Cuốn sách “Việt Nam đẹp nhất tên Người”.
Tác giả Khánh Linh đã tuyển chọn, sưu tầm những câu chuyện kể về Bác để giúp người đọc cảm nhận được nhân cách thanh cao, giản dị, tấm lòng bao la, nhân hậu… của Bác dành cho nhân dân Việt Nam, cũng như bạn bè thế giới. Bắt đầu từ câu chuyện chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. “Với quyết tâm và lòng yêu nước sâu sắc, Bác đã làm nhiều nghề khác nhau như: phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết… suốt từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối hằng ngày. Bác chỉ mong sao tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc”.
Rồi đến ngày Bác trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Mùa xuân năm 1941, đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng, gặp cái gì Bác cũng nhìn ngắm say sưa “từ ngọn cây, chiếc lá đến những con cá tung tăng dưới dòng suối trong”. Bác vẫn mặc bộ quần áo chàm người Nùng từ bên Tĩnh Tây (Trung Quốc). Cuộc sống nơi chiến khu Việt Bắc tuy vất vả, thiếu thốn nhưng Bác luôn lạc quan. Dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác luôn dậy sớm rèn luyện thân thể. Bác quan tâm từ cụ già đến em nhỏ, các chiến sỹ làm việc quanh mình. Để tiện cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, Bác viết cuốn “Lịch sử nước ta” bằng thơ lục bát. Tại chiếc bàn đá chông chênh ở hang Pác Bó Người vẫn dịch cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” để làm tài liệu dạy học, huấn luyện cán bộ.
Cuộc gặp gỡ giữa Bác với Hoàng thân Xuphanuvông (Lào) ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9 diễn ra thật đầm ấm. Sự sâu sắc, tinh tế của Người còn được thể hiện rõ khi tặng quà cưới cho vợ chồng con trai Hoàng thân là chiếc bút máy Hồng Hà và bút máy Cửu Long. Qua đó muốn khẳng định tình cảm khăng khít, gắn bó bền chặt giữa hai đất nước, hai dân tộc: “Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Lê - ô Phi - ghe, người từng là Tổng Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng hòa Pháp, vừa là Chủ nhiệm tờ báo Tiền phong của Đoàn Thanh niên Cộng hòa Pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 2 lần tại nơi ở của Người ở chiến khu Việt Bắc đã kể lại ấn tượng sâu sắc của mình về Bác (bài viết được đăng trên Báo Nhân đạo cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp). “Ở đồng chí, tất cả đều giản dị. Nhà lãnh đạo kiệt xuất ấy mặc chiếc áo cổ truyền của người nông dân Việt Nam và đi dôi dép lốp. Đồng chí là một người Việt Nam sống giữa những người Việt Nam”.
Những câu chuyện cảm động khi Bác về thăm quê, gặp lại người bạn xưa cùng làm trên con tàu sang Pháp; những lần Bác đi xuống cơ sở động viên nông dân, xã viên hợp tác xã tích cực sản xuất… Mỗi câu chuyện càng cho thấy tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết