nó sửng sốt há hốc mồm suýt bật kêu: một ống chân giả, cụt lên tới gối! Về hỏi mẹ; mẹ ngơ ngác, nghĩ ngợi một hồi xong vỗ trán kêu: à, thằng Nam con bà Tám Ú xóm giữa chứ ai. Nó đi bộ đội giẫm mìn cụt chân. Hợp tác xã chiếu cố người có công, cho làm bảo vệ trông hồ cá ý mà! Thật à; sao con thấy ông… hớt tóc? Ba chen ngang: thì bảo vệ kiêm… hớt tóc lúc rảnh! Cái thằng, siêng sao mà siêng… Ra vậy. Giờ mới biết: té ra ông Nam…, quên, chú Nam hớt tóc còn là thương binh. Từ bữa ấy tự nhiên nó nhìn chú với con mắt khác: thân thiện và kính nể hơn trước!

Minh họa: Bích Ngọc

2. Chú Nam chưa có vợ! Điều đó nó khẳng định chắc chắn, khỏi cần phải hỏi. Cơ sở của khẳng định ấy là: chưa bao giờ nó nhìn qua tiệm chú thấy bóng dáng phụ nữ. À quên, có; nhưng là… mẹ chú, bà Tám Ú. Một bà già gầy guộc (ngược với cái tên cha mẹ đặt), mặt khó đăm đăm lâu lâu ghé qua. Ghé để càm ràm chuyện chú Nam muộn giờ không chịu về ăn cơm, chuyện chú để quán xá luộm thuộm hay quần áo dơ ném đống không chịu giặt. Càm ràm thôi chứ bà không động tay làm. Yên tâm; chú Nam sợ mẹ còn hơn nó. Mẹ nhắc cái chú dạ dạ, chạy liền…

Nhà bà Tám nằm sâu trong xóm. Nghe nói chú Nam là con độc nhất. Chồng chết sớm, bà ở vậy nuôi chú lớn khôn chứ không đi bước nữa. Có lần ba khen: thủ tiết thờ chồng như bà Tám thật ít có! Mẹ cười ngất: thủ vĩ gì; bà… khó tính quá không ai dám tới thì có! Cũng cổ lai hy rồi, đời bà vậy coi như xong; chỉ tội thằng Nam…. Thằng Nam sao?? Chứ ông không thấy à; nó bốn mươi tuổi rồi đâu cưới nổi con vợ? Thương tật một phần; nhưng nghe mẹ già khó tính đứa gái nào quen cũng chạy mất dép. Tội nghiệp cái thằng; đương thời hiền lành đẹp trai chịu khó chịu thương ít có. Lần lữa mãi; giờ tóc bạc da nhăn quá lứa lỡ thì rồi ai đâu ưng…

Đã nói nó khẳng định không sai mà! Tội nghiệp chú Nam. Hèn chi bà Tám cứ mỗi bận ra thăm lại càm ràm chuyện nhà cửa nhếch nhác hoặc áo quần dơ - những thứ mà, theo nó, một người đàn ông khó bề chu toàn nếu không có vợ! Cứ trông ba nó thì biết; lâu lâu mẹ có việc vắng nhà độ mươi bữa nửa tháng là cửa nhà ôi thôi bừa bộn! Vậy nên nghe chuyện chú Nam mẹ phán ngay: đàn ông ai chả vậy? Ba mày mà không tao ông chẳng “ở dơ” gấp mười…

3. Quán cà phê có tên: Bờ Hồ. Quán mọc lên trên phần đất trống cạnh bờ hồ được Hợp tác xã đem cho thuê đấu giá. Ông Thăng “đại gia” đấu trúng, xin giấy phép mở quán. Thời mở cửa; vị trí tuy không sơn nhưng được phần thủy (tức cái hồ cá) khá hữu tình - lại còn kề mặt lộ thuận đường xe cộ - mở quán gần như chắc thắng!

Thắng thật. Quán mới dập dìu khách khứa. Vậy nhưng vị trí mới là một chuyện; cái “căn nguyên ngầm” quan trọng không kém để hút khách là đội tiếp viên chân dài mắt xanh mỏ đỏ do ông Thăng từ nhiều ngả tuyển về. So cùng đám gái quê chân đất dính phèn đương nhiên cô nào cô nấy như tiên giáng thế. Vậy nên quán đắt khách nhưng cũng khá nhiều tai tiếng. Lâu lâu lại ồn ào “đại náo” một pha đuổi đánh ghen tuông.
Quán cà phê chung lưng với quán hớt tóc. Trưa trưa rỗi việc, thấy chú Nam cũng hay khập khiễng qua ngồi nơi chiếc bàn góc khuất kêu ly cà phê đen với mấy điếu thuốc. Cà phê mang ra chú lịch sự cảm ơn, lịch sự thưởng thức. Đám tiếp viên ban đầu thấy bộ dạng nghiêm trang thêm mái tóc hoa râm hơi sợ; nhưng dần dà biết chú hiền nên đâm mến. Người quen hù chú: ông coi chừng nha; đám ấy ghê gớm lắm, “hồ ly” không đó! Chú Nam cười: “hồ” gì đâu; tôi thấy bình thường mà! Họ cũng người, chẳng qua vì manh áo miếng cơm chứ ai đâu muốn cái nghề tiếp viên…

4. Chuyện người ta lo cho chú Nam tưởng nói chơi, té ra... thật! Buổi trưa, nó chăn bò bờ mương, nhìn qua tiệm hớt tóc chú phát hiện sự-lạ-chưa-từng-tiền-lệ: một phụ nữ, à không, một… chiếc đầm - còn mang giày cao gót - đang cầm chổi lom khom quét, hót những lọn tóc rớt tứ tung trên nền gạch! Chiếc đầm ấy đương nhiên không thể là bà Tám Ú. Chẳng lẽ…???

Không dám tin suy nghĩ của mình, nó chạy tìm thằng Tin “chiến hữu chăn bò” chia sẻ. Tin nghe, cười khặc khặc: không biết gì á? Bồ ông đó mày ơi. Ông Nam có bồ rồi, nghe nói tính cưới…. Trời! Bồ ai? Thì… cái đầm đó chớ ai? Cô tiếp viên cà phê…. Cha mẹ ơi, vậy chuyện khó tin hóa ra là thật! Chú Nam có người yêu. Và người yêu chú - không ai khác - là một trong số các cô tiếp viên quán Bờ Hồ! To chuyện rồi đây. Không cần hỏi thằng Tin nó cũng biết thừa bà Tám Ú chưa hay. Bà mà biết trời không… nổi bão mới lạ!

Không phải chờ lâu la để thấy bão. Bữa kế tiếp lùa bò ra mương từ xa nó đã nghe ầm ĩ âm thanh một vụ “đại náo”. Khác cái, đại náo lần này diễn ra không nơi quán Bờ Hồ như mọi khi mà chuyển sang… quán hớt tóc. Vai nữ chính đương nhiên là bà Tám Ú. Bà đang nhảy chồm chồm tay lăm lăm chổi. Chính xác, cái cây chổi mọi bữa chiếc đầm vẫn dùng quét tóc! Chổi như thanh đại đao trong tay hiệp khách/bà chĩa về phía chiếc đầm run rẩy đứng trốn sau lưng chú Nam. Không có chú cản đường, chắc nó chẳng ngần ngại bổ xuống “kẻ thù” trong cơn thịnh nộ cuồng phong. Không bổ được thì bà Tám chửi thay - ngôn từ khó nghe tuôn xối xả: mày, đồ trôi sông lạc chợ; mày nghĩ mày là ai mà dám dụ con tao hả? này, tao nói cho biết: nhà tao có nghèo, con tao có ế cũng không đến lượt cái thứ như mày, đừng mơ! Khôn hồn thì một cuốn hai xéo, đừng để tao thấy mặt. Nếu không…

Chẳng thèm đếm xỉa lời van xin của chú Nam, bà Tám lại nhảy chồm chồm, chổi vung cao, đập “chát” xuống nền gạch như minh họa cho cái ý nếu không. Ném xoạch cây chổi giờ đã gãy đôi, bà hầm hầm ra về…

Đến đó tạm hạ màn một. Màn hai nó không được chứng kiến, chỉ nghe kể sơ. Kịch tính không thua kém. Đại loại chú Nam về nhà sụp lạy mẹ, khóc, xin cho chú được… lấy vợ! Lấy ai? Còn ai vào đây; đương nhiên chính cô Trang chiếc đầm, tiếp viên quán Bờ Hồ! Lần này lãnh trọn cơn thịnh nộ của mẹ già đương nhiên là chú. Trời ơi là trời, tao hỏi mày: thế gian đã hết đàn bà hay sao? Trời ơi là trời, phải hồi trận mạc mày chết luôn đi cho tao đỡ nhục, con ơi là con…

Nó đi chăn bò bờ mương thấy quán hớt tóc chú Nam cửa đóng im ỉm. Thằng Tin dửng dưng thông báo: chú không về nữa đâu mà ngóng; dắt cô Trang đi rồi…. Nghe xong, nó bất chợt rũ buồn!

5. Năm năm. Nó đi học xa, về quê nghỉ hè. Ngang qua chốn cũ tự nhiên thấy quán hớt tóc chú Nam lại mở cửa!
Ngạc nhiên, đứng lén dòm thử. Đúng chú Nam rồi. Vẫn cái dáng cao cao khập khiễng. Và kia; người phụ nữ lom khom quét tóc đích thị là cô Trang tiếp viên. Có điều giờ cô ăn mặc giản dị, không mang giày cao gót hay váy đầm xanh đỏ như xưa. Chưa hết; bên trong quán có tiếng chí chóe trẻ con rồi lẫm chẫm đâm bổ ra ngoài… một thằng cu! Sau lưng, người đàn bà lập cập đuổi theo, không ai khác, chính là bà Tám Ú!

Bà Tám đuổi kịp, dang tay ôm choàng lấy anh cu nhỏ. Thằng bé cười khanh khách trong khi bà nó mặt cũng ngời lên, tươi rói một nụ cười…

Truyện ngắn: Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục