Dấu mốc lịch sử quan trọng của ngày 19-8- 1945 đánh dấu cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ. Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy cũng đã được nhiều nhạc sỹ lưu lại trong những ca khúc sống mãi cùng năm tháng: Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Phất cờ Nam Tiến của Hoàng Văn Thái, Tiến quân ca, Chiến sỹ Việt Nam của Văn Cao, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Đoàn Vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu, Mười chín tháng Tám của Xuân Oanh...
Những ca khúc ấy không chỉ làm lay động trái tim những khán giả lớn tuổi từng tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà ngay cả lớp khán giả thế hệ trẻ cũng phần nào hình dung được không khí đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc. Trong đó tác phẩm Mười chín tháng Tám của nhạc sỹ Xuân Oanh là một trong những ca khúc bất hủ ghi dấu cho thời khắc lịch sử của dân tộc.
Âm hưởng bài hát gợi nhiều rung động mạnh mẽ, giúp người hát, người nghe cảm nhận chân thực không khí đông đúc, đồng lòng quyết tâm của nhân dân trong ngày 19-8 hôm ấy: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai...”. Bài hát chỉ có 10 câu ngắn gọn, ca từ mộc mạc nhưng sống động, chứa đựng sự quyết tâm cao cả, lời hiệu triệu những trái tim yêu nước.
Trong ngày 19-8-1945, Tiến quân ca đã vang vang trên mọi ngả đường Thủ đô. Âm hưởng hào hùng của bài hát được “lan tỏa”, trở thành hồi kèn xung trận, đồng hành, giục giã các tầng lớp quần chúng lao khổ khắp mọi miền đất nước cùng đứng lên giành chính quyền. Khí thế đó góp phần làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những ca khúc cách mạng bất diệt mãi với thời gian.
Hành khúc đã được nhạc sỹ Văn Cao viết từ cuối 1944, đã lan truyền lên chiến khu và trong những chiến sỹ hoạt động bí mật ở Hà Nội. Bài hát ngân rung trên những chặng đường đánh giặc, sau từng trận đánh khốc liệt, trong mỗi chiến thắng vang dội: “Đường vinh quang xây xác quân thù/ Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu/Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên, cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Bản hành khúc Cùng nhau đi Hồng binh như khơi lại lịch sử hào hùng dân tộc: “Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh”. Đây là ca khúc mà dân ta, những công - nông - binh đã hát vang lên trong những ngày tiền khởi nghĩa, những ngày Tổng khởi nghĩa và cả những ngày đất nước lập lại hòa bình sau năm 1945. Cùng với những giai điệu tự hào khác thì Cùng nhau đi Hồng binh đã được xem là ca khúc bất diệt của Cách mạng tháng Tám, của những ngày dân tộc sục sôi đứng lên giành độc lập.
Hai hành khúc của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước là Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên làm lay động lớp lớp thế hệ thanh niên. Với giai điệu trầm bổng, lời ca hào hùng, hành khúc Lên đàng viết ra trong niềm hứng khởi của cao trào cách mạng “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng...”.
Giai điệu hào hùng như một chất keo gắn chặt, liên kết các tầng lớp thanh niên tạo thành một sức mạnh lớn lao. Với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, tinh thần lên đàng của mùa thu lịch sử 77 năm trước tiếp tục là lời hiệu triệu tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến: “Nhìn non sông ta trời mây bao la muôn đời/ Tâm hồn phơi phới/ Mau nhìn hoàn cầu, khá trông năm châu/ Cùng nhau tung chí anh hào…”.
Có những nhạc phẩm mãi mãi bất tử gợi nhớ năm tháng lịch sử của đất nước. Và đã trở thành tài sản cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Những giai điệu, ca từ ấy đã hun đúc tinh thần và lòng yêu nước của lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết