Trọn tình yêu quê hương, làng bản
Nhà thơ Trần Xuân Việt. |
Độc giả thấy rằng, vệt sáng làm nên sức hút của thơ Trần Xuân Việt là mảng thơ viết về quê hương. Ở mảng này nhà thơ đã tạo nên một bản sắc riêng. Tất cả được tái hiện trong 3 tập thơ “Dáng quê”, “Vầng trăng Tân Trào”, “Miền Soọng cô”.
Điều mà Trần Xuân Việt muốn gửi gắm vào tập thơ chính là cái tình với quê hương. Ông cất tiếng khóc chào đời ở một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ nhưng lên 7 tuổi ông đã phải theo cha mẹ tản cư lên Tuyên Quang, định cư ở thôn Đồng Xe, xã Sơn Nam (Sơn Dương) bây giờ. Tuổi thơ lớn lên từ đây và cũng từ đây ông đã trưởng thành, được học hành và ra đời cống hiến cho xã hội. Quê hương với Trần Xuân Việt là những kỷ niệm tuổi thơ sâu sắc nơi tác giả được nuôi nấng, lớn khôn; là những vùng đất gắn bó trong những năm dạy dỗ học trò. Mỗi bài thơ viết về nơi đây như là một câu chuyện kể, mộc mạc và thấm đẫm tình cảm: “Tôi lớn lên trên phố nhỏ một thời/Chứng kiến đổi thay từng giờ từng phút/Bao chàng trai ra đi đánh giặc/Các anh không về, phố nhỏ lặng im” (Phố Bâm).
Bằng dòng chảy bất tận của tình yêu và nỗi nhớ, những ký ức tuổi thơ cứ trở đi trở lại trong thơ Trần Xuân Việt: “Đồi quê san sát bàn cờ/Dòng sông Phó Đáy tắm trưa nắng hè/Phượng hồng cháy đỏ tiếng ve/Câu ca dao quyện bờ tre ru hời/Quê nuôi tôi lớn một thời/Lúa ngô khoai sắn vọng lời tháng năm” (Miền Trung du).
Với thơ, Trần Xuân Việt khá tỉ mỉ, ở ông ít thấy sự cẩu thả trong phép dùng chữ nghĩa. Những rung cảm về mảnh đất, con người xứ Tuyên. Quê hương chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp cảm xúc. Và với Trần Xuân Việt, quê hương trên hết chính là hình tượng người mẹ. Quê hương và mẹ trong thơ ông quyện vào nhau làm thành một thực thể không thể tách rời: “Từ trong rơm rạ mẹ thành quê hương”, hay: “Nắng mưa từ những ngày xưa, Mẹ như cây lúa tạc vừa dáng quê”.
Mạch cảm xúc về quê hương cứ dạt dào qua những rung động của hình bóng thân quen. Người yêu thơ ấn tượng với tác phẩm “Mùa gặt” qua hai hình tượng nghệ thuật độc đáo “bông lúa hình vòng cung” và “lưng mẹ”. Hòa vào niềm vui của người nông dân, tác giả lại lặng lẽ nghĩ đến sự vất vả của người mẹ mỗi khi mùa gặt về. Như thân cò lặn lội sớm khuya, tất bật với việc đồng áng dáng còng lưng mẹ tựa như hình bông lúa trĩu hạt. Một sự so sánh đầy tính nghệ thuật thể hiện sự cảm quan tinh tế của tác giả: “Bông lúa hình vòng cung/Giống như hình lưng mẹ/Địu em từ tấm bé/Địu gùi mẹ lên nương”.
Sự chân thật, mộc mạc của thi ca
Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Nam (Sơn Dương), ông được bà con gọi với cái tên thân mật là thầy giáo Việt. Từng là giáo viên dạy văn được nhiều thế hệ học trò yêu quý bởi tính cách hiền hòa và sự nhiệt thành trong công việc. Ông cũng đảm nhiệm các chức vụ Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng ở các trường như: Trường Tiểu học và THCS Tân Trào, Trường THCS Thiện Kế, Trường Tiểu học và THCS Đại Phú, Trường THCS Ninh Lai… Nghỉ hưu, tạm biệt những công việc bận rộn, nhà thơ lui về sống trong cõi riêng của mình. Viết và viết, không nặng nề như một nhiệm vụ, nhưng cũng không đơn thuần là một thú vui. Viết là trút bỏ những suy tư lên trang giấy. Là một cuộc trò chuyện bất tận với chính mình.
Tác giả Triệu Đăng Khoa, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh từng nói, nhà thơ Trần Xuân Việt viết đều, viết khỏe và tỏ ra còn sung sức và tâm huyết với thơ nhiều lắm. Nếu như tập thơ “Vầng trăng Tân Trào” mang dấu ấn một thời trai trẻ của Trần Xuân Việt thời kỳ ông là thầy giáo đang háo hức trên con đường sự nghiệp, đến tập thơ “Dáng quê” dường như tình cảm ông đằm hơn, sâu lắng hơn sau cái sôi nổi có chút vụng về đáng yêu của thời trai trẻ. “Miền Soọng cô” mang dáng dấp của những giây phút chiêm nghiệm, lắng sâu đời người.
Cố nhà thơ Trần Xuân Việt (thứ hai ngoài cùng bên trái) trong một chuyến đi thực tế ở Na Hang.
Nhiều người thừa nhận rằng, thơ của Trần Xuân Việt rất thật, cứ lần theo những bài thơ ta sẽ biết tất cả: Cha mẹ, quê hương, bạn bè, gia đình, người tình, gặp ai ở đâu, nhớ ai thế nào… Thật, chưa hẳn đã là thơ nhưng thơ thì phải thật. Thật đời, thật tình và cái thật của tài hoa… nữa! “Vẫn là cái phận nhà nghèo/Vẫn là cái cảnh gieo neo sớm chiều/Mẹ đùm con, nói lời yêu/Gánh hàng rau với bao nhiêu nhọc nhằn” (Gánh hàng rau).
Giữa đêm khuya ở trong bệnh viện, nghe một tiếng ru của người mẹ trẻ càng khiến Trần Xuân Việt liên tưởng đến điều sâu xa hơn về con người, về thế thái nhân tình: “Mẹ hiền đêm nay của bao trẻ sinh ra/Mẹ hiền của đời là bao thầy thuốc/Trong tim tôi ấm lên điều có được/Mỗi con người là hãy sống vì nhau” (Đêm ở bệnh viện Sơn Dương).
Ông thường viết trong xúc cảm thăng hoa, sự đồng điệu tâm hồn, thơ tạo cho ông chất men say để yêu đời, yêu cuộc sống: Thơ và Trăng là lãng mạn cuộc đời/Thơ và rượu là đôi người tri kỉ/Thơ và người là mối tình muôn thuở/Thơ và em là hạnh phúc của lứa đôi (Lời ru).
Sự chân thật của nhà thơ Trần Xuân Việt được thể hiện qua đề tài. Những tác phẩm bám sát cuộc sống, bám sát những vấn đề của xã hội nhưng không phải vì thế mà thơ ông khô khan đi. Tác giả dùng nghệ thuật trong thơ để giới thiệu “Gương người tốt, việc tốt” bằng cảm xúc, hóa thân hòa quện vào nhân vật bộc lộ một tấm gương điển hình như “Người lính Bí thư”: “Bao năm đi suốt một chặng đường/Theo tiếng gọi của chiến trường giục giã/Dù ở miền Nam hay Trường Sơn trên Cao Nguyên núi đá/Vẫn nhớ quê hương trên mảnh đất nghèo”.
Nhiều người nhận xét, thơ Trần Xuân Việt không quá đặc sắc với những ngôn từ mỹ miều, những vần thơ thật nhẹ nhàng, giản dị tựa như tiếng lòng tuôn chảy. Trần Xuân Việt đến với thơ bằng tình yêu, bằng cảm xúc mãnh liệt, đó là điều độc giả luôn trân trọng ở ông. Ngày 17-5-2022, bạn bè văn chương bàng hoàng trước tin ông đột ngột ra đi, hưởng thọ 74 tuổi. Một nỗi buồn chống chếnh. Một nhà giáo, một nhà thơ đã về với đất mẹ. Ông ra đi nhưng “Dáng quê”, “Vầng trăng Tân Trào”, “Miền Soọng cô” vẫn mãi vang vọng nơi mảnh đất quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết