Nhớ Tết

- Khi những mầm xanh tí tách chồi lên trên những cành cây trụi lá và bụi cỏ khô bên đường nhú lên từng chấm xanh li ti, ấy là lúc mùa đông giá rét đang âm thầm trao lại cho thiên nhiên một màu xanh mát. Gió nhè nhẹ còn sót lại một chút se lạnh của mùa đông. Nắng nhạt màu tỏa hơi thở ấm áp như một cách thông báo mùa xuân đã về.

Với mỗi người dân Việt Nam, mùa xuân và Tết luôn là một thời khắc mang đến rất nhiều tâm trạng và cảm xúc. Dù giờ đây, Tết cổ truyền của dân tộc đã có nhiều biến đổi, từ cách chơi, không khí đón Tết và cách bọn trẻ nhận lì xì… nhưng vẫn còn hiện hữu những thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh. Với lớp người sinh ra và lớn lên từ trước những năm 80 của thế kỷ 20, thì đâu đó vẫn hiện về hoài niệm của Tết xưa háo hức và đầm ấm; yêu thương và sum họp. Xuân sang, Tết về như một điểm hẹn để mỗi người xa quê lại mong ước trở về tìm lại cảnh xưa, người cũ; để đắm đuối vào không gian, cây cỏ mộc mạc mà thân thương. Để rồi khi chia xa, hình bóng quê nhà luôn đậm in trong tim, nhắc nhớ về mảnh đất đã nuôi dưỡng ta nên người.

Quê tôi, một vùng quê thanh bình, không giầu, cũng chẳng nghèo. Khi xuân về, Tết đến mọi hoạt động như thể bị nén lại trong những tháng mùa đông, nay bung ra như hoa mùa xuân nở. Thóc lúa đã gặt về, phơi phóng khô nỏ và đựng trong những bồ đan bằng tre, nứa hoặc đựng trong các hòm bằng gỗ. Củi đuốc đã sẵn sàng. Lợn, gà nhà nào cũng nuôi và để dành cho Tết một vài con gà sống thiến. Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên trời, không khí Tết đã lan tràn khắp xóm. Bọn trẻ chúng tôi háo hức đếm đầu ngón tay từng ngày.

Qua một năm lao động vất vả, giờ là lúc mọi người nghĩ tới những ngày vui, thong dong đón nắng xuân ấm áp. Họ kháo nhau về người nuôi được lợn to nhất, béo nhất; những chuyện bàn về ngày mổ lợn chung nhau ăn Tết, chuyện về việc chuẩn bị bao nhiêu cân gạo nếp để gói bánh chưng cứ rôm rả trên đồng, ngoài xóm. Có lẽ việc mổ lợn ăn Tết là câu chuyện vui nhất, được chờ đợi nhất. Những gia chủ có lợn béo để mổ, thường chế biến bộ lòng với nhiều gia vị, có cả tiết canh, mời mấy nhà hàng xóm ăn bữa tươi đầu tiên trong dịp Tết. Từ ngày 25, 26 tháng Chạp cho tới ngày áp Tết, tiếng lợn kêu eng éc khắp xóm. Từng cột khói trắng bốc lên không trung. Hương lúa mới thơm đượm nồng nàn theo gió quyện với mùi thơm ngầy ngậy của mỡ lợn khiến không khí Tết thêm đậm đà.

Náo nức nhất là ngày 30 Tết. Nhà nhà tất bật dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, sân, cổng sao cho thật tươm tất. Bất luận giầu hay nghèo thì đến ngày 30 Tết nhà nào cũng chuẩn bị đủ những hương vị Tết. Ở quê tôi, hồi đó không có khoảng cách giầu nghèo. Nhà khá giả thì cũng chỉ hơn nhau ít thóc lúa; nuôi được nhiều hơn một vài con lợn, con gà. Tết, nhà khá thì gói nhiều bánh chưng hơn nhà khó. Trong 3 ngày Tết, các gia đình luân phiên sang thăm chúc Tết nhau. Gia chủ thường đón tiếp khách bằng các loại bánh khảo, bánh bỏng gạo nếp và chuẩn bị mâm cơm có bánh chưng, thịt gà, thịt lợn, bát canh xương hầm măng khô, chúc nhau vài ba chén rượu, không khí thân thiết tình làng nghĩa xóm. Bọn trẻ con tụ tập chơi đá quay trên những khoảng đất trống. Cuộc sống nơi thôn quê đơn sơ mà ấm áp tình người.

Thế nhưng, không phải Tết nào cũng vui vầy, đủ đầy. Không phải nhà nào cũng có lợn, gà ăn Tết. Vào những năm thiên tai, mất mùa, nhiều gia đình cạn thóc lúa khi chưa qua tháng Chạp. Nồi cơm độn sắn khoai nhiều hơn gạo. Tôi nhớ có năm, càng ngày giáp Tết mẹ lại càng vất vả hơn. Nhà tôi thuộc diện neo người lao động. Hai anh trai lớn đi bộ đội, một anh hy sinh, một anh thương binh, lại bị nhiễm chất độc da cam. Sức khỏe yếu, cứ ngơ ngơ như người bị thiểu năng. Đã thế, các con của anh sinh ra đều không lành lặn, khó nuôi. Bố tôi làm chủ nhiệm HTX bận công việc, suốt ngày lăn lộn ở trại chăn nuôi lợn, không có thời gian cho gia đình. Chị gái tôi đi lấy chồng ở làng bên, mọi việc đổ dồn tất lên đôi vai gầy của mẹ. Nhiều hôm, mới 3, 4 giờ sáng, trời còn chìm trong sương đêm, mẹ đã thức dậy luộc nồi sắn vừa mót lại trên nương chiều qua để cả nhà ăn lót dạ. Với mẹ, đây là thời điểm bắt đầu một ngày mới tất bật hơn, lo toan nhiều hơn...

Nhớ lại Tết xưa trong bối cảnh xuân đã về và Tết sắp đến. Bỗng thấy trong lòng nôn nao, bồn chồn quá. Bởi, không biết Tết nay những đồng bào của tôi nơi dịch giã bùng phát có được niềm vui đón Tết không? Hình ảnh những chiến sỹ áo trắng, cán bộ nơi tuyến đầu chống dịch vẫn đang căng mình đến kiệt sức. Phía trong bộ đồ phòng dịch của họ là quần áo ẩm ướt không thể phơi khô vì mưa lạnh dầm dề. Thế nhưng, cái rét của mùa đông nơi núi non thăm thẳm đã không thể khiến những trái tim nóng của đội ngũ y bác sỹ có thể nguội lạnh. Họ luôn bên cạnh đồng bào mình, bất chấp đói rét, mệt nhọc và hiểm nguy. Càng thương hơn, các em nhỏ đang tuổi học trò phải sống xa vòng tay cha mẹ trong những khu cách ly, đêm đêm khóc nhớ mẹ, nhớ nhà.

Những ngày này, người ở vùng xanh cũng đang tất bật với những công việc bộn bề cuối năm. Dù còn nhiều lo toan trăn trở, nhưng ai ai cũng muốn góp sức mình cùng những người tuyến đầu chống dịch. Họ mong muốn gửi tới đồng bào vùng đỏ tấm lòng thơm thảo của mình. Những bộ chăn ấm, đệm nằm, máy sấy quần áo, mỳ tôm, rau và cả thịt lợn, sữa hộp đang mỗi ngày được gom góp chuyển lên tuyến đầu. Tất cả nghĩa cử cao đẹp đó dù nhỏ cũng tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến chống covid-19 sẽ sớm thành công.

Xuân nay đã về. Nắng xuân ấm áp. Tình xuân phơi phới niềm tin dịch Covid-19 sẽ được khống chế. Và mùa xuân mang Tết đến mọi nhà.

Hoa Nguyên

Tin cùng chuyên mục