Xứ Tuyên

- Bài thơ của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bình, Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Việt Nam “Hương sắc Nông Tiến”, thành phố Tuyên Quang phác họa một Tuyên Quang đầy xúc cảm.

Xứ Tuyên có từ thuở hồng hoang
Khi người xưa biết dùng mo cau hứng nước
Mài đá làm dao khai mở đại ngàn
Người già nhắc câu “Tuyên thành vạn cổ”
Triều đình phong cho xứ Tuyên mình
Cổ thụ cây, cổ thụ tình người bao dung
Đại ngàn chép sử núi rừng
Vòng vòng lõi gỗ thời gian

Để tôi có một Tuyên Quang
Gió Thổ Sơn gọi nắng vàng sông Lô
Mãi nhớ giọng hò ô
Những cánh buồm đẩy thuyền xuôi ngược
Một thời trai trẻ lưng trần
 
Mãi nhớ về đại hội quốc dân Tân Trào lịch sử
Đoàn quân Việt Nam “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Nhớ chuyện người già nhâm nhi từng cơn gió
Sống chết với đại ngàn muôn thuở
Nhớ gai rừng găm vào dáng mẹ cha
 
Ngày ấy trôi xa
Còn giữ lại chiếc bình vôi và lời Then của mẹ
Chiếc điếu cày và tiếng khèn của cha xôn xao
Giờ mái phố vươn cao
Em về bước ngỡ ngàng
 
Bao cây cầu đỡ chuyến đò ngang
Đón người về Tam Cờ, Xuân Hòa, Xã Tắc
Quảng trường trăng vằng vặc trong đêm hội Thành Tuyên
Hoàng Lan thêm ngát hương
Phố phường nhộn nhịp
Người già chìm trong thao thức
Xứ Tuyên như thực, như mơ.

Với thể thơ tự do, không câu nệ vần điệu, khúc thức, tác giả để mạch thơ như một dòng hồi ức miên man về Xứ Tuyên, từ thuở “…người xưa biết dùng mo cau hứng nước. Mài đá làm dao khai mở đại ngàn”. Miền đất đã làm nên biết bao kỳ tích mà sử sách còn lưu danh “Người già nhắc câu “Tuyên thành vạn cổ”/Triều đình phong cho xứ Tuyên mình/Cổ thụ cây, cổ thụ tình người bao dung/Đại ngàn chép sử núi rừng/Vòng vòng lõi gỗ thời gian”…

Từ thuở “khai mở đại ngàn” đến “cổ thụ cây”, đến “vòng vòng lõi gỗ thời gian” những câu thơ mang tải lớp lớp trầm tích, không chỉ là bề dày lịch sử, cách mạng của quê hương, không chỉ là dòng chảy thao thiết của năm tháng, thời gian. Đất và Người xứ Tuyên tự hào với “Cổ thụ cây, cổ thụ tình người bao dung”. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang đã chở che Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các cơ quan Trung ương… Và cũng tại miền đất bao dung, thắm đượm ân tình này, Đại hội quốc dân đã họp, lãnh đạo toàn dân đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, giành chính quyền trong cả nước “Mãi nhớ về đại hội quốc dân Tân Trào lịch sử/Đoàn quân Việt Nam “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”…

Quê hương, mạch nguồn phù sa mát lành, trù phú bồi đắp, dưỡng nuôi tâm hồn của mỗi người. Mỗi người dân Tuyên Quang dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng luôn tự hào về miền đất mình từng sinh sống. Một Tuyên Quang bình dị, thân thương như lời Then của Mẹ, như tiếng khèn vang ngân ấm áp của Cha… Và trong mỗi bước đi lên hôm nay, người dân Tuyên Quang lại xiết chặt tay nhau, cùng đồng lòng, chung sức viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới “Giờ mái phố vươn cao/Em về bước ngỡ ngàng… Bao cây cầu đỡ chuyến đò ngang/Đón người về Tam Cờ, Xuân Hòa, Xã Tắc…”.

Nếu ở khổ thơ đầu tiên, tác giả dùng giọng kể “Người già nhắc câu “Tuyên thành vạn cổ”/ Triều đình phong cho xứ Tuyên mình…” thì khổ cuối của bài thơ, hình tượng người già - chứng nhân của thời gian, chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của quê hương, một lần nữa lại xuất hiện đầy phấn chấn “Người già chìm trong thao thức. Xứ Tuyên như thực, như mơ”… Khổ kết của bài thơ được bật sáng bởi hai câu thơ thương đến nao lòng “Quảng trường trăng vằng vặc trong đêm hội Thành Tuyên/Hoàng Lan thêm ngát hương”…  Chỉ là vằng vặc ánh trăng đêm rằm tháng Tám, là hương Hoàng Lan lộng ngát gió sông Lô thôi, cũng đủ dùng dằng bước chân bao lữ khách. Xứ Tuyên, một miền đất đẹp và thơ. Một vùng văn hóa bản địa tươi đẹp, độc đáo, đầy hương sắc, một“Xứ Tuyên như thực, như mơ”…

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục