Nhạc sỹ Tân Điều tích cực sáng tác, phổ thơ về hình tượng người thầy thuốc.
Tri ân những người thầy thuốc đáng kính, biết bao nhạc sỹ đã đau đáu sáng tác các tác phẩm âm nhạc có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhờ đó góp phần làm mổi bật chức năng, vai trò, vị trí của người thầy thuốc trong đời sống xã hội. Ở Tuyên Quang có một người luôn trăn trở điều đó chính là nhạc sỹ Tân Điều.
Nhạc sỹ Tân Điều, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc-Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết “Tôi đã nhiều lần trông người nhà ở viện và bản thân cũng từng đi viện cả đông y và tây y. Hiểu được những vất vả, hy sinh, trách nhiệm thầm lặng của người thầy thuốc khiến tôi cảm phục, ngưỡng mộ. Trong nhiều bài hát về các lĩnh vực, có lẽ tôi là nhạc sỹ của tỉnh tích cực sáng tác về mảng đề tài người thầy thuốc, ngành y. Nó xuất phát từ sự trải nghiệm, tình cảm, cảm xúc tự nhiên của cá nhân. Tôi chắp bút sáng tác như một sự an ủi, động viên, tri ân, ca ngợi, đồng thời cũng như muốn lan tỏa cái tốt, cái đẹp”.
Một lần đọc được bài thơ “Nghề của em” của tác giả Bích Vân ca ngợi những y, bác sỹ của Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh, nhạc sỹ Tân Điều bắt tay vào phổ nhạc. Bài hát có đoạn “Nghề của em là hoa lá cỏ cây/Hương bay trong nắng sớm em hái em lượn hương đời về đây sắc lên thang thuốc này/Để lòng say giấc ngủ yêu thương, mất đi những cơn đau, sắc hồng về bên má/Lòng em tự hào nghề của chúng em đi tìm cây thuốc quý góp công xây cuộc đời/Lòng rộn vui được cống hiến tuổi xuân/Em chăm cây thuốc quý xây đắp cho ngành y học dân tộc ta góp công xây dựng nước non nhà”.
Trong bài “Đêm phiêu du trong bệnh viện”, nhạc sỹ Tân Điều thả lòng “Lời trong đêm vọng bên tai, như lời ru, như tình yêu đến/Đời phiêu du miền hư vô đi về nơi cuối trời gặp bao người xa lạ, cô đơn/Đời mong manh như nhành lá, đời bồng bềnh như áng mây lang thang, lang thang/Gặp em nàng tiên áo trắng nhìn anh vẫy gọi/Về đi anh, về đi anh/Nơi ánh sáng mặt trời rực rỡ, lung linh sắc hoa, những bài ca về cuộc sống/Về đi anh, về đi anh/Nghe như tiếng ru hời vọng mãi,em như đóa hoa níu gọi anh vì cuộc sống vì tình yêu/Về đi…/Bệnh viện đêm nay ai cũng thức, niềm vui chứa chan, bình minh đã sang chào một ngày mới/Nếu ai đã nghe thần chết gõ cửa, sẽ tin nàng tiên áo trắng luôn ở bên ta”.
Với tư duy nhạy bén thời cuộc và trách nhiệm của người nghệ sỹ cũng là chiến sỹ, sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, ông đã cho ra đời bài hát “Những chiến binh áo trắng” để ca ngợi đội ngũ y bác sỹ trên tuyến đầu vất vả chống dịch. Bài hát có đoạn: “Dịch bệnh như lũ giặc tàn ác, gieo đau thương tang tóc cho bao người/Cả dân tộc bước vào cuộc chiến mới, kẻ thù vô hình chính là giặc crona/Trên trận tuyến không tiếng súng, những người chiến sỹ áo trắng. Không ngại hiểm nguy không nhớ thời gian chăm lo cho từng người bệnh”. Đi về cơ sở, nhạc sỹ phổ nhạc bài “Những người con cộng động”, thơ Hoàng Thanh có đoạn “Anh là y tế thôn, em là y tế bản/Hiểu người dân quê mình, sống ân tình chứa chan/Thương cái vui của bản, giữ tiếng cười của thôn/Làm nhân viên ý tế, những người con cộng đồng”.
Nhạc sỹ Tân Điều tâm sự: “Năm nào đến Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, tôi đều mang tác phẩm âm nhạc của mình đưa lên mạng xã hội gửi tặng đến các thầy thuốc trong cả nước nói chung và các thầy thuốc đang công tác, đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh lời chúc, lời tri ân sâu sắc. Chúc đội ngũ người thầy thuốc luôn sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật trên tinh thần “lương y như từ mẫu”.
Gửi phản hồi
In bài viết