Cao quý và trách nhiệm

- Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023), phóng viên Báo Tuyên Quang đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với một số bác sĩ và người dân về những cống hiến, hy sinh thầm lặng trong nghề cùng sự nỗ lực không mệt mỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, phục vụ tốt hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”. Báo Tuyên Quang trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến:

Cử các y bác sỹ đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn

Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I Phạm Chí Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Chiêm Hóa

Để nâng cao nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng người bệnh, hàng năm, Trung tâm Y tế Chiêm Hóa đã cử rất nhiều lượt cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên đi học sau đại học, học các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn theo các đề án, dự án tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Sau khi được học tập, cán bộ, y, bác sỹ đã triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới về lâm sàng, cận lâm sàng, dự phòng và các dịch vụ của tuyến tỉnh, Trung ương  mà trước đây đơn vị chưa thực hiện được. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh nâng cao hơn trước, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến trên, giảm chi phí cho bệnh nhân.


Mong muốn được cống hiến

Bác sỹ Đỗ Thị Bích Vân, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu đòi hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự kỳ vọng của người bệnh, việc đào tạo liên tục cho đội ngũ y, bác sỹ càng trở nên cấp thiết. Thông qua các lớp đào tạo chuyên sâu giúp tôi giải quyết nhiều vấn đề chuyên môn, bổ sung kiến thức y khoa tốt hơn. Vì vậy, sau khi được cơ quan tạo điều kiện cho đi học nâng cao trình độ chuyên môn về chuyên ngành nội tim mạch, tôi mong muốn đưa những kiến thức được học áp dụng vào công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến khám và điều trị tại tuyến Trung ương. Tôi cũng mong muốn sau khi được đi nâng cao trình độ chuyên môn về sẽ góp một phần công sức để đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành một cơ sở y tế chất lượng cao trong công tác khám chữa bệnh.


Ứng dụng kỹ thuật mới trong gây mê - hồi sức

Bác sỹ Lê Thế Quyền, Khoa Gây mê - Hồi sức, Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương

Từ khoản hỗ trợ của chính sách thu hút bằng 45 tháng lương cơ bản, tôi có điều kiện tiếp tục đi học để nâng cao năng lực chuyên môn. Sau khi hoàn thành chương trình học chuyên khoa gây mê - hồi sức, tôi đã được trực tiếp triển khai thực hiện kỹ thuật mới tại cơ sở điều trị tuyến huyện như gây tê vùng, gây mê nội khí quản nhi, gây mê trên bệnh nhân có bệnh lý... Bên cạnh đó, tôi cũng được nâng cao năng lực chuyên môn trong việc theo dõi, hỗ trợ tim mạch, hỗ trợ hô hấp bằng việc sử dụng các thuốc hồi sức điều trị rối loạn tim mạch, truyền máu, truyền dịch... Đây là các bước quan trọng, cần thiết để đảm bảo yếu tố an toàn và thành công cho từng ca phẫu thuật.


Giảm tải cho y tế tuyến trên

Bà Nguyễn Thị Thanh, tổ 2, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang)

Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng kỹ thuật khó điều trị thành công những ca bệnh nặng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người bệnh, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Tôi và người thân đã được hưởng lợi từ thành tựu khoa học kỹ thuật mà các bệnh viện triển khai. Nếu như trước đây, nhiều kỹ thuật như đặt stent mạch vành điều trị bệnh tim, chẩn đoán các bệnh ung thư, điều trị ung thư... phải chuyển tuyến trên thì nay có thể được điều trị ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí là tuyến huyện. Đội ngũ y, bác sỹ tại các bệnh viện đã tích cực học tập, nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, giảm thời gian khám, chữa bệnh, tạo được niềm tin cho người bệnh.

Tin cùng chuyên mục