Giữ truyền thống
Năm nào cũng thế, mỗi gia đình người Việt đều chuẩn bị chu đáo cho đêm giao thừa. Bắt đầu từ sáng sớm của ngày cuối cùng trong năm, các thành viên trong gia đình phân công công việc cho nhau trang hoàng nhà cửa, sắp xếp lại đồ dùng ngăn nắp rồi cùng nhau chuẩn bị cỗ tất niên và cỗ cúng đêm giao thừa.
Bà Phan Thị Nga ở tổ 6, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) những ngày cuối năm như bận rộn hơn. Bà bảo, năm nào cũng thế, ông bà và con cái cũng chuẩn bị kỹ mâm cúng đêm giao thừa. Đó là tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhà nào cũng giữ gìn. Bà làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên, một mâm đặt trước hiên nhà cúng thần linh, thổ địa. Gà cúng được bà đặt của người quen ở quê, con gà trống choai đẹp mã, chân vàng. Việc mổ gà cúng cũng phải rất cẩn thận, không được để nước quá nóng khi vặt lông làm hỏng da gà, mất mỹ quan, các cụ sẽ quở trách.
Cũng như bao gia đình Việt, khi thắp hương đêm giao thừa xong, bà Nga cùng con cháu quây quần bên nhau ăn Tết. Bà mừng tuổi con cháu, chúc bọn trẻ những điều tốt đẹp nhất và cùng nhau nói lên những ước vọng trong mùa xuân mới. Bà Nga bảo, một năm bận rộn, con cái có đứa đi làm ăn xa, giờ sum vầy trong đêm giao thừa thế này quý giá biết nhường nào. Mọi người cứ muốn ngồi bên nhau mãi trò chuyện, nhấp chén rượu xuân, thấy thiêng liêng mà đầm ấm. Đó thực sự là sợi dây gắn kết của Tết Việt là thế - bà Nga tâm sự.
Ông Trương Văn Trinh, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) chia sẻ, đêm giao thừa của người Tày mang tính gia tộc và cộng đồng rất cao. Vào đêm giao thừa, dẫu ra ở riêng nhưng con cháu sum họp tại nhà ông bà, bố mẹ thắp hương tổ tiên, rồi cùng nhau ăn bữa cơm thân mật. Cũng trong đêm giao thừa, mỗi gia đình ở đây còn cắt cử một người cùng lãnh đạo thôn đến các nhà chúc tụng, tình đoàn kết thôn xóm thêm bền chặt là thế.
Những giá trị truyền thống trong đêm giao thừa được người Việt gìn giữ, trân trọng để cuộc sống hôm nay có bộn bề đến đâu người ta vẫn tìm về gia đình, quê hương như là bến đậu, là điểm tựa vươn tới tương lai.
Cầu bình an
Trong đêm giao thừa, mọi người cùng nhau lễ đền, chùa, cùng nhau đi xem pháo hoa, vãn cảnh phố phường để đón lộc xuân đầu tiên. Gặp nhau trong thời khắc thiêng liêng dường như không còn khoảng cách, lạ cũng hóa quen gửi đến nhau những lời chúc thân tình, cầu cho nhau năm mới bình an, mọi việc hanh thông.
Người dân mua cành lộc đêm Giao thừa mong một năm mới nhiều điều tốt đẹp.
Cụ Đặng Thị Lý ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) năm nay đón mùa xuân thứ 95, sức có yếu đi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Cụ bảo, mấy năm trước còn khỏe, đêm giao thừa nào cụ cũng đi chùa cầu bình an, cầu cho gia đình có cuộc sống đủ đầy, sung túc. Theo cụ, gia đình giàu có thì quê hương, đất nước mới mạnh giàu. Cụ cao tuổi rồi nhưng mùa xuân mới đến cụ xốn xang lắm, bởi cụ được quây quần bên con cháu chuyện trò. Ngày thường thì bọn trẻ đi làm, đi học suốt, Tết đến cụ mới được bên con cháu nhiều hơn, điều đó thật hạnh phúc.
Nam thanh, nữ tú xem xong màn bắn pháo hoa tại hồ công viên cây xanh (TP Tuyên Quang) rộn ràng bên nhau đi lễ đền, đi mua cành lộc, mua muối với ước vọng một năm sung túc, đủ đầy. Anh Lê Linh ở tổ 12, phường Minh Xuân chia sẻ, một năm đi làm ăn xa, nhớ nhà, nhớ bạn bè da diết. Đêm giao thừa anh cùng đám bạn học cấp ba đi lễ đền đầu xuân, đóng góp một phần nhỏ công đức để cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Anh Linh hay được bà con hàng xóm nhờ “xông đất” trong đêm giao thừa, anh thấy rất thiêng liêng và xúc động bởi, năm nào bà hàng xóm cũng đến nhà bảo, “năm nay lại xông nhà cho bác con nhé. Rồi bác cháu ta trò chuyện…”. Những điều đó như sợi dây vô hình gắn kết tình cảm xóm giềng, nhân lên bao điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Giây phút thiêng liêng đêm giao thừa như mạch nguồn chảy mãi lưu giữ tình thân, tình gia tộc và cố kết cộng đồng cùng nhau hướng đến cuộc sống no ấm, nhà nhà yên vui.
Gửi phản hồi
In bài viết