Nhạc sỹ Tân Điều.
“Ơ ơ ơơơ ơơơ ơơơ ơ
Róc rách róc rách tiếng suối ngàn,
Thánh thót thánh thót lời chim ca
Chập chùng chập chùng
núi cao, đường về Tân Trào”.
Hồi tưởng lại sự ra đời của ca khúc Đường về Tân Trào, nhạc sỹ Tân Điều chia sẻ, lúc đó vào năm 1995, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Công an tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn ngành tại Hải Phòng. Mặc dù có kế hoạch từ trước nhưng do công việc chuyên môn nên việc tập trung đội văn nghệ để tập chương trình chỉ còn thời gian khoảng hai tháng. Vì vậy, chỉ sau ít ngày luyện tập, thấy các tiết mục đã hòm hòm, Phòng Chính trị Công an tỉnh quyết định chạy thử chương trình, mời lãnh đạo xuống duyệt. Diễn xong tất cả lãnh đạo và anh em diễn viên cùng ngồi lại để rút kinh nghiệm, đồng chí Mai Phòng đội trưởng và nhạc sỹ Tân Điều báo cáo quá trình tập luyện, ý tưởng về kết cấu chương trình.
Đồng chí Phó Giám đốc Nguyễn Văn Diêu biểu dương sự cố gắng của anh em, về chuyên môn thì hoàn toàn tin tưởng vào đạo diễn, còn về phần nội dung, đồng chí đề nghị nên có thêm tiết mục nói về quê hương Tuyên Quang gắn với hình ảnh Bác Hồ. Vì đây là nét độc đáo không phải tỉnh nào cũng có, ta nên tận dụng lợi thế này. Tất cả mọi người đều công nhận, nhạc sỹ Tân Điều đứng lên nhận lỗi vì khi vào tập anh em chỉ chú trọng đến chuyên môn mà chưa nghĩ đến những khía cạnh về chính trị, bản sắc văn hóa tỉnh nhà.
Anh em suy nghĩ mãi, nhưng khó nhất bây giờ là thay bằng tác phẩm cụ thể nào? Những tác phẩm tập thể thời gian có hạn không cho phép. Bàn đi tính lại, chỉ có tiết mục đơn ca của Đức Điệp là có thể thay đổi vì nội dung bài ấy cũng khá chung chung. Cái khó đặt ra là anh Đức Điệp lại không có bài “tủ” nào đáp ứng được nội dung này. Càng bàn lại càng rối, cứ mỗi người một ý, cuối cùng đồng chí Nguyễn Văn Diêu đứng lên kết luận: “Thôi, tất cả nhờ thầy Điều! Thầy cố gắng tìm hoặc là sáng tác một bài cho đồng chí Điệp hát! Bây giờ cả đội khẩn trương tập những tiết mục đã có trước, dành thời gian cuối cùng cho tiết mục của đồng chí Điệp”.
Là đạo diễn nhạc sỹ Tân Điều không thể từ chối, về nhà ông lục tìm trong kho sách nhạc của mình, kể cả trong trí nhớ để tìm bài đơn ca cho Đức Điệp. Đây là một giọng hát khá đặc biệt, cây đơn ca chính của đội văn nghệ Công an tỉnh với chất giọng nam cao nhưng rất ngọt ngào ấm áp. Không phải chỉ trong ngành Công an mà trong phong trào ca hát của tỉnh anh đang là một ngôi sao. Lần này, tuy không nói ra nhưng trong suy nghĩ của lãnh đạo đặt kỳ vọng rất nhiều vào tiết mục của anh. Sau mấy ngày lục tìm vẫn không có bài nào thật ưng ý để Đức Điệp hát, nhạc sỹ Tân Điều bắt đầu suy nghĩ về một bài hát mới, nhưng thời gian cứ trôi đi vẫn không nghĩ ra được nốt nhạc nào.
Để tìm cảm xúc và lấy lại không khí sáng tác, vào một ngày thứ bảy nhạc sỹ Tân Điều quyết định về quê Tân Trào. Không thể nói là không có cảm xúc, có quá nhiều là đằng khác nhưng nó cứ mông lung, lộn xộn không theo một sự sắp xếp nào. Buổi chiều, ông đạp xe vào thôn Tân Lập, chiều quê hương thật thanh bình, trên cánh đồng đàn trâu đang ung dung gặm cỏ, những mái nhà sàn thấp thoáng dưới rặng cây. Chẳng mấy chốc cây đa Tân Trào đã hiện ra, giữa cánh đồng mênh mông gió thổi mát rượi, nhìn xa xa phía lán Bác Hồ thấy trên đỉnh núi Hồng mây giăng trắng xóa. Đang miên man, bất giác một câu hát vọng lên trong đầu:
“Trong gió núi mênh mông
Mây giăng trắng núi Hồng”
Trước đó nhạc sỹ Tân Điều chưa hình thành bất cứ một ý tưởng, chưa biết nên sáng tác bài hát như thế nào. Nhưng một câu hát ở đâu bỗng hiện về, thế là tâm hồn ông cứ bồng bềnh, lửng lơ bay theo. Cái nghề sáng tác thật kỳ lạ, đang rối như tơ vò, tưởng như rơi vào bế tắc lại thấy con đường xuất hiện. Khi đã tìm ra lối đi rồi thì con đường cứ tự nhiên mở ra, dù chưa biết đi đến đâu nhưng sẽ không dừng lại. Thế là suốt buổi chiều hôm ấy ông cứ luẩn quẩn, tha thẩn bên gốc đa Tân Trào rồi lại vào trong lán Nà Nưa, lại hình dung về hình ảnh Bác đi lại trên con đường nhỏ, lại mường tượng về dòng sông Phó Đáy nơi Bác đi qua. Vừa đi vừa suy nghĩ và cuối cùng ông cũng hoàn thành được một đoạn của bài hát:
“Trong gió núi mênh mông
Mây giăng trắng núi Hồng
Ơi con đường nhỏ Bác đã đi qua
Ơi sông Đáy này Bác đã dừng chân
Để mãi còn ngân vầng trăng đầy thuyền”.
Sau này về nhà, thấy cần thiết phải bổ sung thêm lời vào đoạn kết này cho hoàn chỉnh, ông đã viết thêm lời hai:
“Vang vang khúc ca xưa
Trong mái lán Nà Lừa
Ơi con đường nhỏ Bác đã đi qua
Ơi sông Đáy này Bác đã dừng chân
Hình Bác còn đây cùng với núi rừng”.
Thông thường sáng tác một tác phẩm, người ta sáng tác từ đầu đến cuối, nhưng với “Đường về Tân Trào” ông đã “nhỡ” làm ngược lại. Tức là sáng tác xong đoạn cuối mới quay lại sáng tác đoạn đầu. Vì làm ngược nên rất khó xử lý, không biết nên mở đầu như thế nào. Ông đã thử mấy cách, trong đó một cách mời chào theo kiểu du lịch, giới thiệu Tân Trào là quê hương cách mạng, nơi Bác Hồ đã về đây để lãnh đạo kháng chiến, bây giờ Tân Trào đã đổi thay, với phần giai điệu âm nhạc sôi nổi, trẻ trung, khí thế. Nhưng khi hát lên lại thấy không ổn vì chất giọng của Đức Điệp chỉ hợp với những bài nhẹ nhàng sâu lắng, nếu cứ để anh hát theo kiểu nhún nhảy như thế sẽ rất khó cho anh.
Phải sửa lại đoạn đầu, suy nghĩ như vậy nhưng sửa như thế nào thì thật khó, thời gian cứ từng ngày trôi đi, ông bắt đầu thấy lo lắng. Đang trong lúc rơi vào bế tắc thì một hồi ức xưa đã cứu cánh cho nhạc sỹ, chẳng hiểu sao những hình ảnh ngày xưa lại hiện về. Đó là cái thời đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước, con đường từ Tân Trào ra Sơn Dương mới được mở, dù ô tô đã đi lại được nhưng còn rất khúc khuỷu, gập ghềnh. Hai bên đường rừng cây rậm rạp, ở nhiều đoạn cây cối um tùm vươn trùm sang nhau, khi qua đây cứ như đi trong rừng vậy. Chim chóc thì nhiều vô kể, có hôm còn xuất hiện hàng đàn khỉ làm náo loạn cả khu rừng, thỉnh thoảng lại có một đoạn suối nước róc rách chảy từ trên núi xuống.
Tất cả những hình ảnh đó bỗng hiện về làm tâm hồn xao động, bồi hồi bâng khuâng và cả sự tiếc nuối. Ngẫm lại bây giờ đường về Tân Trào đã rộng thênh thang, dốc cao được hạ thấp, những đoạn cua vòng được nắn lại thẳng băng. Các thế hệ sau sẽ không còn được biết những hình ảnh hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng ngày xưa. Hãy ghi lại những cảm xúc này. Và thế là nhạc sỹ Tân Điều đã thay lại đoạn đầu bằng những nét nhạc mềm mại trong sáng hơn, giai điệu gần với dân ca hơn. Phần lời ca chính là những hình ảnh về con đường năm xưa, con đường đã một thời gắn bó với tuổi thơ ông:
“Róc rách róc rách tiếng suối ngàn
Thánh thót thánh thót lời chim ca
Chập trùng chập trùng núi cao
Đường về Tân Trào”.
Khi hết đoạn ông viết thêm một câu nhạc ngắn để chuyển sang đoạn hai cho hợp lý hơn. Cũng thật may mắn cho dù hai phần bài hát được sáng tác hoàn toàn tách rời nhau nhưng khi “lắp ghép” lại vẫn thấy hợp lý, trở thành một ca khúc có hai đoạn đơn rất ăn nhập, hoàn chỉnh. Nhạc sỹ Tân Điều tâm sự, ông thực sự hài lòng với tác phẩm mới này. Để có hiệu quả hơn khi biểu diễn, ông đã viết thêm phần hát phụ họa cho tốp ca nữ. Anh em rất phấn khởi, ngày đêm hăng say luyện tập để kịp với thời gian. Thật hạnh phúc với một tiết mục chuẩn bị gấp gáp như vậy khi biểu diễn lại rất thành công, ca khúc “Đường về Tân Trào” do Đức Điệp và tốp nữ biểu diễn đã đạt Huy chương Bạc. Và còn hạnh phúc hơn với nhạc sỹ Tân Điều, đó chính là một ca khúc sáng tác trong thời gian rất ngắn, ban đầu chỉ như một biện pháp để giải quyết tình thế. Ấy vậy mà lại trở thành một tác phẩm xuất sắc, được trao “Giải thưởng Tân Trào” ngay đợt đầu tiên và được phổ biến rộng rãi cho đến tận hôm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết