Mưa xuân tưới tắm vạn vật. Mưa dịu dàng đánh thức những nụ, những chồi say ngủ trong lớp vỏ cây sần sùi. Hương mùa xuân trong màn mưa bụi, theo nhịp gió vờn hoa, theo màu xanh của chồi non, lộc biếc. Mạch sống mùa xuân cựa mình rồi tuôn chảy thành dòng, thúc thôi dòng nhựa ấm trong thân, để hoa lá, cỏ cây vụt bừng tỉnh giấc mơ đông, rộn rã đón xuân.
Mưa xuân cũng báo hiệu sự tiếp nối không ngừng theo mạch thời gian của một năm, như một chu kỳ nông nghiệp được tổng kết rất rõ ràng: Tháng Chạp là tháng trồng khoai/Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà/Tháng Ba cày vỡ ruộng ra/Tháng Tư gieo mạ thuận hòa mọi nơi... Cây cối bắt đầu chuyển mình và hồi sinh theo nắng mới. Những chồi non xanh mướt sẽ dần nhú lên để đón nhận những giọt sương long lanh trong nắng sương sớm. Hoa bắt đầu nở rộ khoe sắc. Năm nào thấy mưa xuân mẹ tôi cũng bảo: “Mưa xuân đúng độ thì sẽ thuận hòa cho mùa màng tốt tươi”. Ở quê tôi người nông dân thường ngóng thời tiết, xem trời mà đoán nắng, mưa, lạnh, nóng ra sao để gieo mạ, cấy lúa, làm mùa màng, trồng cấy.
Tháng Giêng, khi những hạt mưa xuân đánh thức hoa mơ, hoa mận nở trắng khắp núi rừng cũng là lúc bắt đầu của mùa lễ hội. Hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương nô nức đi trảy hội. Người già lo việc tế thánh, văn sớ, lễ vật sao cho đầy đặn, tươm tất. Cánh thanh niên lo việc trống hội, múa rồng, múa lân, rước kiệu. Các cụ già làng tôi vẫn bảo, hội làng là hồn cốt văn hóa của người Việt. Bởi vậy, trẩy hội đầu xuân hãy đến với những hội làng để được tìm về với nguồn cội, về với những ký ức đẹp đẽ của những miền quê và những nét văn hóa đặc sắc còn được lưu giữ.
Tháng Giêng, đi giữa những vạt mưa phùn mà lòng phơi phới trước bao sắc hương ngọt ngào, nên thơ; những thanh âm bình yên, thuần khiết, diệu kỳ. Lất phất trong màn mưa bụi, lại vẳng nghe thanh âm tiếng trống chèo làng Đặng thân thuộc ngàn năm vang lên giữa sân đình. Những giọt mưa xuân phơi phới bay, những cánh hoa xoan rụng vơi đầy và vẻ đẹp nguyên sơ của cô gái tuổi dậy thì bên khung cửi, của nhịp trống chèo đêm xuân làng Đặng, của mùi hoa xoan thoảng đầy trên những con đường của mùa xuân xứ Bắc còn neo giữ trong những vần thơ của Nguyễn Bính.
Giữa thong dong, tao nhã của Giêng, hai, giữa khí xuân ấm áp, những bước chân náo nức tìm về với những lễ hội truyền thống. Tìm về với nguồn cội thiên nhiên, nguồn cội dân tộc. Những nghi lễ linh thiêng không chỉ để gửi gắm những ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng vọng đối với các vị anh hùng dân tộc, với thần, Phật, thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên; để được rũ bỏ những vất vả, cực nhọc, cũng như những khao khát, ước vọng của con người về một cuộc sống an yên, thái hòa.
Tháng Giêng khởi đầu của mùa xuân, cũng là mùa của bao ước vọng, ước mơ, tình tự, của những hẹn hò, chờ đợi. Trong màn mưa bụi bâng khuâng mà mát lành ấm áp, ấp ủ bao ước mơ, bao dự cảm, giục chồi non lên biếc mà thôi thúc, mà giao hòa sức sống của con người với đất trời tươi thắm của một mùa xuân mới, để chúng ta cùng ta cùng tiếp bước những chặng đường mới. Mỗi người cũng theo đó mà tinh thần thư thái, tâm hồn lạc quan, nguồn năng lượng dồi dào tiếp thêm động lực cho những dự định, kế hoạch của một năm mới, khát vọng về một năm mới an lành và hạnh phúc hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết