Lão nông “cày ruộng” văn chương

- Từng là chàng trai đất Hà thành, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa (Hà Nội), sau những ngày tháng bôn ba, ông lựa chọn Tuyên Quang là mảnh đất để sinh sống. Doãn Quang Sửu làm nhiều nghề như làm ruộng vườn, nuôi trâu, chụp ảnh dạo... để mưu sinh. Vì thế khi nổi danh với nghề văn, ông được bạn bè hay gọi là “nhà văn nông dân”.

“Học giả đồng quê”

Sinh năm 1949, nay ông đã qua tuổi thất thập, sức khỏe dẻo dai, sớm tối làm lụng. Nhiều người bảo,“tại cái cốt ruộng vườn nên… chuyện gì cũng cày tốt!…”. Được đánh giá là cây bút gạo cội xứ Tuyên về mảng đề tài truyện ngắn. Trong hành trình văn chương Doãn Quang Sửu đã đi bằng đôi chân với tất cả sự nỗ lực, chắt chiu, yêu thương con chữ đến tận cùng.

Ông thừa nhận: “Tôi là một nông dân được học hành tử tế, đã mê văn chương từ nhỏ”. Doãn Quang Sửu kể rằng nhiều người vẫn hỏi ông, cày văn khác với cày ruộng chỗ nào? Ông thâm trầm và khá dí dỏm đáp, cày văn là cày vào chính mình. Còn cày bên ngoài mình, việc ấy là cày ruộng”. Ông không nhảy vào làng văn. Đấy là làng văn chấp nhận ông. Thế nên, ông luôn tự nhủ phải cố gắng, cố gắng hơn nữa… để không phụ lòng ưu ái của làng văn.

Chân dung nhà văn Doãn Quang Sửu.

Chuyện trò cùng ông mới hiểu sự thâm trầm khá uyên thâm của một nhà văn làng quê. Ông bảo, nhà văn Maksim Gorky từng nói: “Văn học là nhân học”. Thả mình vào một cuốn sách văn học sẽ giúp bạn dễ cảm thông với người khác hơn. Đọc sách sẽ giúp bạn hiểu hơn về thế giới xung quanh, để biết cảm thông, chia sẻ với đồng loại, biết yêu thương và san sẻ khó khăn với người khác. Như tác giả nổi tiếng Dale Carnegle trong cuốn Đắc Nhân Tâm đã nói rồi, “Những ai có thể đặt mình vào vị trí của người khác, những ai có thể hiểu những suy tư, cảm nhận của mọi người thì không bao giờ phải lo lắng cho tương lai”. Và trong hành trình viết văn của mình Doãn Quang Sửu đã viết, đặt mình vào mỗi nhân vật để đắm chìm để cùng sống cùng yêu trong thế giới rộng lớn ấy.

Những mảnh đời...

Nơi chôn rau cắt rốn của nhà văn Doãn Quang Sửu ở Phúc Thọ, Hà Nội, ven sông Hồng đỏ mọng phù sa, nên anh lấy bút danh là Doãn Hồng Giang, để thỏa lòng đau đáu nỗi niềm quê. Lên Tuyên Quang lập nghiệp, lại cũng kề sông Gâm xanh trong, nên tác phẩm luôn có nỗi ám ảnh dòng sông bến nước, tạo nên dòng chảy của truyện. Những cảnh đời trong đục, tương phản như bức tranh sáng tối của bối cảnh xã hội.

Cây viết Doãn Quang Sửu có bút lực dồi dào với hơn 300 truyện ngắn được in ở nhiều tập truyện ngắn như “Đi tìm cây rau đắng”, “Ăn cơm mới không nói chuyện cũ”, “Bánh xe hạnh phúc”…Bên cạnh đó ông có cuốn tiểu thuyết dài “Thăm thẳm đường về” đoạt Giải C Giải thưởng của Hội Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2009. Ngoài ra còn nhiều tiểu thuyết ở dạng bản thảo như: “ “Rừng xanh lá xanh”, “Gió bay qua đồi”, “Mây thành”.

Đến với truyện ngắn của Doãn Quang Sửu độc giả nhận thấy một giọng văn linh hoạt, điêu luyện, đa sắc màu. Mỗi nhân vật mang những mảnh đời, số phận khác nhau nhưng luôn được sự chắt chiu nâng đỡ của một ngòi bút chan chứa tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc.

Tập truyện ngắn.

Đọc  “Nốt ruồi hãm vận” ta thấy sự thú vị trong cách dẫn truyện và cái kết mở đầy suy tư. Truyện kể về một cô gái nông thôn vì muốn chồng mình bằng chúng bằng bạn, muốn thay đổi cuộc đời cho chồng nên đưa anh lên tỉnh để “xử lý” cái nốt ruồi hãm vận trên mặt. Cốt truyện và cái tình tiết trong truyện tập trung làm nổi bật người phụ nữ nông thôn ít hiểu biết nhưng rất mực yêu chồng này. Truyện kết thúc khi hai vợ chồng người nông dân nghèo hân hoan ra về khi có đủ vài chục nghìn để thanh toán tiền công cho bác sỹ. Cho dù cái kết thúc của câu chuyện có hậu, song đọc xong vẫn thấy một chút gì xót xa cho thân phận người nông dân chân lấm tay bùn. Họ muốn đổi đời nhưng liệu số phận có chiều theo ý muốn của họ?.

Trong từng câu chuyện, nhiều nhân vật thường bị dồn vào hoàn cảnh éo le, để bộc lộ tâm lý, tính cách. Chẳng hạn, sinh viên nghèo phải thuê phòng trọ chung với ca-ve trong truyện “Chuyện lạ mùa thu”; kết hôn với người bị lây nhiễm để cưu mang trong “Bánh xe hạnh phúc”; vợ chồng phải ly tán, rồi mới ngộ ra giá trị hạnh phúc gia đình trong “Trở lại bến sông…
Có truyện, chi tiết bộn bề, dồn nén cả một thời kỳ dài lịch sử như một tiểu thuyết rút gọn. Và, tác giả nhìn thấy cái thăm thẳm chiều sâu tâm lý nhân vật: 

“Bây giờ, Hằng ngồi kia, cái miệng xinh xắn đang uể oải nhai miếng cơm nguội. Đôi mắt đẹp của nàng đang nhìn xuống mặt đất, nơi có đàn kiến đen đang loạn xạ tìm cách nối đuôi nhau. Thực ra, nàng không nhìn gì cả. Nàng đang nhìn vào lòng mình” (trong tác phẩm “Vôi bạc”). Chỉ một đoạn tả phòng giải phẫu thẩm mỹ, tác giả đã tạo nên bức tranh sinh động về nhiều hạng người trong xã hội, từ cô bác sỹ mở phòng mạch tư, đến bà già tám mươi phải sửa răng để đi hát Sình ca, ông cán bộ nghỉ hưu làm nghề trông xe, đến nhà doanh nghiệp bộn tiền chiều con…

Nhiều truyện đã được đăng trên báo Trung ương như Tuần báo Văn nghệ như “Nốt ruồi hãm vận”, hoặc báo Người Hà Nội đăng tác phẩm “Lên Khuổi Đào”… Và truyện của ông đã được dư luận độc giả đón nhận, đánh giá đầy thiện chí.

Doãn Quang Sửu đến với văn chương đã có một số thành công nhất định. Ông được làng văn công nhận là một cây bút sắc sảo viết về mảng đề tài nông thôn nhưng trước sau ông cũng chỉ nhận mình chỉ là một người viết a-ma-tơ, một “trai cày”- như cách nói vui muôn thuở của ông. Chỉ một điều ông dám chắc rằng: “trang giấy và ngòi bút vẫn luôn người bạn thủy chung, luôn chờ đợi lao động sáng tạo miệt mài của nhà văn. Ông thích nhất câu nói: “Một nghệ sỹ quên rằng anh ta trước hết và chủ yếu là một người lao động thì hoặc đã lầm lẫn trong việc chọn nghề hoặc đã phản bội nó, từ bỏ sở nguyện của mình. Có lẽ, đó là điều cốt tử  nhất đối với những ai muốn dấn thân vào con đường viết văn”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục