Là người nghiên cứu và sáng lập ra phương pháp giáo dục Shichida nhằm nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ và phát triển tài năng của các em một cách toàn diện, cân bằng não bộ, Giáo sư Makoto Shichida đã giải thích một cách khoa học về những năng lực bất ngờ của não phải. Ai cũng nghe và tìm hiểu nhiều về não trái, nơi phát triển ngôn ngữ, tư duy... của con người, nhưng ít ai tìm hiểu về não phải. Vì vậy, cho đến gần đây, bán cầu não phải vẫn được xem như một vùng đất bí ẩn vì các nhà khoa học chưa thể khám phá hết những chức năng mà não phải làm được.
Bằng thực tế tại Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản và nhiều trường hợp cụ thể của trẻ nhỏ trong đời sống hàng ngày, Giáo sư Makoto đã chứng minh “não phải là phần não siêu nhiên có khả năng thu nhận thông tin dưới dạng rung động từ vũ trụ, là bán cầu não hoạt động vượt ra khỏi giới hạn về thời gian và không gian”. Việc phát triển não phải của trẻ, đặc biệt đối với trẻ từ 0 đến 3 tuổi có thể giúp trẻ có những sáng tạo và những khả năng phi thường. Chẳng hạn như có thể chữa bệnh cho người khác thông qua tưởng tượng bằng hình ảnh, có thể dự đoán trước tương lai hoặc đạt được thành tích học tập vượt trội… Tuy nhiên, để có thể đạt được điều đó cần có sự đồng hành của người lớn, hướng dẫn trẻ luyện tập một cách khoa học để kích thích bán cầu não phải phát triển. Bởi hầu hết trẻ đều phát triển não trái, dần hoàn thiện về mặt ngôn ngữ, tư duy theo thời gian.
Não phải còn được coi là “giác quan thứ sáu và khả năng nhìn thấy những thứ vô hình”. Những nghiên cứu được chỉ ra cho thấy não phải cũng có 5 cơ quan cảm giác như não trái, tạo nên khả năng trực giác của con người. Khả năng trực giác đó được biểu hiện cụ thể là: Thần giao cách cảm, nhìn xuyên thấu, chạm cảm nhận, linh cảm và di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ. Tất cả các khả năng này đều liên kết với năng lực tưởng tượng của não phải. Bởi vậy, khi một đứa trẻ được hướng dẫn một cách khoa học có thể giúp não phải phát triển và phát huy được hết khả năng tiềm ẩn. Chẳng hạn “não trái cũng có khả năng ghi nhớ nhưng đó là ghi nhớ thông tin có chủ ý, nhưng não phải lại ghi nhớ thông tin một cách tức thời như khi chúng ta chụp một bức ảnh. Não phải không chỉ ghi nhớ những thông tin phức tạp mà cùng lúc có thể phân tích, suy luận, thấu hiểu và lĩnh hội nội dung cốt lõi của thông tin đó”. Vì vậy, không có gì bất ngờ nếu các bé 4 - 5 tháng tuổi dù chưa hề học Toán vẫn có thể dễ dàng làm các phép tính...
Tại Việt Nam đã có Viện Giáo dục Shichida, mang đến phương pháp tiếp cận mới nhất trong giáo dục thông qua việc “đánh thức” những khả năng tiềm ẩn của bán cầu não phải ở trẻ nhỏ. Nhưng điều quan trọng là dù sử dụng phương pháp giáo dục nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là phát huy tốt nhất khả năng của trẻ và tạo môi trường để trẻ phát triển toàn diện.
Gửi phản hồi
In bài viết