Rồi một ngày, tôi chợt nhận ra rằng, mải chạy theo những đề tài hấp dẫn về những con người phi thường của ngành chè, tôi đã bỏ qua những điều rất nhỏ nhoi ở ngay cuộc sống của mình, những chuyện liên quan đến trà tưởng như rất tầm thường nhưng chịu khó nghĩ sâu một chút thì lại chạm tới những giá trị thú vị. Xin được kể những chuyện nho nhỏ về những người yêu trà ở quanh tôi.
Người yêu trà thứ nhất, là ba tôi.
Ba tôi có lẽ vào hàng những người nghiện trà bậc nhất ở nước Việt Nam này. Từ khi chúng tôi lớn lên đã thấy thức uống hàng ngày duy nhất của ba là nước trà, ngoài ra ông không uống gì khác.
Ba tôi kể, ông biết uống trà từ năm mười bảy tuổi. Ngày đó ông là công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng. Người dạy ba tôi uống trà là một đồng nghiệp của ba. Những cây chè cổ thụ trên núi là nguồn cung cấp trà cho bác ấy. Mỗi lần lên núi, bác ấy chặt những cành chè lớn ôm về nhặt lấy búp, tự tay sao lấy chè búp khô để uống dần. Thời đó thiên nhiên thì hào phóng mà con người cũng chưa biết giữ gìn chăm sóc nguồn cung cấp sản vật quý giá từ đất trời như bây giờ.
Ở gần bác ấy, được uống trà cùng bác ấy, rồi quen. Chỉ thế thôi mà thói quen uống trà theo ba tôi đi suốt cuộc đời. Đến mức, ba tôi không bao giờ uống nước lọc, ba bảo nó nhạt nhẽo lắm.
Ba tôi là người mê văn chương, đã sáng tác nhiều thơ và truyện ngắn. Trà không chỉ là thứ ở bên cạnh khi ông ngồi viết, mà còn đi vào các sáng tác của ông. Nhiều người vẫn ngâm nga bốn câu thơ “Vị ngọt thấm vào từ đất/Hương thơm chắt lọc khí trời/Anh về quê em vui hội/Nước chè sóng sánh vành môi”, một vài không gian văn hóa trà còn in treo trang trọng, mà không biết rằng ba tôi chính là tác giả.
Cách đây ba năm, ba tôi bị tai biến não, phải cấp cứu và phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ. Trong lúc chằng chịt dây dợ quanh người, giữa những cơn tỉnh thức chập chờn, ba tôi nói khẽ nhưng rất rành rọt với cô y tá: “Cháu cho ông hớp chè”. Cô y tá thương ông, pha một gói trà túi lọc Cozy bón cho ông từng thìa nhỏ. Ông nuốt được một hai thìa, nhăn mặt lắc đầu, lẩm bẩm: “Không ra làm sao cả”.
Chúng tôi hiểu, ông thèm thức uống chung thủy của mình.
Việc đó được đưa lên hỏi ý kiến bác sĩ. Vì ông là bệnh nhân mổ não nên các bác sĩ cũng khó xử, người thì từ chối, người thì lưỡng lự. Một anh bạn tôi cũng là bác sĩ ở bên ngoài biết chuyện, nhắn tôi: “Em cứ cho ông uống đi, ông uống suốt một đời rồi, không sao đâu!”. Chúng tôi liều, quyết định pha trà búp cho ông uống. Vì ông còn đang phải thở oxy, việc ăn uống cũng đưa qua đường xông trực tiếp vào dạ dày nên pha trà xong chúng tôi cho ông uống bằng... xi lanh. Thật khó mà tả được thần thái của ông khi cảm nhận được vị chè xanh chát ngọt, thơm hương cốm từ từ được đưa vào miệng qua chiếc xi lanh cỡ lớn. Mắt ông vẫn nhắm nghiền nhưng khuôn mặt dãn ra, đầu gật gật, tỏ ý hài lòng. Như thể ông gặp lại một vật quý giá tưởng chừng đã mất, gặp lại một cố nhân tưởng chừng đã không thể gặp lại trong đời.
Chúng tôi rưng rưng nhìn nhau. Vừa mừng vì ba tôi vẫn hoàn toàn minh mẫn, có thể cảm nhận được vị ngon đặc biệt của loại thức uống mà ông lựa chọn là duy nhất trong cuộc đời mình. Vừa thương ba vô cùng, chỉ mong sớm đến ngày ông có thể tự nâng chén trà trên tay để thưởng thức, chứ không phải qua chiếc xi lanh cỡ đại thế kia.
Bây giờ ba tôi đã tai qua nạn khỏi, đã trở lại với nhịp sống bình thường mỗi ngày. Ông vẫn chào bình minh bằng ấm trà quen thuộc của mình. Còn chúng tôi, mỗi lần tới một vùng chè mới lại mua trà về biếu ông, để được nghe ông bình phẩm, khi thì hài lòng “chè này được đấy con ạ”, khi thì nhăn mặt lắc đầu “chè này hơi có mùi khói”, “chè này hơi quá lửa”.
Đó là hạnh phúc tuyệt vời của chúng tôi mỗi ngày.
Người thứ hai là một cô bạn thân của tôi.
Bạn tôi là một nhà báo giỏi ở mảng kinh tế và nghị trường. Cô ấy là tác giả của những bài báo sắc sảo, thu hút sự quan tâm của dư luận từ giới chính khách, doanh nhân đến giới thạo tin trong và ngoài nước. Ở góc độ thị trường thông tin, cô ấy là người rất “đắt hàng”, được nhiều báo săn đón đặt bài vì óc quan sát, phân tích sắc sảo, kỹ năng chuyên nghiệp, đặc biệt là tinh thần làm báo chân chính. Vì “đắt hàng” như vậy, nên cô ấy cực kỳ bận rộn.
Nhưng cho dù bận rộn sớm khuya với nghề báo, cô ấy vẫn dành đam mê và phần sức lực còn lại mỗi ngày cho một thức thời trân, đó là trà sen.
Mùa sen, cô ấy thường ra khỏi nhà lúc bốn giờ sáng, một mình phóng xe máy hai mươi cây số xuyên qua lòng Hà Nội, về phía Tây và Tây Bắc của Hồ Tây - nơi có những đầm sen bách diệp độc nhất vô nhị về chất lượng. Sen do cô tự tay lựa từng bông, mỗi chuyến đi chỉ chọn được đôi trăm bông sen ưng ý đem về. Trà để chọn làm trà sen phải là loại trà nõn loại “một tôm, một lá” của một cơ sở sản xuất trà uy tín nhất vùng trà Tân Cương. Loại chè bản địa, dân quen gọi là chè Trung du để phân biệt với các loại trà ngoại nhập, cánh nhỏ, được sao vừa đủ độ, đậm vị, chát dịu, ngọt hậu, khi pha lên màu nước xanh nhẹ ngả sang óng vàng. Từng ấm trà mộc (loại trà chưa qua công đoạn cuối cùng là lấy hương) được đưa nhẹ tay vào lòng sen, buộc khẽ bằng lạt mềm, bọc lá sen bên ngoài. Xong rồi cắm hoa trở lại nước để ủ hương, mười hai tiếng sau mới đem ra đóng gói bảo quản, hút chân không và cấp đông. Tự tay cô ấy làm, mỗi vụ chừng hai nghìn bông, chỉ đủ để cung cấp cho bạn bè làm quà biếu tri âm tri kỷ. Hai nghìn bông sen trà ấy tỏa đi khắp nước Việt và sang tận trời Âu đất Mỹ.
Tôi thường được tặng năm bông trong số ấy. Trà tri âm mời người tri kỷ, nên thường dành dụm để khi thật thư thái mới dám thưởng thức. Trà sen lấy từ tủ cấp đông ra phải ủ nhiệt đủ độ cả trong lẫn ngoài. Rót chén trà thơm mời nhau, lắng nghe vị đậm đà của trà quyện với hương thanh khiết của sen từ tốn xâm chiếm từng giác quan, lòng lâng lâng niềm biết ơn người làm trà, người trồng sen, người nâng niu chọn lựa gói buộc từng búp sen trà như gói buộc duyên phận vào tinh hoa sản vật đất Bắc. Cảm thấy mình thật may mắn vì được tận hưởng tinh túy của đất trời và thân thương tình người trong từng cánh trà, cánh sen.
Thứ ba, thì không phải là một nữa mà là nhiều người tôi đã gặp khi khoác túi rong ruổi các vùng chè giữa những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành. Những người nông dân làm chè.
Dịch bệnh không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân các vùng tôi đến, nhưng làm cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thực mục sở thị mới thấu nỗi vất vả của người làm chè khi giá cả thị trường biến động. Giá các loại phân bón tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm, trong khi đầu ra của chè thì gặp khó khăn, nhất là các vùng trà xuất khẩu, khiến nhiều người trồng chè điêu đứng. Ở những nơi chè làm ra chủ yếu để tiêu thụ trong nước thì đỡ hơn một chút, nhưng chi phí đầu vào từ vật tư đến nhân công thuê hái đều tăng cao, khiến người làm chè dù rất vất vả nhưng không thu về được bao nhiêu.
Ảnh: Cảnh Trực
Nhưng khó thì khó, người làm chè vẫn chung thủy với cây chè. Rất ít người bỏ chè trồng cây khác. Những diện tích chè trồng mới vẫn tăng mỗi ngày. Những giống chè mang tên Long Vân, Kim Tiên, Phúc Thọ, LP1... cùng chè Trung du, chè Shan Tuyết chia nhau làm chủ đồi rừng dưới bàn tay và bước chân cần cù của người làm chè, nuôi xanh niềm hy vọng một ngày mai an yên và sung túc. Nhà nào khó khăn quá thì chăm sóc chè theo lối cầm chừng, chờ dịch dã lui dần sẽ đầu tư trở lại.
Tôi đã gặp những người nông dân cả đời làm chè, có người chìa cháu bé trên tay ra khoe với tôi: “Đến con bé này là thế hệ thứ năm của gia đình tôi ở trên bãi chè này đấy bác ạ”. Bây giờ, các khu công nghiệp mở ra nhiều, thanh niên “đi công ty” cả, các vùng chè hầu như chỉ còn người có tuổi ở lại với cây chè thôi. Nhưng gặp phải dịch dã, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải đóng cửa, con em người làm chè lại quay về nương tựa vào đồi bãi. Câu “dĩ nông vi bản” thật có ý nghĩa trong những hoàn cảnh như vậy.
“Nếu biết dựa vào cây chè để sống thì chè cũng không phụ người đâu, cô ạ”. Một bác nông dân nói với tôi câu ấy. Chè là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc nhất. Những ai đó vì khó khăn mà bỏ mặc bãi chè mọc tự nhiên thì cây chè vẫn cứ sống tự nhiên như vậy. Chỉ cần khi có điều kiện, người chủ trở lại phát cỏ tưới phân bón gốc thì một tháng sau, chè lại cho thu hoạch lứa mới đầy đặn như cũ. Cây chè kiên nhẫn chia sẻ và đợi chờ người làm chè đi qua cơn khốn khó, chứ không bao giờ bỏ rơi họ.
Ngày cuối năm, thong thả pha một ấm trà. Khẽ khàng hít hà làn hương nhẹ thơm, từ tốn nhấp từng ngụm nhỏ, đón vị đậm đà thoáng chút đắng chát ùa vào rồi từ từ tan đi, để lại vị ngọt hậu thấm vào từng li ti xúc giác, tôi nghĩ nhiều về niềm vui của ba tôi, của bạn tôi, của những người nông dân với trà. Họ thật bé nhỏ và khuất lấp trong những vòng quay khổng lồ bất tận của đời sống thường nhật. Nhưng bằng những cách của riêng mình, họ tìm niềm vui, rồi thì say mê, rồi thành duyên nợ với trà. Còn tôi, người luôn hăng hái đi tìm những vẻ đẹp lung linh, huy hoàng ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ, mà quên mất những vẻ đẹp bình dị ở ngay cạnh mình. Bình dị như chén trà tôi đang cầm trên tay, thuộc quen là thế mà sự đậm đà, thanh khiết của nó tôi đã bao giờ hiểu hết đâu.
Gửi phản hồi
In bài viết