Gia tài của bố

Ẻn không nhớ bố hưởng chế độ thương tật trong chiến tranh được bao nhiêu năm. Nhưng anh nhớ rất rõ số ngày bố bị cắt mất tiền trợ cấp hằng tháng. Mấy ông già bằng tuổi bố trong xóm bảo “bác Ẻn nhiều năm hưởng tiền trợ cấp, giờ lại bị cắt đi chỉ vì thiếu giấy tờ thì thật đáng tiếc. Bao nhiêu đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước giờ thì cũng chỉ như người ở nhà. Chẳng lẽ bố cháu lại không giữ được một trong số những giấy tờ quan trọng đó? Phải đi ra tỉnh, xuống quân khu tìm giấy tờ gốc chứ? Mà cũng thật lạ là ông không cất giữ được một cái giấy tờ gốc nào để chứng minh à?” Mấy ông vừa uống nước chè vừa chuyện trò rôm rả. Tìm rồi. Đi rồi nhưng không ăn thua đâu mấy ké ơi. Mất thì chịu thôi, chứ giờ biết làm thế nào.

Ẻn đã cất bước đi tìm lại giấy tờ gốc trong hồ sơ của bố nhưng các anh ngoài tỉnh đã trả lời, hồ sơ gốc của bố không được lưu trữ tại quân khu thì chịu rồi.

Nhiều năm trước cứ mỗi dịp lễ tết là cán bộ xã đến tận nhà trao một túi quà vào tay bố. Mỗi năm, ngày Thương binh - Liệt sỹ bố còn được mời lên xã dự lễ kỷ niệm, ăn một bữa cơm  nữa. Có năm bố còn được đi an dưỡng, thăm lại chiến trường xưa. Sau ngày bị cắt chế độ bố có vẻ buồn lắm. Dù bố luôn miệng bảo “không tìm được giấy tờ, nhà nước cắt đi thì không thể trách ai được Ẻn à. Có được vài đồng cũng tốt, không có cũng không thể chết đói được đâu. Nhà mình có đất ruộng, đất nương cố gắng làm lụng thì thóc sẽ đầy bồ, ngô đầy trên gác bếp, khoai chất đầy trong loỏng, không lo đói đâu”.

Bố nói sẽ không buồn. Buồn cũng đâu giải quyết được vấn đề. Đồng đội của bố có người còn mang trong mình đầy thương tật, mỗi khi trời giở chứng là cơn đau hành hạ. Máu xương của đồng đội đã hóa vào đất, đã hóa thành cây xanh trường tồn với thời gian, đất trời. “So với nhiều đồng đội thì bố vẫn còn may mắn lắm Ẻn à. Bố còn lành lặn trở về, có được các con các cháu. Đồng đội bố có người không trở về, có người trở về có con thì bị dị tật nặng nhìn thảm thương lắm”. Bố nói vậy. Ẻn biết vậy. Nhưng người ta chỉ nhìn thấy bên ngoài chứ làm sao nhìn thấu tâm can của con người? Ẻn biết bố buồn từ trong sâu thẳm kia. Không buồn sao được khi có hai người con bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ bố, tính tình của chúng không được bình thường như bao người khác.

Ẻn còn nhớ rất rõ khi anh Trịnh bí thư xã Đoài Dương xuống tận nhà đưa tờ quyết định tạm dừng trợ cấp tiền hằng tháng của huyện Co Xầu cho bố, khi nào gia đình tìm được tờ quyết định ra quân hay bất cứ giấy tờ chứng minh đã từng chiến đấu ở mặt trận phía nam thì nhà nước sẽ tiếp tục chi trả trợ cấp hằng tháng cho bố. Bố sẽ được truy lĩnh những tháng bị tạm dừng trước kia. Anh Trịnh bảo Ẻn cố gắng tìm bằng được giấy tờ để bổ sung vào hồ sơ sớm cho bố Píu. Bố Trịnh và Píu kết tồng với nhau.

Trịnh biết bố Píu xứng đáng được hưởng trợ cấp hằng tháng. Nhưng quy định mới phải bổ sung giấy tờ thì Trịnh cũng không biết làm gì hơn. Xã có hai trường hợp phải bổ sung giấy tờ, còn cả huyện thì có đến mấy chục trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ. Trịnh đã bày nước đi cho Ẻn tìm đến những nơi có thể giúp đỡ mình. Ẻn đã đi tìm gặp những người cùng đơn vị với bố. Nhưng đa số các bác đã không còn, số ít còn sống thì đầu óc lại không còn tỉnh táo. Cũng đã bảy mươi tám mươi cả rồi, người mang trong mình mảnh đạn, người mang trong mình chất độc hóa học, chất độc da cam thì làm sao mà còn tỉnh táo như thời trai trẻ được nữa. Thậm chí khi Ẻn nói đến bố Píu có người còn không nhớ ra.

Cho đến khi Ẻn đưa tấm hình đen trắng thời trẻ của bố cho đồng đội bố xem thì trên khuôn mặt sạm đen, lớp da nhăn nheo mới lờ mờ nhận ra người đã từng một thời cùng vào sinh ra tử. Nhớ người nhớ tên mà không nhớ chính xác quê quán. Làm sao có thể nhớ chính xác, lâu quá rồi còn gì. Mấy chục năm đã trôi qua, đất nước bao lần thay đổi. Ẻn tìm đến nhà năm người cùng đơn vị với bố. Hai người đã mất được vài năm rồi. Ba người còn lại thì một người đang nằm liệt giường, người mắc chứng đãng trí, người đôi tai không còn được thính, mắt mờ chân tay run run. Ẻn ra về mang theo nỗi thất vọng. Nhìn vào tấm thân đồng đội bố Ẻn biết thời gian của các bác không còn bao nhiêu.

Đời người như ngọn đuốc đã cháy đến đoạn cuối cùng. Ngọn đèn sắp cạn dầu vẫn leo lét cháy những giọt năng lượng cuối cùng. Con cháu muốn kéo dài tuổi của ông cha mình thêm một chút, người già cũng muốn sống lâu thêm vui với cháu, con. Đất trời xoay chuyển, có ai cưỡng được quy luật sinh tử đâu. Cái lá vàng cố bám víu vào cành cây, nhưng rồi sẽ đến lúc sẽ phải rụng lìa. Có thể bố sẽ ra đi trước khi tìm được các loại giấy tờ mà bố đinh ninh là đã cất kỹ lắm ở một nơi nào đó. Chẳng biết bố cất giấu ở đâu mà lục tung cả nhà lên cũng không tìm được một loại giấy tờ chứng minh bố đã từng tham gia chiến đấu, nhận huy hiệu giải phóng, huân huy chương. Việc tìm giấy tờ của bố chẳng khác gì tìm hạt vàng trong đống cát sỏi trong lũng Ma Nu.

Bố mất sau mười năm, mười tháng, chín ngày sau quyết định tạm dừng trợ cấp chế độ theo quy định mới. Bố ra đi thanh thản, không còn gì vương vấn, lưu luyến nơi trần thế lắm ngang trái, khổ đau này. Anh Trịnh đến chịu tang bố Píu như một người con tồng. Trịnh nhìn vào cái quan tài bố tồng cảm thấy có lỗi với người đang nằm bên trong. Đáng lẽ trên quan tài Píu phải được phủ lá cờ đỏ sao vàng, cán bộ xã thay nhau túc trực bên cạnh. Ngày bố mất Trịnh đã kiên cường, nước mắt đã lặn vào trong lòng.

Các cụ bảo đàn ông con trai nặm tha luây thất (nước mắt chảy ngược vào trong), nhưng Trịnh lại rơi nước mắt trước linh cữu bố tồng. Tự nhiên nó thế. Nhìn vào cái di ảnh để trên quan tài nước mắt tự chảy ra không cầm lòng được. Một người cả đời trai trẻ dành trọn cho chiến trường, thân mang bệnh, con mang tật mà lại không được hưởng chế độ vì thiếu giấy tờ bổ sung. Trịnh đã giúp Ẻn bằng khả năng của mình. Sức Trịnh có hạn thôi. Như cái gánh nặng trên vai mình, chỉ có thể mang sáu bảy chục cân, chứ trăm cân thì Trịnh sao có thể gánh nổi? “Thôi chú ạ, bố đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, không vương vấn cõi trần.

Mong hồn bố sớm được đoàn tụ với tổ tiên, phù hộ con cháu làm ăn trúng quả như mùa nấm sau mưa thì tốt biết mấy”. Trịnh nói với Ẻn lúc này đang rầu rĩ về hai người em. Rồi không biết cuộc đời của chúng sẽ ra sao? Có ai chịu lấy người tâm tình không được bình thường về làm chồng làm vợ? Bố nằm đó mà chúng nó vẫn cười nói như không có chuyện gì. Trịnh đến bên hai người vỗ về hai người em, dặn dò mấy câu gì đó Ẻn không nghe rõ. Ẻn đang nghe thầy tào dặn dò lễ nghi phải làm trong ngày cuối cúng ma sẽ có rất nhiều thủ tục.

*

Hôm nay Ẻn đến giúp anh Vĩnh cháu bà bá dỡ ngôi nhà sàn có tuổi đời gấp ba, bốn lần số tuổi của anh. Những cây hoành bằng tre bám đầy bồ hóng, không bị mọt, mục nát. Tre già mà được gác trên gian bếp thì bền lắm. “Những cây hoành này có để không anh?”. Ẻn hỏi Vĩnh. Mấy cây hoành tre thì để làm gì? Cắt khúc bổ ra để làm củi chứ còn làm gì được nữa. Ẻn cầm cưa tay cắt từng khúc tre ra mỗi khúc dài gần bằng sải tay. Cái gì thế nhỉ? Ẻn để ý một cái hoành có hai đốt thông nhau, được bịt kín đầu bằng giẻ rách. Bà bá cất vàng, cất bạc trong ống tre sao? Ẻn gỡ nút giẻ rách ra thò tay vào ống tre. Lại một ống tre nhỏ hơn được cất trong cây hoành to.

Chắc chỉ có vàng bạc mới được cất giấu kỹ như thế. Ẻn gọi anh Vĩnh đến chỗ những cây hoành đã được cắt rời từng khúc. Vĩnh cũng rất bất ngờ. Anh không ngờ trong cái hoành tre lại có một ống tre nhỏ. Vĩnh mở nút đậy ống tre ra. Nhưng bên trong không phải là vàng, bạc. Bên trong ống tre là giấy tờ mua bán đất, giấy tờ từng thửa ruộng, mảnh nương, khoảnh vườn của gia đình, gia phả dòng họ. Giấy tờ được viết bằng Hán tự, có dấu vân tay điểm chỉ. Vĩnh để giấy mua bán đất sang một bên, mở một cái bọc khác ra xem.

Cả Vĩnh và Ẻn đều mở to mắt trước thứ vừa được Vĩnh giở ra. Trước mắt Ẻn là những giấy tờ gốc của bố Píu. Đây là tờ quyết định ra quân, tờ quyết định được thưởng huy hiệu giải phóng… Đó là gia tài lớn mà cả đời phấn đấu của bố mới có được nó. Nhưng gia tài của bố sao lại được cất giấu ở nhà anh Vĩnh? Chỉ vì thiếu những cái giấy tờ này mà bố đã bị cắt chế độ. Ẻn đã tất tả ngược xuôi, gõ bao nhiêu cánh cửa, lục tung bao nhiêu cái tủ mà không thấy. Bố đã đi rồi giờ những cái giấy tờ đó mới tòi ra, có còn có ích gì nữa đây? Giả dụ anh Vĩnh không dỡ nhà thì có lẽ sẽ chẳng ai biết được những cái giấy tờ đó còn tồn tại. Anh Vĩnh cũng không biết được lai lịch mua bán từng miếng đất, không biết được cuốn gia phả, không biết được những ngôi mộ cổ của gia đình được chôn cất trên những quả đồi kia.

Bà nội Ẻn vì sợ nhà sẽ lại xảy ra hỏa hoạn nên đã đem những giấy tờ quan trọng đến nhờ chị gái cất giữ giùm. Giấy tờ quan trọng khi không dùng đến thì chẳng ai lại đi moi móc nó ra làm gì cả. Cho đến khi mất bà cũng không nhắc đến giấy tờ nhà cửa, đất đai được cất giữ ở đâu. Bố Píu cũng tin rằng những giấy tờ quan trọng của gia đình đã chôn vùi trong biển lửa lúc cháy nhà rồi. “Những giấy tờ của gia đình em cầm về đi. Giá như tìm được những thứ này sớm hơn thì tốt biết mấy”.

Anh Vĩnh nói với Ẻn. Ẻn sẽ mang bọc thư, giấy tờ của gia đình về. Nhưng anh sẽ làm gì với mấy cái giấy tờ của bố? Bố mất rồi mấy loại giấy tờ này có còn tác dụng nữa không? Tối nay Ẻn sẽ đến nhà hỏi anh Trịnh xem thế nào. Biết đâu bố sẽ được truy lĩnh trợ cấp cho những tháng đã bị cắt tạm thời kia. Biết đâu bố sẽ được truy lĩnh những khoản tiền mà bố đáng lẽ phải được hưởng. Nếu không được chấp nhận, Ẻn sẽ đem mấy thứ này đốt đi cho bố. Ở bên đó khi nhận được gia tài lớn của mình, bố sẽ cười trong niềm vui sướng. Ẻn tin như thế.

Truyện ngắn: Nông Quốc Lập

Tin cùng chuyên mục