Chợ xép làng tôi được hình thành, là bởi ban đầu nơi đó có một con đường nhỏ dẫn xuống bến chài. Người dân xóm chài sau một đêm đánh lưới, sáng sớm có được mẻ tôm, mẻ tép thường đem lên bờ bán cho người trong làng, lâu dần chỗ đó người ta quen để họp chợ. Rồi nhà nào thu hoạch, trồng được gì cũng tranh thủ đem ra bán. Người bán hàng rong ngang qua cũng hạ gánh hàng, vậy là thành chợ. Hàng hóa không phong phú đầy đủ như chợ chính, chủ yếu là các mặt hàng nông sản theo mùa vụ do bà con tự tăng gia sản xuất. Có khi chỉ là rổ rau má hay những quả bí đỏ, cà chua thóc, bắp ngô. Lúc thì con gà, con vịt, con chó, con mèo, hay mớ tôm, mớ tép… hàng hóa chủ yếu tự sản tự tiêu là chính, nhưng bà con tranh thủ đem bán để có thêm đồng mắm đồng muối.
Đi chợ mục đích là để mua và bán, nhưng đôi khi các bà, các chị đến chợ còn để gặp gỡ, hỏi han nhau chuyện nhà, chuyện đồng. Xem làng có việc gì, nhà kia vui vì có con học hành đỗ đạt, nhà này vừa mới tậu được con trâu, hay gia đình anh chị đó còn khó khăn cần được giúp đỡ… Mọi việc của làng đều được các bà, các chị thảo luận sôi nổi ở chợ.
Thỉnh thoảng tôi được theo chân mẹ ra chợ, thích nhất là được sà vào hàng bánh đúc, xem bà bán hàng tay thoăn thoắt mở lớp lá chuối phủ sàng bánh đúc, xắn từng miếng bánh màu trắng ngà, mịn như thạch cho vào bát. Mê nhất là được thưởng thức cái vị giòn, mát lạnh, còn nồng của mùi nước vôi trong miếng bánh. Vừa ăn tôi vừa được nghe các bà, các chị bán hàng kể chuyện làng, chuyện nước, chuyện họ hàng, dòng tộc. Khuôn mặt phúc hậu của bà bán bánh đúc với hàng răng đen đều tăm tắp, nụ cười giòn tan của chị hàng thịt, sự hài hước, hóm hỉnh qua những câu chuyện kể gây cười của bác hàng dao… làm xôn xao cả một góc chợ. Đến bây giờ khi xa quê lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái khung cảnh bình yên của phiên chợ xép, với những con người hồn hậu quê tôi.
Lâu dần, chợ có thêm cả những người tứ xứ tìm đến để bán gánh thóc, thúng lạc, mớ rau, hoặc gia súc, gia cầm... Và cứ thế chợ có phần phát triển, nhưng những lối quen sinh hoạt, họp của chợ thì không thay đổi.
Chợ xép quê tôi là vậy, đi xa người ta nhớ nhiều về chợ, nhớ về những nét văn hóa đặc sắc của riêng quê mình. Thẳm sâu trong đó là sự cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được vun đắp từ đời này sang đời khác.
Cuộc sống của người dân làng quê tôi diễn ra bền bỉ, âm thầm sinh sôi và những phiên chợ xép vẫn luôn là “di sản” vật chất và tinh thần đặc trưng để mỗi người đi xa lại nhớ về, nuôi dưỡng tâm hồn mình, tiếp thêm nguồn động lực, nỗ lực học tập, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết