Cuốn sách là tập hợp các bài phóng sự của nhiều nhà báo nước ngoài từng có mặt trực tiếp tại Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Mỗi người kể lại trải nghiệm của mình - từ mặt trận, hậu phương, sân bay, nội thành Sài Gòn lúc ấy. Họ đã chứng kiến các đoàn quân Giải phóng tiến vào thành phố, mang theo tinh thần kiên định “dân tộc Việt Nam là một” và niềm tin tất thắng. Họ cũng viết về cảnh tượng hỗn loạn của cuộc di tản do Mỹ tổ chức, khi trực thăng nối đuôi nhau rời khỏi Sài Gòn, viết về sự thay đổi nhanh chóng của Sài Gòn, từ một thành phố hỗn loạn trở nên bình tĩnh, trật tự và tràn đầy biểu tượng của thời đại mới chỉ sau một tuần.
Nhà báo Đức Borries Gallasch kể lại cảnh tượng đầy căng thẳng ở sân bay Tân Sơn Nhất, nơi hàng ngàn người chen chúc chờ được sơ tán - những hình ảnh không phải để giật gân, mà là để phản ánh sự suy sụp tâm lý sâu sắc của tầng lớp đã đặt niềm tin vào chính quyền cũ.
Nhà báo người Nhật Noboru Kotani cho thấy một không khí rất đặc biệt của Sài Gòn ngày giải phóng: lặng lẽ, sâu sắc và đầy cảm xúc, thể hiện tâm trạng mong muốn được yên bình của hàng triệu con người sau nhiều thập kỷ chiến tranh.
Là phóng viên kỳ cựu của Associated Press và sau này nổi tiếng với CNN, Peter Arnett viết “Tôi chứng kiến nhiều thành phố sụp đổ vì chiến tranh, nhưng Sài Gòn không đổ vỡ. Nó rũ bỏ một lớp áo cũ - chậm rãi và im lặng - rồi khoác lên mình một điều gì đó mới mẻ. Ngay cả khi tôi không hiểu hết điều gì đang xảy ra, tôi vẫn cảm thấy rõ: đây là một kết thúc có sức chữa lành”. Arnett là người Mỹ, nhưng không né tránh việc thừa nhận vai trò và hậu quả của Mỹ trong cuộc chiến. Ông cũng cho thấy sự tôn trọng sâu sắc đối với người Việt trong cách họ vượt qua thời khắc khốc liệt.
Điều thú vị là nhiều nhà báo thừa nhận rằng họ bị bất ngờ trước thái độ ôn hòa và trật tự của quân Giải phóng khi họ tiến vào Sài Gòn. Nhiều phóng sự mô tả những người lính trẻ đi xe đạp, cầm súng nhưng không nổ một phát đạn, mỉm cười, giữ trật tự giao thông. Một nhà báo viết rằng “cuộc cách mạng được tiến hành trong im lặng - một sự im lặng đáng kính trọng”.
Viết về Sài Gòn sau giờ khắc “số 0”, các tác giả đã cho thấy sau 30/4/1975, Sài Gòn thay đổi nhanh chóng. Chỉ sau vài ngày, những cửa hàng cũ đóng cửa, biểu ngữ cách mạng xuất hiện, loa phóng thanh vang khắp phố phường.
Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đọc cuốn sách này để thấy những góc nhìn của những người ngoài cuộc, đã vẽ nên một bức tranh đa chiều về ngày kết thúc chiến tranh không chỉ trong lịch sử Việt Nam, mà cả trong lương tri nhân loại, giúp độc giả có cái nhìn khách quan hơn về kết thúc cuộc chiến, hiểu thêm về con người Việt Nam can đảm, thích nghi và đầy nhân văn trong biến cố lớn.
Gửi phản hồi
In bài viết