Tinh tế lời dạy
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hát quan làng của người Tày thuộc loại hình trình diễn dân gian, xuất hiện từ rất lâu đời. Đây là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể.
Ông Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, người chuyên nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày cho biết, những người hát quan làng được đồng bào gọi là Pú quan làng, chủ yếu là đàn ông và là người đứng tuổi. Người được chọn thường là những người khéo ăn khéo nói, có giọng hát mượt mà, có đời sống gia đình hạnh phúc, êm ấm để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc. Nội dung của các bài hát là cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống. Trong mỗi lời hát quan làng đều mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ.
Người Tày ở Trung Yên, Sơn Dương giữ những làn điệu truyền thống.
Ông Hoàng Quang Hột là Pú quan làng “kỳ cựu” của không chỉ thôn Nà Khá, mà của cả xã Năng Khả (Na Hang). Gần 20 năm kinh nghiệm, đám cưới trong thôn, ngoài thôn, trong xã, ngoài xã, ông không nhớ mình đã đưa, đón dâu cho bao nhiêu gia đình nữa. Ông Hột cho biết, trong một đám cưới truyền thống của người dân tộc Tày, hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón dâu, nộp dâu, đưa dâu. Pú quan làng cũng tùy thuộc mình đại diện cho nhà trai hay gái mà có những bài hát khác nhau. Nếu đại diện cho nhà trai, người Tày gọi là Pú hặp, sẽ phải thuộc các bài Cảng pác khao (nộp sính lễ nhà trai cho nhà gái), mơi khẩu ngài hoặc khẩu puâu (mời cơm trưa hoặc cơm tối), Au khươi khẩu lạy (xin phép để chú rể vào vái lạy tổ tiên trước khi đón dâu), So lùa lồng lang (xin dâu về nhà trai). Nếu Pú quan làng đại diện cho nhà gái, người Tày gọi là Ta thống, sẽ phải thuộc các bài So lùa khẩu lạy (xin phép cho cô dâu vào vái lạy tổ tiên), nộp lùa (giao cô dâu). Ngoài ra là các bài hát giao duyên trước khi lên cầu thang hay xuống cầu thang. Tất cả các thủ tục được thực hiện theo lớp lang và được quan làng giãi bày bằng những lời hát mềm mại, ý tứ.
Theo Pú quan làng Hoàng Quang Hột, khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ. Trong hát quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông quan làng.
“Hỏi mơi mừa đẳm táng tổ tiên
Đẳm cầu coi cùm yên khang khải
Cùm lục lan đảy cải mả luông
Vằn đảy lúc pên rườn đuổi pậu
Mời đẳm lồng giường năng lỉn
Hẩng lục lan khẩu lạy...”
(Xin thưa với ông bà tổ tiên
Hôm nay được ngày lành tháng tốt
Phù hộ con cháu bình yên, vui vẻ
Nay các con tìm được người bầu bạn
Mời người già ngồi uống nước chuyện trò
Để con cháu được vào lạy chào hỏi)
Các thành viên lớn tuổi trong Câu lạc bộ hát Then đàn Tính Trung Yên (Sơn Dương) truyền dạy
những lời hát quan làng cho thế hệ trẻ.
Trao truyền thế hệ
Bà Ma Thị Lệ, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên (Sơn Dương) giờ vẫn nhớ những lời hát xin dâu ở đám cưới bà hơn 40 năm trước. Bà Lệ nhớ lại, để xin được cô dâu ở thời của bà, nhà trai sẽ phải vượt qua rất nhiều thử thách của nhà gái như: Lạt giăng chắn lối đi, rồi đến máng rửa chân không có gáo múc nước, vào nhà thì vướng chổi, chiếu thì trải ngược... Lúc này Pú quan làng phải hát để sao cho người bên nhà gái phải ra thu lại và mời vào nhà. Khi bước chân vào đến nhà thì phải hát bài “Chồm lườn” (xem nhà) rồi xin ngồi, mời trà, mời cơm, mời rượu, vượt qua thử thách mới được xin đón dâu về nhà:
“Bây giờ cơm nước đã xong
Tôi xin vào phòng đón rước dâu ra
Lấy về kính mẹ, kính cha
Kính ông, kính bà, kính tổ, kính tiên”
Bà Lệ bảo, lâu lắm rồi, không còn được nghe tiếng hát xin dâu trong đám cưới người Tày ở Trung Yên nữa, số người biết hát cũng dần ít đi. Năm vừa rồi, khi Câu lạc bộ hát Then đàn Tính Trung Yên được thành lập, bà cũng như các ông, các bà cùng thế hệ đã chép lại những bài hát xin dâu mà thế hệ mình đã hát, truyền dạy lại cho các thành viên trẻ tuổi.
Anh La Văn Sứ, thôn Nà Khá, xã Năng Khả cho biết, ngày còn trẻ vẫn theo chân các cụ trong làng đi đưa đón dâu, được nghe các cụ đối đáp để đón được nàng dâu mới về bản vừa vui vừa ý nghĩa. Những năm trở lại đây, tục hát quan làng đã không còn thấy xuất hiện nhiều ở các đám cưới của đồng bào mình nữa. Số lượng người biết hát ngày càng hiếm, tập trung ở các cụ cao niên, thế hệ trung niên trở lại đây đều không biết hát. Anh Sứ sợ một thời gian nữa những lời hay ý đẹp của phong tục này cũng dần biến mất theo thời gian, nên mấy năm nay anh chủ động tìm đến những người còn biết hát quan làng trong xã để học hát và chép lại những lời hát cũ, cẩn thận đánh máy và lưu giữ lại làm tài liệu.
Trên thực tế, người Tày có địa bàn sinh sống khá rộng, song, do khả năng thích ứng nhanh, nên nhiều phong tục, lễ nghi của đồng bào Tày, trong đó có phong tục cưới xin đã bị “phổ thông hóa”. Các gia đình người Tày tổ chức đám cưới đều theo lễ nghi của người Kinh, thuê âm thanh, máy móc hiện đại, sử dụng các bài hát phổ thông. Thêm vào đó, để hát được quan làng đòi hỏi người hát phải biết tiếng Tày và nắm được thuần thục các câu hát, thế hệ trẻ hiện nay thì lại rất ít người có thể sử dụng được ngôn ngữ Tày. Do vậy, tục hát quan làng không còn phổ biến và đứng trước nguy cơ mai một.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, hát quan làng trong đám cưới truyền thống của người Tày ẩn chứa tính nhân văn, lòng nhân ái và là hình thức giao lưu, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng. Chính vì vậy, từ năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện kiểm kê các di sản có nguy cơ mai một, trong đó có hát quan làng của người Tày để trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo bà Hoa, việc giữ lại nét văn hóa đặc sắc này không chỉ để các thế hệ con cháu sau này luôn nhớ và giữ gìn, mà còn góp phần làm phong phú và đa sắc màu cho kho tàng dân ca đám cưới của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết